Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Gia Lai không phát sinh giao dịch đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo ghi nhận từ cơ quan Thuế, nhu cầu giao dịch, thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai từ khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực đến nay vẫn ở mức ổn định.

Ngày 1-8 vừa qua, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực thi hành. Tại Gia Lai, bảng giá đất của các địa phương đã ban hành theo Luật Đất đai 2013 vẫn tiếp tục áp dụng cho đến hết năm 2025.

Sau khi tham khảo thông tin, bà Lê Thị Ngọc Dũng (tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) làm thủ tục đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho lô đất nông nghiệp tại phường Ia Kring. Bà Dũng cho hay: “Mấy năm trước, đất nông nghiệp còn rẻ nên tôi mua 1 lô ở vùng ven phường Ia Kring để dành. Hiện nay, Nhà nước vẫn đang áp dụng giá đất hiện hành. Vì vậy, gia đình làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.

Các hồ sơ liên quan đến đất đai được cơ quan thuế tiếp nhận, giải quyết theo thời gian quy định. Ảnh: S.C

Các hồ sơ liên quan đến đất đai được cơ quan thuế tiếp nhận, giải quyết theo thời gian quy định. Ảnh: S.C

Tại TP. Pleiku, số lượng hồ sơ giao dịch liên quan đến đất đai như chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng phát sinh sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vẫn duy trì ở mức ổn định. Theo ghi nhận từ Chi cục Thuế TP. Pleiku, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai vẫn đảm bảo theo quy định.

Bà Phạm Thị Bích-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-phân tích: “Mỗi tháng, Chi cục thu 40-45 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong tháng 8 vừa qua, Chi cục thu tiền sử dụng đất đạt hơn 95 tỷ đồng. Khoản thu này tăng mạnh so với các tháng trước vì người dân nộp tiền trúng đấu giá 29 lô đất khu quy hoạch suối Hội Phú”.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn TP. Pleiku do Chi cục Thuế thực hiện trong 8 tháng qua đạt 968,8 tỷ đồng, bằng 62,5% dự toán tỉnh giao và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu tiền sử dụng đất lũy kế 8 tháng là 467,5 tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán tỉnh giao và tăng 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, số hồ sơ giao dịch liên quan đến đất đai chưa có dấu hiệu phát sinh tăng đột biến. Ảnh: S.C

Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, số hồ sơ giao dịch liên quan đến đất đai chưa có dấu hiệu phát sinh tăng đột biến. Ảnh: S.C

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn so với dự kiến 4 tháng. Ở giai đoạn giao thời, việc các địa phương tiếp tục áp dụng bảng giá đất cũ được người dân đồng thuận.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho hay: Hiện nay, cơ quan thuế vẫn áp dụng theo bảng giá các loại đất do UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, tập trung triển khai các nội dung mới của Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, Cục đã có công văn gửi Tổng cục Thuế đề nghị hướng dẫn thực hiện việc tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ đối với hoạt động giao dịch chuyển nhượng bất động sản áp dụng theo quy định của Luật Đất đai 2024 không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Trong giai đoạn giao thời, cơ quan thuế vẫn tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.