(GLO)- Những năm qua, đội ngũ luật sư của tỉnh có sự chuyển biến cả về chất và lượng. Tuy nhiên, nền kinh tế hội nhập quốc tế lại đặt ra không ít thách thức cho giới luật sư của tỉnh.
Số lượng và chất lượng từng bước được nâng cao
Năm 2004, quy định về việc công chức không được làm luật sư có hiệu lực. Bấy giờ, Đoàn Luật sư tỉnh chỉ có 9 người và phần lớn cán bộ đã nghỉ hưu. Những luật sư trẻ, có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn khá thì không thể hành nghề luật sư. Bởi vậy, nhiều vụ án hình sự bị cáo có khung hình phạt cao nhất đến tử hình hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại là vị thành niên, Tòa án nhiều khi rất vất vả trong xếp lịch để chờ luật sư tham gia theo chỉ định. Thậm chí Đoàn Luật sư cũng không có trụ sở ổn định để liên lạc.
Luật sư bào chữa cho một số bị cáo trong vụ án Mai Quý Thọ. Ảnh: V.N |
Đó là chuyện của gần 10 năm về trước còn bây giờ mọi chuyện đã khác. Khi pháp luật dần điều chỉnh sâu rộng các hành vi trong đời sống xã hội thì vai trò của luật sư được nhìn nhận một cách trân trọng. Đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai đã được UBND tỉnh giao trụ sở độc lập, hàng năm được hỗ trợ một phần kinh phí để hoạt động. Toàn Đoàn có 18 luật sư chính thức và 17 luật sư tập sự. Có 5 luật sư tham gia tại 4 văn phòng luật sư, còn lại 13 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Sắp đến sẽ có một số cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp tiếp tục xin nghỉ việc để được tham gia Đoàn Luật sư. Điều này cho thấy sự lớn mạnh của đội ngũ luật sư và vai trò quan trọng của họ trong đời sống xã hội dân chủ.
Riêng trong năm 2011, các luật sư của tỉnh đã tham gia bào chữa theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng là 260 vụ hình sự; 25 vụ án dân sự (kể cả lao động và hôn nhân-gia đình); 40 vụ việc tư vấn pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Trong 5 tháng đầu năm 2012, các luật sư đã tham gia bào chữa 195 vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can có khung hình phạt đến tử hình, bị can, bị hại là vị thành niên. Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý cũng cử luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia 10 vụ. Luật sư Hoàng Ngọc Xuân-Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai cho biết: “Đó là những vụ án mà việc bào chữa theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng và một số vụ án được luật sư (hoặc văn phòng luật sư) báo cáo còn phần lớn những vụ án được các thân chủ mời đích danh luật sự tham gia tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều hơn. Hiện nay, Đoàn Luật sư tỉnh không thể nắm hết số lượng này”.
Nhìn chung, những năm qua đội ngũ luật sư của tỉnh đã góp phần đáng kể cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá chứng cứ khách quan của vụ án. Nhiều vụ án khi luật sư tham gia phân tích, đánh giá chứng cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận và trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ, điển hình là vụ án Lê Thị Tường Vân (TP. Pleiku), Nguyễn Thị Thanh Nhụy (TP. Pleiku) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các luật sư cũng tham gia đấu tranh phòng-chống tội phạm, tránh oan sai và thể hiện được tiếng nói khách quan của vụ án như vụ cán bộ Công an xã Tơ Tung (huyện Kbang) dùng nhục hình làm đối tượng trộm cắp chết trong phòng làm việc khi luật sư yêu cầu xử tội “Giết người” trong khi đại diện Viện Kiểm sát truy tố tội “Cố ý gây thương tích” và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Hay vụ tai nạn giao thông dưới chân đèo Mang Yang làm 2 người chết và 2 người bị thương nặng có phải do Bùi Văn Nhiên điều khiển (Báo Gia Lai từng có nhiều bài phản ánh về những vụ án trên). Một số luật sư cũng đã dần xây dựng được thương hiệu trong hoạt động tố tụng nên được tín nhiệm trong một số vụ án xét xử tại Kon Tum, Bình Định, Đak Lak.
“Gót chân Asin”
Tuy nhiên, trong một số vụ việc được xem là phức tạp về hình sự, thương mại thì đa phần thân chủ thuê luật sư ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng. Điều đó thể hiện một phần hạn chế của luật sư tỉnh Gia Lai. Luật sư Hoàng Ngọc Xuân nhận xét: “Luật sư của tỉnh chưa thể hiện rõ vai trò của mình nên vẫn còn nhiều vụ án, nhất là vụ án luật sư được mời thuộc cấp tỉnh trong quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra vẫn còn gây khó khăn không tiếp cận được hồ sơ, không được dự lấy lời khai của thân chủ trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định. Chẳng hạn như vụ án “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Gia Lai”.
Trao đổi với chúng tôi về lộ trình trong tương lai, luật sư Hoàng Ngọc Xuân không giấu được trăn trở: “Kỹ năng hành nghề của nhiều luật sư còn yếu. Chưa có luật sư nào (kể cả dự bị) thông thạo về một ngoại ngữ và lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài”. Nhiều luật sư kiến thức không sâu một số lĩnh vực đất đai, thương mại, bảo hiểm… mà hiểu một cách chung chung theo kiểu đụng đâu nghiên cứu đó”. Đây là khó khăn lớn nếu như các đơn vị, doanh nghiệp có quan hệ với nước ngoài yêu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý (chẳng hạn vụ kiện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với Công ty TNHH Prezioso Việt Nam (nay là Công ty Viva Blast Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh) thi công sơn phủ kết cấu kim loại đường ống và thiết bị cho Nhà máy Thủy điện Ia Ly đại diện của các bên không phải là luật sư Gia Lai…), trong khi đó đất nước ta đã vào sân chơi lớn là WTO. Không những thế, trong hoạt động tố tụng, nhiều luật sư ngại va chạm; ngại hỗ trợ tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật khi có lời mời của cơ quan báo chí... Những hạn chế trên tạo tâm lý chưa yên tâm của khách hàng khi giao phó cho luật sư.
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các gia đình khá giả khi phân chia tài sản cho con cái, người thừa kế… chưa có thói quen sử dụng luật sư tư vấn nhưng trong tương lai việc này được xem là bình thường. Luật sư được coi như chiếc chìa khóa mở cánh cửa bước vào thị trường một cách chính thống; mọi lời khuyên của luật sư là rất cần thiết trước khi bước vào khai thác ở một lĩnh vực mà doanh nghiệp ngắm đến. Vì vậy, trước những cơ hội lớn lao thì cũng đặt ra cho giới luật sư Gia Lai không ít thách thức là phải tự suy nghĩ gì trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội. Nếu không nguy cơ tụt hậu trong nghề nghiệp của giới luật sư Gia Lai là khó tránh khỏi.
Lê Văn Nhung