Mênh mang nhớ những chuyến phà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếng xe lao xuống phà rầm rập, tiếng máy phà xình xịch, tiếng rao hàng, tiếng người cười nói... tạo thành thứ âm thanh đặc trưng khi con phà cần mẫn nối đôi bờ, đưa bao người qua lại mỗi ngày
Thời gian vẫn cứ trôi theo quy luật muôn đời, riêng ký ức là thứ không bao giờ trôi đi mất dù vật đổi sao dời. Chỉ một hình ảnh gợi nhớ, những kỷ niệm dường như đã lãng quên sẽ ùa về. Giống như tôi hôm nay chợt nghe văng vẳng bên tai có tiếng còi phà đầy thổn thức khi đi qua cầu Mỹ Thuận.
Những chuyến phà của miền Tây sông nước
Tôi làm nghề gõ đầu trẻ nhưng đôi chân đi khiến cho sự dịch chuyển trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Tôi làm việc chăm chỉ, dành dụm tiền tiết kiệm và sử dụng nó vào những chuyến đi khắp mọi miền đất nước. Tôi đi để trải nghiệm, khám phá và để chăm sóc phần hồn của mình tươi mát hơn, thú vị hơn.
Tôi không thể nhớ rõ chuyến phà đầu tiên của đời mình là khi nào, vì hồi đó còn bé tí. Lớn dần lên, quen với tiếng máy xình xịch, cũ kỹ và chậm chạp lắc lư, chở người, chở xe, chở đồ đạc lỉnh kỉnh. Bên dưới là dòng nước đỏ ngầu phù sa, những đám lục bình lững lờ trôi trong mênh mang của hai bờ sông Tiền, sông Hậu. Hồi ấy, phà còn ít, nên người xe qua lại hai bờ sông phải chực chờ phà rất lâu. Với khách thì vật vã, khổ sở, còn bọn con nít chúng tôi thì vui vì tha hồ ngắm nghía và thưởng thức mấy món hàng rong.
Kể về những chuyến phà ngược xuôi trong quá khứ mà thiếu việc lên xuống xe trước khi xe lên xuống phà thì xem như chưa từng đi qua những chuyến phà ngày đó. Thường, xe tải chở hàng, hay gọi tên dân dã của miền Tây Nam Bộ là chành xe thì đơn giản, vì chành xe nhiều nhất chỉ có hai người cùng ngồi ngang ghế tài xế. Còn với những chuyến xe khách thì trước khi lên xuống phà, hành khách đều được yêu cầu xuống xe. Tuy nhiên, những cô bác lớn tuổi hoặc những người đau yếu vẫn được ưu tiên ngồi trên xe trong suốt quá trình xe xuống phà. Đó là về mặt lý thuyết, thực tế trên xe có những bà cô, bà chị mang giày, dép có đế rất cao hoặc thân hình hơi đẫy đà, lười lên xuống xe, cũng giả đò đau bụng, đau chân, nhất định không chịu rời khỏi xe...
Nhọc nhằn nuôi con ăn học thành tài
Có lẽ ai từng đi phà sẽ không quên được những chuyến phà chở bao nỗi nhọc nhằn của những phận người mưu sinh trên đó. Nhờ những chuyến phà này, những người bán hàng rong có thể nương vào buôn bán kiếm chút tiền lời rau cháo chăm cha mẹ, hay gom góp nuôi con đi học để giấc mơ đeo đuổi con chữ được nối dài… Có gia đình sống nhờ vào những chuyến phà muộn và nhờ khách thập phương. Người mẹ thì bán bắp luộc, người cha chạy xe ôm, còn cô con gái thì bán trà đá. Thu nhập của ba mẹ được cất giữ để lo những việc lớn, còn tiền lẻ từ các ấm trà đá cũng đủ cho cô con gái trang trải tiền học hành, mua áo quần mới khi Tết đến.
Chồng tôi cũng thường kể về lần đầu tiên đi phà ở miền Tây Nam Bộ là xuống vùng này dự đám cưới. Cậu của chồng tôi từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp, duyên nợ lấy vợ khác vùng miền nhưng đời sống rất hạnh phúc, đủ đầy. Nhắc đến đám cưới miền Tây Nam Bộ với chiếc cổng cưới bằng lá dừa nước, cây đủng đỉnh, tiệc đêm nhóm họ… và không thể thiếu những chuyến phà đêm đưa đón khách là lại thấy cái chất rất riêng của miền sông nước.
Tôi nhớ những chuyến phà đêm có tiếng rao hàng, tiếng í ới gọi nhau, tiếng cãi nhau, tiếng quát tháo, cả tiếng trẻ con khóc… hòa vào nhau thành một "dàn hợp xướng" mà chỉ những ai quá quen với những chuyến phà mới cảm nhận rõ ràng được. Không phải màu thời gian mà kỷ niệm của tuổi thơ là thứ mà tôi trân quý nhất, nuôi dưỡng tâm hồn tôi nhiều nhất, hơn bất kỳ điều gì.
Khi tôi trưởng thành cũng là lúc những chuyến phà dần lui vào quá khứ sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình. Thay cho những bến phà là những cây cầu hiện đại, giao thông thuận lợi hơn hẳn. Có người nhớ, có người quên, riêng tôi vẫn giữ hình ảnh mộc mạc, giản dị của những chuyến phà gợi biết bao kỷ niệm. Vì vậy mà những địa điểm tôi đi du lịch nếu có bến phà thì chắc chắn tôi sẽ sắp xếp đi phà cho bằng được. Ở TP HCM, tôi đã đi phà Phú Định, phà Bình Quới, phà Bình Khánh, phà Cần Giờ hay mới đây nhất là chuyến phà biển TP HCM đi Vũng Tàu. Ở Vĩnh Long tôi nhớ phà An Bình, ở Bến Tre có phà Rạch Miễu, nhắc đến Rạch Giá tôi nhớ phà cao tốc Superdong, nhắc đi chơi Côn Đảo nhớ ngay đến Con Dao Express, Hải Phòng có bến phà Gót nhộn nhịp, Hạ Long có phà Tuần Châu, phà Bãi Cháy… Liệt kê ra mới thấy phà là loại hình vận tải, di chuyển cực kỳ phổ biến, hết sức thuận tiện ở đất nước mình.

Dù sông Tiền, sông Hậu đã có cầu Rạch Miễu, Mỹ Thuận, Cần Thơ, Lấp Vò… song miền Nam vẫn còn nhiều bến phà đưa khách sang sông
Dù sông Tiền, sông Hậu đã có cầu Rạch Miễu, Mỹ Thuận, Cần Thơ, Lấp Vò… song miền Nam vẫn còn nhiều bến phà đưa khách sang sông

Phà Rạch Miễu nối đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre
Phà Rạch Miễu nối đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre
Thèm nghe tiếng còi phà hụ
Năm 1997, nhà nước công bố xây dựng cầu Mỹ Thuận trong nỗi vui mừng khôn xiết của người dân. Nhưng tôi biết sau nỗi vui mừng ấy cũng có những giọt nước mắt rơi bởi nỗi lo thất nghiệp của bao phận người. Những người lái phà, những nhân viên trực bến, người bán hàng rong, những chú xe ôm gắn bó với bến phà như hơi thở chắc là hụt hẫng lắm. Cán bộ công nhân viên thì có người theo phà về phục vụ ở những miền sông nước khác, nơi người dân còn cần những chuyến phà nối đôi bờ. Có người đến tuổi và sức khỏe không cho phép, đành rời những chiếc phà để về với gia đình. Người làm nghề tự do, sống nhờ bến phà thì tứ tán, tìm nơi mới để mưu sinh.
Cầu Mỹ Thuận đẩy bến phà Mỹ Thuận dần đi vào quá khứ, tôi may mắn giữ được một mảng ký ức về phà trong tâm hồn mình. Nhiều lần đi về miền Tây Nam Bộ, lái xe qua cầu Mỹ Thuận trong lòng tôi dâng lên nhiều tâm trạng, dù có đôi chút tiếc nuối thì lòng vẫn vui vì sự thay da đổi thịt hai bến bờ. Người dân hai bên bờ sông làm ăn khấm khá hơn ngày trước, nhiều người chuyển sang nghề khác ổn định hơn, thu nhập tốt hơn.
Có một điều thú vị tôi biết được là dù những chuyến phà đã là ký ức thì miền Tây Nam Bộ vẫn nhộn nhịp những chuyến đò nhỏ. Thực tế mỗi ngày hàng trăm công nhân ngụ các xã, phường ở TP Long Xuyên (An Giang) và quận Thốt Nốt (Cần Thơ) làm việc trong nhà máy ở các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Tháp vẫn đều đặn đi về trên các chuyến đò ngang sông vì đi cầu Lấp Vò thì lại quá xa. Nếu sống ở Long Xuyên hay Thốt Nốt không khó khăn để nhìn thấy hàng dài xe máy, người dân nối đuôi nhau xuống bến đò.
Hay một số người buôn bán nhỏ giao hàng hóa, học sinh Đồng Tháp học ở các trường đại học, cao đẳng bên An Giang, nếu nhà cách cầu Lấp Vò khá xa thì đều chọn cách qua sông trên những chuyến đò vì gần hơn. Rõ ràng đi đò thì nhỏ nhưng tiện, còn qua cầu thì lại phải đi đoạn đường dài.
Nói đi thì cũng nói lại, tuy phà không thể so sánh với cầu nhưng đôi khi người dân như tôi vẫn mong phà hoạt động trở lại. Kèm theo đó là khai thác triệt để tiềm năng du lịch, đáp ứng nhu cầu của người dân, thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.
Trong tôi lúc nào cũng hoài niệm về những chuyến phà qua lại những vàm sông… Sẽ thật tuyệt vời khi được nghe lại tiếng còi hụ trên những chiếc phà ngày đêm đưa khách sang sông, ròng rã hơn cả trăm năm trên con sông Tiền thơ mộng. Bất giác tôi mở bài hát "Chiều qua phà Hậu Giang", nghe giọng vàng thánh thót của cố ca sĩ Phi Nhung, nhìn về phía chân trời xa xa, cảm xúc lại ùa về, tràn ngập. 
Cũng có khi bà cô, bà chị hay ông anh nào đó khá lơ đễnh, khi xuống xe không chú ý xe biển số mấy, của tỉnh thành nào, xe màu gì… lúc đó mới cuống quýt tìm chiếc xe mình đã đi trong chặng đường vừa qua. Còn có tình trạng trẻ con bị lạc cha mẹ, đến lúc người lớn phát hiện ra thì nháo nhào tìm hoặc sụt sùi khóc trong ân hận về sự vô tâm của mình.
Bài và ảnh: LÊ NỮ KIM CƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.