Bão, lũ đi qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. Trời trở mùa, cuộc chiến những cơn mưa đã bắt đầu. Dù mới là những trận mưa thưa thớt nhưng mẹ nhìn ra cánh đồng mưa bằng ánh mắt rầu rầu, thở thườn thượt rồi rón rén xin: “Ông Trời ơi, mưa vừa thôi, đừng có bão lụt, tội lắm…”. Mẹ nói ra câu đó, cùng lúc tôi nói rất to “Ước chi năm nay có lụt. Mùa mưa không lụt mất vui!”.

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân


“Trời đất!” - tiếng mẹ giật ngược. Hết chuyện ước! Mẹ la một hơi, nhà nhỏ xíu, ở vùng trũng thấp, lại gần sông, bão lụt ngập nhà bay nóc là chết chắc chớ ở mà trông! Mẹ vẫn cười cười nhưng nói rất nghiêm trọng, tôi hiểu mẹ sợ thiệt. Một đời mẹ gắn với cái rốn của bão, lũ mà. Nhưng tôi vẫn không chừa, bụng vẫn mong chàng Thủy Tinh hung dữ đem quân đi cướp Mị Nương. Không phải tôi lì, càng không phải tôi chống đối mẹ, chỉ tại nhỏ giờ có thấy mặt mũi ông bão lũ lần nào đâu mà biết sợ. Đầu đuôi cũng tại anh Hai, ảnh kể chuyện bão lụt hấp dẫn quá mà. Y như truyện phiêu lưu. Nào tìm những cây chuối ghép lại làm bè, chống chiếc gậy tre bơi khắp xóm. Cảm giác được đi trên mặt nước luôn khiến trẻ con thích thú. Đặc biệt hơn là tiết mục cầm cái lờ đặt giữa đường để bắt cá, rồi đi tìm những con chim mắc cóng nấp trong mấy bụi cây. Đó là lụt, còn bão hở, trò chơi hấp dẫn nhất là đi vào các khu vườn tìm chiến lợi phẩm. Từ cây ăn quả đến những cây nhỏ như mía, mì, cứ phải nói là nằm ngả nghiêng lớp lớp, không ai quản nữa, trẻ con muốn nhặt bao nhiêu cũng được, la rầy chi, qua bão còn giữ được mạng sống là mừng rồi. Giờ nghĩ lại mới hối hận về cái ước muốn khùng điên đó. Nhưng xin thề tôi chẳng có dã tâm muốn bão lụt để người nông dân hiền lành bị thiệt hại đâu. Hồi đó còn nhỏ quá mà, tôi chỉ ước mình cũng được chứng kiến một cơn lũ, một trận bão để được chơi những trò mà chỉ cần nghe thôi thì một đứa nhỏ đã không thể không bị cám dỗ.
 
Cứ tưởng ước chơi mà mưa thiệt! Cảm giác có bao nhiêu nước từ Trời thì trận này ông trút hết xuống nhân gian. Dữ dội, dầm dề, tơi tả. (Là mùa đông năm tôi học lớp 4). Mưa hai ngày hai đêm. Nước lênh láng con đường trước nhà, nước ngập sân, nước tràn cấp thứ nhất rồi lem lém bước lên nấc cấp thứ hai. Mọi hoạt động với bên ngoài đều bị ngưng trệ, nhà ai nấy ở - đó là người lớn còn lũ trẻ chao ôi mừng. Chúng tôi ùa ra nước, chẳng để làm gì ngoài lội, lội đến khi bết chân, mệt đứt hơi mới vào nhà ngồi thở. Chơi đùa ngoài nước, đứa nào cũng ướt nhẹp nhèm nhem từ đầu đến chân. Mẹ bảo vào nhà thay đồ nhưng tôi đời nào nghe, lại chạy ù ra nước. Nước nhiều mà không chơi thì phí lắm, có phải ngày nào cũng có nước đâu. Rề rà chỉ tổ mất thời gian, lỡ trời ngưng mưa nước rút, tiếc chết. Vậy là mặt mày hí hửng giỡn nước và bụng thì không quên cầu Trời khấn Phật cho mưa nữa, mưa tới chừng nào nước leo được vô thềm nhà hãy thôi. Khi đó khỏi cần ra đường cũng có nước để giỡn. Quả là đời không như là mơ. Giỡn nước no nê được một ngày, ông Trời chắc là thấy cái ước muốn vô lí của tôi và nỗi nguyện cầu thành tâm của mẹ nên ngừng mưa, nước rút. Tôi tiếc nuối.
 
Đợt mưa đó, nhà tôi mới sém lụt nhưng bạn bè nhà ở sát sông bị lũ cuốn phăng hết sách vở. Các bạn đi học bằng vẻ mặt bi thiết. Ngay sau đó, các nhà hảo tâm tài trợ cho sách vở mới (và những gói mì tôm), tôi thấy bạn bè phấn khởi nhận hỗ trợ sau lũ mà bắt thèm.
 
2. Đó là năm tôi học lớp 7, năm 1993.
 
Mới đầu đông nhưng trời đen thui, mây là là xuống thấp và bắt đầu mưa. Mịt mùng, tới tấp, mưa trắng trời ba ngày bốn đêm. Nước tràn đường, nước vô sân, nước lên cấp thứ nhất, thứ hai, nước lấp ló chuẩn bị nhảy vô nhà.
 
Tối hôm đó, đang là nửa đêm, trong lúc chị em đang ôm nhau ngủ thì mẹ lay: “Dậy, dậy mau, nước lên nhanh quá!”. Chị em tôi choàng tỉnh, dụi mắt thấy nhà cửa trống huơ, không phải nhà có trộm đâu mà từ xẩm, khi nước còn lấp ló ngoài ngõ mẹ đã lo thu dọn những đồ đạc quan trọng đưa hết lên trần nhà. Lúa trong bịch cũng được mẹ hốt vô bao, cột thành từng cục rồi chất thứ lớp trên bàn, trên giường.
 
Nước lên nhanh quá. Ban đầu ở dưới mắt cá, rồi lên nửa ống chân, bò tới gối, ngập hông. Chạy mau!! Khi nước qua hông, mẹ hối mấy chị em theo mẹ đi ra nhà bà ngoại tránh lũ. Nhà tôi ở bên này mương lớn, gần sông Bàn Thạch nên nước ngập nặng, còn nhà bà ngoại ở bên kia mương, phía cánh đồng xưa nay không có lũ.
 
Là một cuộc di chuyển nặng nề. Trên vai trái mẹ mang cái giỏ kẹp bỏ một ít thực phẩm khô, tôi đu bên vai phải, con Út ngồi trên cổ và hai tay mẹ dắt chị Hai, anh Ba. Lò dò bước từng bước một, mẹ dặn bước chậm theo mẹ, coi chừng sụp xuống mương. Trên đường đi, cũng có nhiều gia đình bồng bế, dắt díu nhau đến vùng không có nước, ai cũng bảo đây là cơn lũ thế kỉ, từ xưa đến nay, Phú Yên chưa có lũ nặng thế này. Đang lội trong nước thì tôi nhớ nhà mình còn đàn bò ngoài chuồng nên la toáng lên, mẹ bảo từ đầu hôm mẹ đã lùa bò gửi ở vùng an toàn rồi. Chờ tụi bây nhớ chắc nước đã cuốn chúng đi hết rồi!
 
Chị em chui vô được nhà ngoại thở phào thì mẹ lại vội vàng quay trở ra, bà ngoại lo lắng cản nhưng mẹ bảo phải về nhà chuyển những đồ đạc còn lại lên cao chứ lũ cuốn hết. Bạn sẽ hỏi ba tôi đâu rồi phải không? Vâng, đận đó ba tôi mấy năm liền phải vắng nhà, xin bạn đừng hỏi lí do, tôi không định kể chuyện gì khác ngoài mưa bão. Trong lúc mẹ băng nước về nhà thì chị em tôi nghe người chạy lũ (cũng đang trú nhà bà ngoại) kể nhau câu chuyện mấy mẹ con nhà kia bị nước lũ cuốn phăng, rồi có cô bé nhỏ được mẹ bỏ trên mái nhà, lúi cúi làm sao chúi đầu xuống nước. Trời ơi, mẹ đem đàn con vào chỗ khô ráo rồi một mình ngụp lặn trong nước, trời đang mưa lạnh mà ruột gan chị em tôi nóng hơn lửa.
 
3. Cơn lũ thế kỉ đi qua, cảnh tiêu điều xơ xác. Mọi thứ chưa kịp hồi sinh thì lại nghe tin chuẩn bị có bão lớn.
 
Chiều hôm đó, một chiều mùa đông, trời ngưng gió, màu mây có vẻ trong hơn chứ không đen đục nặng nề như mọi hôm, chị em còn mải chơi thì mẹ bảo chuẩn bị có bão lớn. Bão đâu mà bão, trời đang sáng sủa mà, không, là dấu hiệu sắp có bão đấy - mẹ nói khẳng định chắc chắn.
 
Lo cơm chiều xong cho các con, mẹ loay hoay đậy đệm, buộc chằng cửa nẻo. Vẫn chưa xong, mẹ ra sau chuồng bò, nặng nề kéo từng cục cát đè lên mái tôn. Chất rơm đầy máng rồi kéo nhựa bịt kín chuồng bò lại.
 
Lúc mẹ vào nhà thì gió bắt đầu thổi mạnh, ù ù ào ào, tiếng gió rít ràn rạt, nghe rùng rợn, mấy chị em quấn mền nằm dưới phản gỗ mà hoảng sợ, tưởng tượng đất trời như rung chuyển ngả nghiêng. Hỡi ôi, chàng Thủy Tinh oán nặng thù sâu hô mưa gọi gió, mưa rất dữ, gió rất ác. Những miếng ngói bị hất tung, rớt lạch bạch dưới đất. Những miếng tôn ngoài hiên, phía nhà sau rớt loảng choảng. Mẹ đẩy sâu chị em tôi xuống gầm phản rồi kéo cái nong lớn chất đầy quần áo, bỏ lên trên. Mẹ đội cái thúng quần áo trên đầu rồi dặn các con nằm im trong ấy, ngoài này đã có mẹ lo.
 
Tới chừng nghe gió rít từng hồi dữ dội thì mấy chị em càng sợ. Chết rồi, gió mỗi lúc một to. “Ầm”, nghe như tiếng nhà gần đấy bị sập. Tôi sợ hãi, co đầu rụt cổ trong chăn, miệng ơi ới kêu nhưng không thấy tiếng mẹ đáp. Mẹ đâu rồi, con Út sợ quá, mếu máo khóc òa kêu mẹ ơi, mẹ ơi... Tôi nằm mà nín thở, mẹ tôi đâu giữa trời nổi gió ?
 

 
Bão tạnh.
 
Chị em lọ mọ chui ra tìm mẹ. Trời ơi, mẹ đang tái xanh tái xám đứng ngoài chuồng bò. Sự là gió lớn, cây xoài bên nhà hàng xóm đổ ào lên mái tôn, bò tung chuồng chạy trong bão. Tài sản nhà tôi là 3 móng bò cái, từ cưới hỏi ma chay đến việc ăn, học, bệnh đau... mọi thứ đều trông chừng vào mấy con bò. Bão rượt bò chạy, mẹ tôi chạy đua với bão, theo “dụ” mấy con bò về nấp cạnh nọc rơm, đã bị gió hất đổ.
 

 
Phải chứng kiến cảnh một người mẹ lăn lộn trong bão lũ để bảo vệ đàn con thì mới thấy hết sự vĩ đại của tình mẹ…
 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
(Dẫn nguồn LĐ Online)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.