Lũ quét…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơn lũ quét ngang qua làng một vệt cong như lưỡi liềm. Lưỡi của lũ sắc lẹm xiến ngang ngôi nhà chỉ còn lại góc tường hở từng thớ gạch.

 Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân



Ông già suýt chết chìm trong lũ chỉ vì cố nhoài người cứu lấy cái hòm tôn. May mà thằng con lực điền kịp lao ra lôi lại. Thằng nhỏ cứ thắc mắc hoài rằng không biết trong cái hòm đó chứa bạc vàng châu báu gì mà ông già lại không tiếc tính mạng mình. Lúc ôm ghì cái dáng gầy guộc trong hai cánh tay rắn chắc thằng nhỏ vẫn cảm nhận được tiếng hét của ông rung lồng ngực. Bà già vừa cúi gập người nhặt nhạnh những thanh củi trôi dạt đến vừa cười chua xót. Nhà không còn gì, tất cả mọi thứ đã trôi theo cơn lũ. Moi từ đống bùn ngập đến tận đầu gối chỉ thấy cuốn album ảnh, chiếc dép đính nơ, vài món đồ chơi trẻ con, cả chiếc nhẫn bạc có hình thánh giá. Bà già nghĩ biết đâu mấy thứ vặt vãnh này lại là cả một gia tài của một ai đó ưa hoài niệm như ông. Bà tưởng tượng ra có một người nào đó ở đầu nguồn đang ngồi thất thểu trước đống tan hoang mà tiếc ngẩn ngơ. Không phải tiếc ngôi nhà bị lũ cuốn đi mà có khi chỉ tiếc cuốn album ảnh. Trong đó lưu giữ những khoảnh khắc ấu thơ của mấy đứa con giờ lớn phổng phao bay nhảy tận chân trời. Chúng có khi sẽ là người biết tin quê nhà gặp lũ muộn nhất. Khi chúng gọi điện về có khi người mẹ ấy đã nhờ người dựng xong trái bếp, mắc xong dây phơi quần áo ngoài sân, dựng lại mấy cây xoài nghiêng ngả. Chúng động viên mẹ đừng tiếc của, chúng sẽ gởi tiền về mua mới hết. Chúng đâu biết thứ người mẹ mất mát trong cơn lũ vốn không thể mua lại được bằng tiền. Như ông già từng buột miệng than phải chi thứ gì cũng mua được bằng tiền sẽ tốt biết bao…
 
Đây không phải lần đầu cơn lũ quét qua. Cứ vài năm lại một trận hú hồn. Thằng nhỏ bảo chuyển quách đi nơi khác sống cho yên ổn, đêm ngủ không phải lo lũ về bất chợt cuốn phăng cả chân giường. Trong làng cũng đã nhiều nhà chuyển đi, đất xứ này cằn đâu có gì để tiếc. Bà già tính đưa cả nhà về quê ngoại ở dưới xuôi, mua một mảnh đất nhỏ làm nhà. Đất đai ở quê cũng đâu có đắt, ruộng nương không thiếu để làm. Riêng thằng nhỏ có thể xin việc ở các khu công nghiệp. Rồi mấy mà ổn định cuộc sống, thằng nhỏ cũng còn phải lấy vợ nữa chứ. Nhưng lần nào ông già cũng lắc đầu
 
- Có chết cũng chết ở xứ này.
 
Thằng nhỏ càu nhàu:
 
- Bố không thấy lũ quét cả mồ mả đấy à. Đâu phải chết là đã yên thân.
 
Ông già không nói gì thêm rã rời nhìn mặt trời xuống núi. Mấy ngày nay trong lúc vợ con lo dựng tạm cái lều che mưa che nắng thì ông già còn bận hớt hải chạy theo bóng dáng cơn lũ hòng tìm được cái hòm. Nhưng cái hòm tôn cũ của ông có thể đã trôi ra sông sau khi bị va đập vỡ tung. Đồ vật trong hòm giờ mỗi thứ một nơi làm sao biết chiếc khăn của người xưa chôn sâu dưới lớp bùn đất hay đã trôi tận biển. Thằng con tính đi lôi ông về nhưng bà già bảo kệ. Đi chán rồi khắc tự về. Cái thứ nhớ nhung càng cấm cản lại càng dai dẳng. Ừ thì kệ. Ông đi chừng một tuần thì về. Thằng con nhận ra bố mình từ xa nhờ cái dáng đi xiêu vẹo theo từng cơn gió. Nhớ nhung mà khổ đến vậy ư? Thế thì chẳng thèm yêu ai cho đỡ cực. Bà già ngồi khâu áo phía sau cười bảo yêu đâu có cực. Cực nhất là không có ai để rút gan rút ruột mà yêu.
 
Bà già ngồi bấm ngón tay tính xem đã từng làm lại nhà bao nhiêu lần. Tất thảy bảy lần cho mười cơn lũ quét. Ngôi nhà đầu tiên ấy là khi bà và ông mới lấy nhau. Hồ hởi lên rừng chặt che, lá cọ, nhào đất trộn rơm. Tuy nhà lá vách đất nhưng đôi vợ chồng trẻ dồn hết tâm sức để đắp cho chắc buộc cho bền. Ông ngày đó còn chưa mắc bệnh nhớ nhung. Suốt ngày làm lụng ngoài đồng, về đến nhà lại đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi. Năm tháng trôi đi cùng nhau chít lại những lỗ tường đã thủng. Cùng nhau đan lại liếp rào đã mục. Cùng nhau gò lại những chiếc xoong méo mó. Cho đến khi cơn lũ quét qua cuốn phăng ngôi nhà và người đàn ông đang cố gắng trống trọi với cơn mưa lớn. Người đàn ông đã bị cơn lũ gần như nhấn chìm xuống đáy dòng chảy rồi lại đẩy nhoi lên. Nhoi lên ngụp xuống tầm vài chục lần thì bám được một gốc cây. Cây trôi dạt dần vào bờ. Mệt quá ông lả đi cho đến khi mở mắt ra đã thấy nằm bên lửa ấm. Có người bưng đến bát cháo đỡ ông ngồi dậy giục ăn đi cho nóng. Nhìn ra ngoài sân ông thấy nước còn ngấp nghé bên những bụi mua rừng bám đầy bùn đất. Vài bông hoa mua vẫn ngoi lên khỏi mặt nước để tím ngắt với đời. Hôm kể lại chuyện đó bà già hỏi ê nhỏ, màu tím là màu của thủy chung có đúng không? Thằng nhỏ không trả lời vì nó còn bận thắc mắc phải chăng câu chuyện vừa nãy bà già đã tự thêm thắt vài chi tiết. Ví dụ như hình ảnh những bông hoa mua tím ngắt đầy thi vị ấy. Thằng nhỏ cá rằng bố nó không thể kể với vợ về cuộc tình ngoài lề của mình lại có thể nhấn nhá thêm vài chi tiết đắt đỏ ấy. Nó đủ sắc để cứa vào tim một người vợ đã khóc cạn nước mắt suốt sáu năm trời khi tưởng chồng mình chết trong cơn lũ.
 
Thằng nhỏ mất dấu bố mình trong sáu năm cuộc đời. Như một khoảng trắng trong ký ức không biết điền vào đó những gì cho kín lại. Có lần xem phim hài thằng nhỏ đang há miệng cười ha hả thì ông già chỉ mặt hỏi:
 
- Ủa. Mày có cái răng bị sứt từ bao giờ vậy con? Ngã xe hay uýnh nhau mà ra nông nỗi?
 
Thằng con như bị trúng gió không khép nổi mồm. Sẵn cái khẩu hình ấy nó ngạc nhiên hỏi lại:
 
- Năm con tám tuổi bị ngã nhào đập mặt vào đá sứt mất cái răng. Ủa bố không nhớ gì sao?
 
- Ờ…ờ… già rồi nên quên. Bao thứ phải nhớ ấy chớ. Nhớ chi cái răng sứt trong miệng người khác chứ.
 
Thằng nhỏ ngẩn người một lúc rồi như chợt nhớ ra điều gì, nó vỗ đùi đen đét bảo:
 
- À, hồi đó bố còn bận trôi theo cơn lũ.
 
Nói rồi nó đứng dậy vuỗi quần đi thẳng. Bỏ lại ông già ngồi chết trân bên hè. Trong mắt thằng con ông già đã chìm nghỉm trong cơn lũ sáu năm. Thỉnh thoảng lại có vài cái vỗ đùi đen đét như thế. Như hôm ông già nghe thằng bé hàng xóm vỡ giọng nói ồm ồm liền thắc mắc “ủa. Sao ngày xưa mày không vỡ giọng dậy thì vậy con?”. Như hôm hai bố con ngồi uống rượu với nhau ông già hỏi thằng nhỏ đã bao giờ khóc chưa? Ông thừa biết thằng con ông lì từ bé. Đẻ ra không khóc. Lúc nhỏ chơi dao cứa đứt tay máu nhuốm đầy cuốn chỉ trắng nó không khóc. Lúc mẹ nó đang pha nước tắm nó thò tay vào bỏng rộp nhưng cũng không thèm khóc. Ông đâu biết thằng nhỏ ấy đã vỡ giọng lúc ông bận trôi theo cơn lũ. Cũng đâu biết thằng nhỏ lì lợm ấy đã khóc vào cái đêm lũ đi qua. Ngồi trong căn lều dân làng cưu mang dựng tạm nó nhìn theo dáng mẹ mờ ảo như một hồn ma trong đêm trăng và bật khóc. Nó cũng không muốn kể về cái răng sứt trong một đêm chạy tìm mẹ giữa mịt mùng tăm tối. Sau trận lũ mẹ nó như người mất hồn vì đau đớn nhớ thương chồng. Đêm đến mẹ nó thường ra núi đá sau làng ngóng vọng xuống đồng bằng, nơi mà dòng lũ đã chôn vùi chồng mình đâu đó. Thằng nhỏ bảy tuổi tỉnh giấc không thấy mẹ đâu sấp ngửa chạy đi tìm. Đêm tối ngã đập mặt vào cục đá. Cái răng sứt khiến nó ít khi cười. Hoặc nếu cười cũng chỉ khẽ khàng thôi. Lỡ cười thả phanh người ta sẽ giật mình như ông già mà hỏi “ủa, răng bị sứt khi nào?”. Lại phải trả lời mắc mệt.
 
Ông già trôi theo cơn lũ sáu năm thì về. Lúc ông về vợ con đang bận xây lại ngôi nhà thứ ba. Lũ quét qua mà, nhà cửa trôi theo cơn lũ là chuyện bình thường. Cái bất thường nằm ở chỗ lần trước lũ cuốn mất người thì cơn lũ lần này lại trả người về. Ông già về mang theo cái hòm tôn và mớ ký ức lùng nhùng về một người đàn bà tên Hương nào đó. Người đã cứu ông trong cơn lũ trước. Người đã níu ông ở lại sống cảnh vợ chồng đầu ấp tay gối suốt sáu năm. Người mà mới bị cơn lũ cuốn trôi đến một nơi nào đó. Hơn chục năm qua ông già vẫn cứ nuôi hy vọng người đàn bà ấy sẽ trở về. Bằng cách nào ư? Thì cũng như ông chẳng hạn. Quẩn quanh những phận người giằng níu theo cơn lũ.
 
Những căn nhà về sau ngày càng tuềnh toàng hơn. Vì chủ nhân của nó biết thể nào cơn lũ cũng ghé qua. Càng bớt chăm chút thì khi bị lũ cuốn trôi sẽ càng bớt tiếc. Thằng nhỏ có lần hỏi ông già nặng lòng với người ta vậy sao không ở lại đó mà chờ. Ông già thật thà khai:
 
- Nếu cô ấy còn sống kiểu gì cũng biết đường tìm đến nơi này.
 
- Ủa, có hẹn với nhau sao?
 
- Ờ thì hẹn. Sống ở nơi những cơn lũ đi qua thì lúc nào cũng phải đút túi vài lời hẹn trước. Bởi đâu ai biết trước được ngày sau…
 
Bà già nhìn thằng con mình đã xấp xỉ ba mươi buột miệng than:
 
- Bằng này tuổi người ta đã con bồng con bế. Thôi thì con cứ tìm nơi nào đó thiên nhiên thuận hòa mà sống để xây dựng hạnh phúc cho mình.
 
- Giờ con nghĩ khác rồi mẹ ơi. Mình bỏ chạy đến đâu cơn lũ rồi cũng sẽ ào ào kéo đến. Nghe nói người ta đang trồng lại rừng đầu nguồn. Chính phủ còn có chủ trương giao đất giao rừng cho người dân. Dựng lại căn nhà cho bố mẹ xong xuôi con sẽ lên trên đó để cùng phủ xanh những cánh rừng đang trọc. Để rừng làm lá chắn ngăn chặn những cơn lũ quét qua đây.


Một buổi sáng mùa thu ông già ngồi hồi lâu bên giếng nước đã bị lấp khi cơn lũ tràn qua. Ông khẽ khàng vớt chút nước mưa đã lắng lại trên lớp bùn đầy gần lên miệng giếng. Úp mặt vào vốc nước vai ông khẽ run lên. Thằng nhỏ đang nhét những bộ quần áo còn sót lại vào ba lô. Hình ảnh những cánh rừng bạt ngàn xanh cứ thấp thoáng trong tâm trí…

Theo VŨ THỊ HUYỀN TRANG (LĐ Online)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.