Ma túy xâm nhập buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Bóng ma” của ma túy đang rình rập những ngôi làng Jrai ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Những chàng trai lực điền vì một phút đua đòi, nông nổi rồi trở thành nô lệ của ma túy, để lại nỗi lo đau đáu cho người thân.
Lầm đường lạc lối
10 giờ trưa, Puih Bin (SN 2006, trú tại làng Jrăng Krái, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) mới tỉnh giấc. Ông Rơ Lan Kai-ông ngoại của Bin ngán ngẩm: “Tối qua, nó xin đi chơi với bạn rồi không thấy về. Thức trắng chờ đến gần 4 giờ sáng thì mình mới thấy nó trèo qua cổng vào nhà. Mình khuyên bảo nhưng nó chẳng nghe. Cha mẹ nó thì không có, nó có cái chân, đóng cổng rồi nó cũng trèo rào đi được. Mình đến chừng này tuổi, lại làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, cứ nghĩ gia đình phải làm gương cho người khác, nhưng đứa cháu ngoại này làm mình khổ tâm quá”.
Bin là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Khi Bin học lớp 3, cha mẹ li dị, mẹ đi lấy chồng khác, Bin phải về ở với ông bà ngoại tại làng Jrăng Krái. Không có sự chăm sóc, chở che của cha mẹ, Bin buồn chán không muốn theo đuổi con chữ mà buông thả theo những cuộc chơi với các đàn anh trong làng. Đang học lớp 7, Bin bỏ học, suốt ngày lêu lổng trong sự bất lực của vợ chồng ông Kai. Ở tuổi 14, Bin không lao động mà sa đà vào những quán game.
Ông Rơ Lan Kai (bìa phải) thường xuyên căn dặn Puih Bin phải rời xa ma túy. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ông Rơ Lan Kai (bìa phải) thường xuyên căn dặn Puih Bin phải rời xa ma túy. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Bin cứ lang thang, tụ tập theo chúng bạn rồi bắt đầu học các thói xấu. Cậu thiếu niên bắt đầu hút thuốc, uống rượu. Và để chứng tỏ “đẳng cấp” hơn bạn bè cùng trang lứa, Bin đã gục ngã trước ma túy đá. “Các anh lớn nói là nó giống thuốc lá thôi, mày cứ hút thử đi không sao đâu. Em hút thử thì thấy nó cũng bình thường. Mấy lần sau thấy các anh hút thì em cũng hút theo rồi phải kiếm tiền mua để hút, mỗi lần hút mất 300 ngàn đồng”-Bin nói.
Năm 14 tuổi, không có tiền mua ma túy, Bin lấy trộm điện thoại của người dì sống cùng nhà mang đi cầm cố. Đến khi bị Công an mời làm việc, tất cả mới ngỡ ngàng rằng cậu bé có ánh mắt lanh lợi ấy đã bị “con ma” có tên ma túy dẫn lối.
“Từ nhỏ, nó ở với vợ chồng tôi. Tôi thấy nó cũng ngoan và lễ phép, trước giờ không trộm cắp của ai bao giờ. Nhưng khi hút ma túy vào rồi thì đến điện thoại của dì nó cũng dám lấy trộm. May mà Công an phát hiện kịp thời và đưa ra giáo dục chứ nếu nó tiếp tục làm điều xấu thì khổ lắm. Tôi đang tính năm sau xin cho nó đi học lại lớp 7. Nó cũng muốn đi học lại. Chỉ có theo con chữ, cho các thầy cô dạy dỗ thì nó mới tránh xa được lũ bạn xấu thôi”-ông Kai trăn trở.
2 đối tượng Khương (trái) và Tuấn bị bắt vì bán ma túy cho thanh niên làng
2 đối tượng Khương (bìa trái) và Tuấn bị bắt vì bán ma túy cho thanh niên làng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ngày 20-10 vừa qua, tại khu vực làng Dọch Ia Krót (xã Ia Krai), lực lượng Công an huyện Ia Grai đã phát hiện đối tượng Ksor Khương (SN 2002, trú tại làng Jrăng Blo, xã Ia Khai) đang tàng trữ 3 gói ma túy đá. Khám xét chỗ ở của Khương, các trinh sát còn thu giữ thêm 8 gói ma túy đá.
Khương khai nhận đã mua của Rơ Mah Tuấn (SN 2002, trú tại làng Del, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) bán lại kiếm lời. Về làng, Khương dụ dỗ các thanh-thiếu niên sử dụng ma túy và Bin là một trong số đó. Ngoài Bin, Công an huyện Ia Grai còn xác định 2 thanh niên khoảng 17 và 19 tuổi khác mua ma túy của Tuấn và Khương.
Trung tá Phạm Chính Nghĩa-Phó Trưởng Công an huyện Ia Grai: “Tình trạng thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số liên quan đến ma túy đá là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Sau tệ nạn ma túy là các loại tội phạm khác kéo theo như: trộm cắp, cướp giật tài sản. Từ năm 2019 đến nay, Công an huyện đã phát hiện, xử lý 3 vụ với 11 đối tượng là người dân tộc thiểu số về các hành vi sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy”.

Ksor T. (SN 2001, trú tại làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai; nhân vật đề nghị giấu tên) vốn rất khỏe mạnh và siêng năng. Tuy nhiên, T. đã bị một đối tượng dụ dỗ cùng sử dụng ma túy đá. T. chia sẻ: “Hôm đó, do đã uống rượu rồi nên thấy người ta hút mình cũng hút thử. Sau đó thì thấy… thích thích chứ không biết nó nguy hiểm thế nào. Chơi ma túy vào rồi thì mình chỉ muốn đi chơi đêm thôi. Ban ngày phải ngủ bù, không đi làm được nữa nên cũng không có tiền tiêu. Mình phải cầm cố chiếc xe máy để có tiền mua ma túy. Những lúc hết phê thuốc, mình cảm thấy có lỗi với người nhà lắm, nhưng không dừng lại được”.

Thấy con trai bỗng chốc gầy rộc, cha mẹ T. bỏ thời gian theo dõi. Khi biết T. nghiện ma túy thì họ buộc phải đưa cậu vào trại cai nghiện.

Nước mắt người mẹ
Một buổi chiều cuối năm 2019, khi đang cùng chồng cặm cụi nhặt những quả cà phê dính đầy bụi đất, bà Ksor H’Blin (làng Breng 1, xã Ia Dêr) bàng hoàng khi nghe tin: Con trai bà-Ksor Juih (SN 1997) đã bị Công an bắt quả tang khi đang bán ma túy cho các con nghiện. Bị bắt cùng Juih còn có Puih Nguên (SN 2000, trú tại làng Brel, xã Ia Dêr). Bà chạy ào về nhà xem sự thể thế nào. Lúc này, Juih đang bị còng tay. Khi thấy mẹ, Juih thốt lên: “Mẹ ơi, con sợ”.
Bà H’Blin thất thần ngồi bệt xuống thềm nhà với nỗi đau xé lòng. Suốt cuộc đời lam lũ khổ cực, bà chưa bao giờ thấy cái thứ màu trắng trong bì ni lông bé xíu ấy. Nó là cái gì mà khiến cậu con trai bà phải rơi vào cảnh tù tội thế kia? Những suy nghĩ hỗn độn khiến nước mắt bà cứ thế tuôn trào. Suốt mấy ngày sau đó, bà chẳng thể ăn uống nổi. Bà không ngờ Juih lại dính đến cái gọi là ma túy ấy. 
Ksor Juih khi bị bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy
Ksor Juih khi bị bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ông Rơ Châm Din-cha của Juih kể rằng: Khoảng thời gian trước khi bị bắt, Juih bỗng ăn ít đi, thường đi chơi về khuya và sút cân trông thấy. Cha mẹ hỏi han thì Juih chỉ giải thích qua quýt: “Dạo này tự nhiên không muốn ăn uống gì cả”. Ông không hề biết rằng con trai lại biến ngôi nhà của mình thành tụ điểm bán ma túy.
Ông Din đau khổ: “Giờ nó bị tuyên án 7 năm tù, không có người phụ giúp vợ chồng tôi. Đã vậy tôi còn phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền hàng tháng đi thăm nuôi. Chị nó cũng khổ lắm vì có con bị liệt nằm một chỗ gần 7 năm nay. Mỗi lần tôi vào trại thăm, nó đều hứa sẽ cố gắng cải tạo để được về sớm. Nó cũng hứa sẽ bù đắp lại cho cha mẹ, không dính dáng vào ma túy nữa”.
Cũng mang nỗi lòng của người cha, ông Rơ Ô Ngoai hy vọng khi vào tù, Puih Nguên sẽ cai được ma túy để làm lại cuộc đời. Khi đang học bổ túc đến lớp 10, Nguên đã nghỉ học để lấy vợ và sinh được 1 đứa con trai. Để có tiền nuôi vợ con, Nguên thường theo cha đi phụ hồ khắp các công trình. Nhưng trong khoảng thời gian nhàn rỗi, cậu lại bị rủ rê vào những cuộc rượu và dính đến ma túy.
“Nó đi tù rồi thì vợ nó cũng lấy chồng khác. Tôi bị bệnh nên không đi làm như trước. Vì vậy, mẹ nó phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi 3 đứa nhỏ”-ông Ngoai rầu rĩ nói.
*
Ra về, tôi cứ ám ảnh mãi lời tâm sự trong tiếng thở dài của ông Ksor Grik-già làng làng Breng 1 (xã Ia Dêr): “Ngày trước, lũ trẻ có như vậy đâu. Từ ngày tụi nó biết chơi game, rồi một số đứa nghiện hút ma túy thì ngôi làng chẳng còn bình yên nữa”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.