Mẹ, con và tiếng chổi tre xao xác chợ quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Buổi chiều, những gánh hàng nhỏ của tiểu thương dọn bệt ra bên vệ đường chờ khách. Một người phụ nữ vẻ ngờ nghệch cầm chiếc chổi, lẽo đẽo chạy theo sau là hai người con, đi thẳng vào chợ. Và rồi tiếng chổi tre xao xác chợ quê...

Bà Liên cùng hai cô con gái quét dọn, kiếm sống ở chợ
Bà Liên cùng hai cô con gái quét dọn, kiếm sống ở chợ
Hoàn cảnh của cụ Tuân, bà Liên đúng là rất nghèo khổ nhưng hiện tại không nằm trong danh sách hộ nghèo bởi phải nhường suất đó cho các gia đình chính sách, hộ tàn tật. Bà con chòm xóm đều chia sẻ nhưng không thể làm gì hơn.
Ông NGUYỄN HỮU CHỨC (phó thôn Thanh Quý 1, xã Điện Thắng Trung)
Gian chợ nghèo bé nhỏ đó nằm kế bên tuyến quốc lộ 1 chạy qua thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Người tới chợ cũng là bà con địa phương và người bán buôn đều nhẵn mặt nhau. 
Vậy nên, nhắc chuyện người mẹ quét chợ là bà Nguyễn Thị Liên, 50 tuổi, cùng hai người con Trần Thị Lâm, Trần Thị Sơn, bà con ở đó đều thương cảm và kể vanh vách.
"Người quen mặt" ở phiên chợ nghèo
Trời tối rất nhanh. Bên trong chợ, những thùng xốp, kệ hàng nằm ngổn ngang. Nước thải chảy tràn ra mặt đất. Mùi thum thủm, ngai ngái bốc lên trong những hốc tối. Lũ chuột đói từ dưới ống cống ngọ nguậy rồi tràn lên kiếm ăn. Bà Liên chân đi ủng, tay đeo găng, khuôn mặt bịt kín khẩu trang đảo qua từng góc rồi đưa chổi khua đi khua lại.
Hai người con bà cũng biết việc nên chẳng cần ai phải bảo. Đứa lớn chạy ù đi kéo những thùng nhựa lớn nằm ngoài đường đưa vào phía trong để tấp rác lên trước khi xe tới chở đi. Đứa nhỏ thì cần mẫn luồn chổi vào từng hàng rau tiểu thương đang ngồi bán để lôi từng đám rác ra.
Bà Liên đang lầm lũi làm thì một người ở ngoài tấp xe máy, chạy vội vào khu nhà vệ sinh. Bà Liên buông chổi, đút tay vào túi áo lấy chìa khóa mở cửa nhà vệ sinh nằm sau chợ. 
Người đàn ông dúi vào tay bà Liên 3.000 đồng, bà rút lại tờ 2.000 đồng nhàu cũ trả cho khách nhưng người này từ chối và bảo "chị cứ giữ lấy, lần sau tôi sẽ cho thêm".
Hơn 50 tuổi vẫn là "con mọn"
Đêm buông xuống, những ngôi nhà vụt sáng. Những gia đình bắt đầu dọn mâm cơm ra trước hiên nhà vừa ăn vừa hóng mát. Đối nghịch với cảnh sung túc đó, căn nhà của mẹ con bà Liên leo lét với ánh đèn tiết kiệm điện nhỏ xíu.
Bà Liên cho biết căn nhà bà đang ở còn có thêm một người phụ nữ khác, đó là mẹ ruột của bà - cụ Nguyễn Thị Tuân, 73 tuổi. Cụ Tuân lưng đã còng gập hẳn, dù lớn tuổi nhưng đang là trụ cột của cả nhà, nuôi hai người cháu ngoại lẫn "dìu dắt" cho cô con gái (bà Liên) tính khí thất thường.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với mẹ con bà Liên thỉnh thoảng lại bị chen ngang bởi những tiếng của cụ Tuân từ góc giường. Bà Liên nói chuyện không rõ đầu đuôi, khi đang kể chuyện này thì bà lại chợt nói chuyện nào đó chẳng liên quan. "Tính khí nó ương ương dở dở" - cụ Tuân nói. 
Cụ kể rằng khi Liên tròn 2 tuổi thì cụ phải mang "vía" lên chùa gửi bởi con gái bà có những dấu hiệu bất thường. Nhưng năm tròn 15 tuổi, khi "đưa" vía về lại thì tình hình cũng chẳng khá hơn. Liên cứ thích gì làm nấy, không chịu nghe ai.
Năm Liên 32 tuổi thì được gả cho một người đàn ông ở thôn cạnh bên. Nhưng người này cũng bị khuyết tật, nói ngọng. Sống với gia đình chồng được 3 năm, khi có cô con gái đầu và đứa thứ hai đang trong bụng thì Liên cầm nón tơi, xách giỏ đồ quay về nhà mẹ để ở.
Cụ Tuân nói rằng dù Liên đã là mẹ của hai đứa con gái nhưng mấy chục năm nay cụ vừa làm bà, vừa phải thay Liên gồng gánh nuôi ba mẹ con. 
Để Liên có tiền nuôi con, có lần cụ dẫn con gái ra chợ bày vẽ cách buôn rau vặt. Nhưng Liên mỗi lần ra chợ là một lần âm vốn. Không còn cách nào khác, cụ phải đi xin để Liên được dọn vệ sinh ở chợ.
"Tui 73 tuổi, còng lưng sức yếu mà phải cáng đáng ba mẹ con như cảnh con mọn" - cụ Tuân chùng giọng.
Gian bếp xập xệ, không có đồ ăn của nhà bà Liên - Ảnh: B.D.
Gian bếp xập xệ, không có đồ ăn của nhà bà Liên - Ảnh: B.D.
Canh nhà vệ sinh lấy tiền công quét chợ
Ở chợ Thanh Quýt, câu chuyện mẹ con bà Liên khá đặc biệt không chỉ bởi tâm tính "không bình thường" của bà Liên mà chuyện bà ra chợ quét rác, dọn chợ phục vụ bà con nhiều năm nay. Bà Liên được nhận vào quét chợ cũng bởi hoàn cảnh hi hữu. 
Lịch trình có mặt ở chợ của bà rất đều đặn và đúng giờ: cứ đúng 16h chiều, bà cùng hai cô con gái lại lẽo đẽo cầm ba cây chổi ra dọn quét, đổ rác, làm vệ sinh toàn bộ chợ.
Họ làm cần mẫn, tỉ mỉ và tươm tất như dọn sạch chính căn nhà của mình để bà con tới mua bán. Chợ sạch thì khách sẽ tới đông. Khách đông thì sẽ... có nhiều người đi vệ sinh trong căn phòng nằm khuất sau chợ. 
Ở đó, từ tờ mờ sáng bà Liên đã cầm chiếc ghế ngồi canh sẵn, cứ mỗi khách vào thì họ trả "phí" cho bà 1.000 đồng, nhưng người biết hoàn cảnh của bà thì cho thêm. Khoản tiền thu được từ nhà vệ sinh đó chính là tiền "lương" cho công sức quét dọn chợ của mẹ con bà.
"Mỗi ngày như vậy kiếm được mấy trăm ngàn?". Vừa nghe câu hỏi này, bà Liên đã đứng dậy, vẻ đằng sẵng: "Không có đâu, làm gì có. Mấy chục ngàn thôi". 
Nói rồi bà lần ngón tay, nhẩm tính: "Từ khi quét chợ tới nay, ngày nhiều nhất là được 70.000 đồng; mấy hôm dịch bệnh, chợ không có người mua bán nên chỉ được mấy ngàn". Nghe bà Liên nói, hai cô con gái ngồi bên cúi mặt tủi tủi.
Giường ngủ trên... chuồng gà
Chúng tôi ngồi trong gian nhà nơi cụ Tuân và bà Liên cùng hai con đang ở. Không một thứ đồ đạc nào đáng giá, nền gạch ẩm ướt rỉ nước lỗ chỗ, từng hàng ngói bị xô lệch sau trận bão. Nhà chỉ rộng chừng 50m2, có tới 4 chiếc giường, nhưng chỉ một trong bốn chiếc là còn lành lặn. 
Cụ Tuân nói làm chúng tôi quá bất ngờ: "Đó là cái giường sắt được người ta hàn từ giàn súng rồi bán 120 đồng, tui mua cách đây... 51 năm. Giường bằng sắt nên chẳng hư được, sắt thép chỉ gỉ mòn theo thời gian nhưng giờ vẫn chắc chắn và làm chỗ cho tui nằm".
Cụ Tuân đưa chúng tôi xuống chỗ ngủ của bà Liên. Đó là một chiếc giường chỉ rộng 1,2m, nằm ngổn ngang giữa những mớ xoong nồi, bao tải đựng chai nhựa. Tấm chiếu rách được dỡ lên thì bất ngờ mấy con gà lao ra kêu tao tác. 
Cụ Tuân bảo rằng vì không có chuồng gà nên chỗ ngủ của người cũng làm chỗ để... nuôi gà. Đây cũng là nơi nấu nướng cho cả nhà. Điều khá... hi hữu là tới nay nhà cụ Tuân vẫn nấu bằng bếp củi.
"Củi tự kiếm ngoài vườn rồi vào đun nấu chứ không có tiền mua bếp gas, tiền điện cả nhà xài cũng tháng chỉ vài trăm ngàn. Khoản tiền đó tui vừa ra chợ, vừa đi mót ve chai được đồng nào thì về chi tiêu" - cụ Tuân trải lòng.

Bà Liên, cụ Tuân cùng hai người cháu trong căn nhà dột nát - Ảnh B.D.
Bà Liên, cụ Tuân cùng hai người cháu trong căn nhà dột nát - Ảnh B.D.
Cụ Tuân nói rằng nếu con gái bà nhanh nhẹn và biết ý như những người khác thì thu nhập ở chợ cũng sẽ nhiều hơn. "Nhưng nó chỉ biết cầm chổi rồi ai đi vệ sinh thì thu tiền chứ chẳng biết tính toán chi.
Thu nhập mỗi ngày chỉ 50.000 - 70.000 đồng, chỉ đủ cho bữa sáng. Vậy nên trong nhà tui chia ra: nó quét chợ để lấy tiền mua đồ ăn sáng cho cả nhà, bữa trưa và tối thì tui lo. Tui bán rau ở chợ, cũng kiếm được ngày đôi ba đồng" - cụ Tuân nói.
THÁI BÁ DŨNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.