Ma trận các loại ma túy "trá hình": Thâm nhập thế giới "bóng cười"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lạm dụng khí cười sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm. Ảnh: TL
Lạm dụng khí cười sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm. Ảnh: TL
Tại Việt Nam, chưa có một điều khoản luật nào quy định cụ thể về việc hút “bóng cười” - khí N20 - một loại chất kích thích được bán trong các hộp đêm tại một số quốc gia Châu Âu. Có một thời gian Hà Nội đã quyết liệt rà soát và xử lý các quán café, quán bar có bán và sử dụng “bóng cười”, thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng mua bán và sử dụng “bóng cười” đang diễn ra công khai ở rất nhiều quán café. 
Không khó để bắt gặp “bóng cười” nằm trong menu (thực đơn) giống như các loại đồ ăn thức uống khác. Phóng viên Lao Động đã thâm nhập thế giới “bóng cười” và tìm ra nhiều sự thật đáng để cảnh báo tới các cơ quan chức năng và những vị phụ huynh.
 Giới trẻ chìm đắm trong bóng cười tại các quán cafe ở Hà Nội. Ảnh: PV
Giới trẻ chìm đắm trong bóng cười tại các quán cafe ở Hà Nội. Ảnh: PV
Bóng cười vào thực đơn của quán càphê
Không gian của những quán càphê nằm trên phố Nguyễn H.H, Hà Nội trở nên chật chội vì những quả bóng to, căng phồng đang được các bạn trẻ phồng mồm trợn mắt hít để được cười. Không ai chú ý đến xung quanh vì lúc này, họ đang chìm vào cảm giác lơ mơ, bay bổng mà cái thứ bóng cười chết người kia đem lại.
Theo chân một cô gái tên H.D có sở thích chơi bóng cười, chúng tôi vào một quán càphê bóng cười trên đường Nguyễn H.H. Trong tiếng nhạc chát chúa, những nam thanh nữ tú đang thổi - hít bóng cười. “Sướng lắm chị ơi. Thử hút tí xem. Em và người yêu em chơi thường xuyên, chơi ít thì chả thấy bị làm sao cả. Chị cứ chơi, sẽ thấy sảng khoái, được cười liên tục, mà chỉ chơi quá thì nó mới mất kiểm soát thôi. Con bạn em, nó dùng quá đà, loạn hành vi, ảo giác như con điên ấy” - H.D nỉ non tâm sự.
Sau đó, cô ôm khư khư trái bóng, thổi thổi, hít hít, đôi mắt bỗng lơ mơ đờ đẫn, cô ngả lưng vào ghế khoái lạc, sung sướng. Nhạc càng bật to, các nhóm thanh niên càng phấn khích cười như điên dại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít các bạn trẻ đang ngồi ôm bóng cười tại đây là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Trong những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, họ cho biết đối với họ, bóng cười chẳng qua chỉ là một thú vui như nhai kẹo cao su hay hút shisha mà thôi. “Chị ơi, thời đại nào rồi còn lo nghiện, chị cứ thử mới biết được là bọn em nói có sai hay không. Chơi bóng cười để cười, để sướng chứ không phải là để nghiện” - Q.Đ, một nam thanh niên thuyết phục.
Còn cô gái đưa tôi vào quán càphê này, có một thời gian, chán nản chuyện tình yêu, học hành sa sút, có người bạn rủ D hút bóng cười để quên đi cảm giác đau khổ, tuyệt vọng, từ đó, D lao vào tìm cái cảm giác lâng lâng, khoan khoái đầy dại dột. Cũng một thời gian đó, sức khỏe của D sa sút nghiêm trọng, mắt thâm quầng, hao gần chục cân. Đi khám, bác sĩ cho biết D có dấu hiệu tái trầm cảm và có dấu hiệu bị lệ thuộc vào chất gây nghiện. Gia đình sợ quá, cho hẳn mẹ lên Hà Nội ở cùng con, giúp con cai nghiện “bóng cười”. Giờ đây, D không còn thèm chơi bóng cười nữa, nhưng thỉnh thoảng đi cùng bạn trai, vẫn giao lưu bằng loại đồ chơi kinh hoàng này.
Qua tìm hiểu, việc mua bán bóng cười đã diễn ra công khai mặc dù có lệnh cấm của cơ quan chức năng Hà Nội. Để sử dụng bóng cười có hai cách: Đặt hàng qua mạng hoặc đến các quán càphê có bóng cười, shisa. Việc mua bán bóng cười diễn ra công khai, vô cùng dễ dàng để mua. Chỉ cần một cuộc điện thoại đến các cửa hàng bán bóng cười online (trên mạng) sau đó đặt hàng và cung cấp địa chỉ, là bất cứ thời gian nào cũng có thể nhận được hàng thậm chí là được miễn phí vận chuyển trong nội thành Hà Nội. Đối với khoảng 15 - 20 người cần một bình khí khoảng 2kg với giá 250.000 đồng (kèm theo 750 nghìn đồng tiền đặt cọc vỏ bình).
Cũng chính các bạn trẻ có thú vui chơi bóng cười đã khẳng định rằng, bóng cười được nhập về Việt Nam nên không kiểm soát được họ bơm chất gì vào trong ấy, có loại bóng rởm thì chỉ cần hút hơi đầu tiên là đau đầu, choáng váng. Theo khảo sát của PV, bóng cười được đưa vào menu của quán như món đồ ăn, thức uống thông thường.
Mới đây, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho một bệnh nhân nam 26 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài. Bệnh nhân vào viện ngày 1.4 với các biểu hiện rối loạn cảm giác và giảm vận động.
Theo lời kể của bệnh nhân, anh đã chơi đã hơn một năm nay. Thời gian đầu dùng ít, chỉ 1 - 2 quả một lần và có cảm giác “phê”. Dần dần số lượng dùng ngày một tăng, có thể lên tới 20 quả một lần chơi và thường xuyên dùng. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, đây là trường hợp rất điển hình của ngộ độc khí ôxít nitơ N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.
“Khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin”, BS Nguyên nói và khuyến cáo “Đây là một chất mà gần đây các bạn trẻ có xu hướng dùng nhiều lên”.
Trung tâm Chống độc cũng đã từng tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến điều trị trong tình trạng tương tự. Với tính chất nguy hiểm của nó (gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm), do đó khuyến cáo các bạn trẻ không sử dụng các khí này. “Lạm dụng khí cười thì sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm. Vì vậy, không nên giải trí bằng bóng cười”, BS Nguyên khuyến cáo.
Những cuộc mua bán “chóng vánh”
Không chỉ “bóng cười”, hiện nay, việc mua bán cần sa và các chất kích thích khác đang diễn ra một cách khá phổ biến, dễ dàng đến mức gần như công khai. Mặc dù cần sa, chất kích thích đều nằm trong danh mục chất cấm. Muốn mua các loại chất kích thích này không khó. Nhanh hơn là thông qua các đầu mối, người quen và bạn bè hoặc tiện lợi và bí mật hơn, chính là mua bán qua mạng xã hội như Facebook...
Nhiều nhóm Facebook được lập nên bí mật và được giao dịch bí mật, nếu không có thành viên quen giới thiệu, khó lòng xâm nhập được. Tuy nhiên, cũng tại Facebook, chỉ cần gõ một vài cụm từ khóa trên mạng xã hội như 420 Ston (…), Hội mua bán cần sa (…), 42 (…) VN… là có thể tìm thấy nhan nhản người mua - người bán. Tại đây, cần sa được gọi bằng các tên gọi khác nhau như cam, xoài, kush, ca,... tương ứng với từng loại cần sa. Để thuận mua vừa bán và tăng tính cạnh tranh, hoàn toàn có thể mặc cả, ra giá với các chủ hàng.
Thông thường, đối với những người chỉ có nhu cầu sử dụng, cần sa sẽ được mua bán theo gram hoặc gói (pack). Tùy vào từng loại cần sa khác nhau (trong nước hoặc nhập từ nước ngoài), giá cả sẽ dao động từ 100.000 - 500.000 đồng/1 gói hơn 2 gram. Đối với những người có nhu cầu buôn bán, số lượng cần sa được trao đổi nhiều hơn, thường tính bằng lệnh (lạng) với giá cả thỏa thuận. Ngoài ra trên những nhóm này còn bán cả hạt giống cần sa và hướng dẫn cách chăm sóc, qua mặt các cơ quan chức năng, công an. Theo cách này, để mua các loại kẹo đủ màu sắc mà bản chất là ma túy tổng hợp cũng không khó.
Theo chân một người mua cần sa, chúng tôi đã bí mật theo dõi một cuộc trao đổi hàng rất nhanh giữa các đối tượng. Chỉ 5 phút sau khi đăng yêu cầu cần gấp 200.000 đồng cam (cách gọi khác của cần sa) lên một nhóm chuyên mua bán cần sa, người mua đã nhận được tin nhắn qua Facebook từ một đối tượng với lời chấp nhận giao dịch theo yêu cầu. Đối tượng đồng ý giao hàng đến tận nơi kèm theo chi phí phát sinh là 20.000 đồng.
Từ những sự việc này tiếp tục đặt ra những yêu cầu khẩn thiết trong việc siết chặt quản lý việc mua bán chất kích thích, ngăn chặn thảm họa ma túy và kiểm soát an ninh trong các lễ hội, sự kiện âm nhạc.
Gia tăng độ “phê”
Khi mới xuất hiện tại Việt Nam, ma túy tổng hợp chủ yếu là dạng viên nén (thuốc lắc), xuất hiện tại các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... Hiện nay, ma túy tổng hợp đã có sự đa dạng về chủng loại, thành phần ở rất nhiều dạng như viên nén, bột, tinh thể, nước, thảo mộc... và đã lan rộng ra địa bàn khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thượng tá Bùi Đức Thiêm - Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an - cho biết, ma túy tổng hợp đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của người sử dụng đặc biệt là giới trẻ. Nồng độ các chất ma túy tăng lên, kích thích cũng tăng lên.
“Từ những viên hồng phiến, bạch phiến với hàm lượng ma túy thấp 8 - 10%, chuyển sang thuốc lắc với hàm lượng ma túy từ 10 - 40%, thì giờ đây ma túy tổng hợp dạng đá với hàm lượng ma túy rất lớn, lên đến 70 - 80% .Trong khi đó, giá thành ma túy đá ngày càng rẻ, dễ sử dụng khiến ma túy đá leo lên vị trí dẫn đầu trong nhóm chất gây nghiện được ưa chuộng hiện nay” - Thượng tá Bùi Đức Thiêm nói.
Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), ma túy tổng hợp được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ; chủ yếu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia qua biên giới đường bộ giáp các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Tây Ninh... Một phần nhỏ ma túy tổng hợp được đưa từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ về qua đường hàng không. Ma túy tổng hợp một phần được tiêu thụ trong nước, một phần được vận chuyển sang nước thứ ba.
Nhóm PV thời sự (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.