Lớp học yêu thương giữa mùa hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng tình thương và trách nhiệm, những giáo viên Trường Tiểu học Lương Thạnh và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phường Đống Đa (TP. Pleiku) dành nhiều thời gian trong dịp hè để củng cố kiến thức, dạy kỹ năng cho các em học sinh. Qua những lớp học yêu thương này, các em không chỉ được học tập, vui chơi mà còn tiếp thu nhiều kỹ năng thiết thực, bổ ích.
Ôn tập kiến thức
Gần 2 tháng nay, các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, không gian Trường Tiểu học Lương Thạnh lúc thì vang lên tiếng ê a đọc bài, lúc lại sôi nổi, tràn đầy tiếng cười của các em học sinh trong những giờ học kỹ năng. 5 lớp học hè với 130 học sinh, trong đó có những em chuẩn bị vào lớp 1; phụ trách ôn tập môn Toán và Tiếng Việt là các giáo viên Trường Tiểu học Lương Thạnh, còn ĐVTN phụ trách dạy môn Tiếng Anh và kỹ năng.
Bí thư Đoàn phường Đống Đa Đỗ Thị Minh Hằng đưa chúng tôi “mục sở thị” một tiết học của các em học sinh lớp 3. Thấy các cô đến thăm lớp, các em đứng dậy khoanh tay và hô to: “Chúng em chào cô ạ”. Ở lớp học này, dưới sự hướng dẫn của những “giáo viên áo xanh”, các em nhỏ say mê vẽ, tô màu hoàn thiện bức tranh của nhóm mình với chủ đề về ô nhiễm môi trường. Tranh, bút màu, vở đều do giáo viên tự bỏ tiền mua. Cầm bức tranh của nhóm vừa mới vẽ xong, em Liêm vui vẻ giới thiệu: “Được thầy cô chỉ dạy, hướng dẫn, em biết có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như: khói bụi từ các ống xả của nhà máy, xí nghiệp, khí thải từ các phương tiện giao thông, người dân vứt rác bừa bãi… Qua bức tranh này, em mong muốn mọi người phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”.
Các đoàn viên, thanh niên dạy hát cho thiếu nhi phường Đống Đa, TP. Pleiku. Ảnh: Phan Lài
Các đoàn viên, thanh niên dạy hát cho thiếu nhi phường Đống Đa, TP. Pleiku. Ảnh: Phan Lài
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung-Bí thư Chi Đoàn 1 và anh Chu Văn Cao-Bí thư Chi Đoàn 4 là những người đứng lớp này. “Để giúp học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức, chúng tôi luôn tạo không khí học tập thoải mái, vui tươi; đồng thời nhiệt tình hướng dẫn các em”-chị Nhung bày tỏ.
Cách lớp học vẽ 2 phòng học là lớp dạy Tiếng Anh của cô Nguyễn Thị Thúy Hồng. Không khí lớp học cũng không kém phần sôi nổi. Trong tiết học từ vựng, cô Hồng hướng dẫn từng em luyện cách phát âm chuẩn. Để giúp các em ghi nhớ nhanh hơn, cô Hồng tổ chức trò chơi viết các từ vựng lên bảng, rồi chia nhóm thi đua đoán đúng nghĩa của từ. Nhóm nào chiến thắng thử thách sẽ được nhận phần thưởng là cây bút chì hoặc những thanh kẹo ngọt. Vì trình độ tiếng Anh của các em không đồng đều, cô Hồng chia theo nhóm để học sinh có cùng khả năng học chung với nhau. Nhóm nào học yếu hơn, giáo viên sẽ dành thời gian hướng dẫn thêm. Đôi khi, cô Hồng ghép đôi giữa em học tốt với bạn học chậm để các em giúp nhau ôn lại kiến thức. Em Hứa Cẩm Tú (lớp 2) chia sẻ: “Các cô giáo giảng bài rất hay, việc học từ vựng lồng ghép vào thử thách giúp chúng em tiếp thu bài nhanh hơn”.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng-giáo viên Trường Tiểu học Lương Thạnh hướng dẫn học sinh học môn Tiếng Anh. Ảnh: Phan Lài
Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng-giáo viên Trường Tiểu học Lương Thạnh hướng dẫn học sinh học môn Tiếng Anh. Ảnh: Phan Lài
Cho con gái tham gia lớp học này, anh Bết (làng Kép)-phụ huynh em Diên-chia sẻ: “Con mình tiếp thu bài còn chậm. Vì thế, mình cho con tham gia lớp học hè này. Thầy cô chỉ dạy tận tình, con học hành chăm chỉ, lớp học hoàn toàn miễn phí nên mình rất yên tâm. Hy vọng sau khóa học này, con mình sẽ tiến bộ, nắm vững kiến thức để theo kịp bạn bè trong năm học mới”.
Học mà chơi, chơi mà học
Ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, Đoàn phường Đống Đa đã tiếp nhận các em thiếu nhi trở về sinh hoạt hè tại địa phương. Theo đó, Đoàn phường chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục cộng đồng phường và Trường Tiểu học Lương Thạnh mở lớp học hè cho các em thiếu nhi trên địa bàn. Dự kiến ban đầu, lượng học sinh tham gia chỉ khoảng 50 em, nhưng sau tăng lên 130 em.
Đa số học sinh theo học là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ bận công việc, trẻ em người dân tộc thiểu số tại làng Kép và trẻ ở Làng trẻ em SOS Pleiku. Tham gia lớp học, các em được ôn tập và củng cố kiến thức. Một số em giảm bớt việc sử dụng điện thoại, xem ti vi và các thiết bị điện tử khác. Ngoài ôn tập kiến thức, các ĐVTN còn hướng dẫn một số kỹ năng như: xử lý tai nạn thương tích, phòng-chống xâm hại trẻ em và tai nạn đuối nước, bạo lực học đường. Lồng ghép vào mỗi buổi học, các em còn được học nhảy dân vũ và tham gia nhiều trò chơi bổ ích.
Chị Đỗ Thị Minh Hằng (ở giữa)-Bí thư Đoàn phường Đống Đa (TP. Pleiku) trò chuyện với các em thiếu nhi sau buổi học hè miễn phí. Ảnh: Phan Lài
Chị Đỗ Thị Minh Hằng (ở giữa)-Bí thư Đoàn phường Đống Đa (TP. Pleiku) trò chuyện với các em thiếu nhi sau buổi học hè miễn phí. Ảnh: Phan Lài
Bí thư Đoàn phường Đỗ Thị Minh Hằng cho hay, lớp học hè này đã được triển khai nhiều năm nay cho khoảng 30 em học sinh dân tộc thiểu số làng Kép và được tổ chức ở nhà rông của làng. Trong năm học 2021-2022, vì dịch Covid-19, các em phải học online trong một thời gian dài nên đã ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức. Các giáo viên cũng đã căng mình giảng dạy nhưng do số học sinh cần hỗ trợ nhiều nên cần có sự góp sức chung tay. Chính vì thế, lớp học hè được mở rộng quy mô và triển khai dạy tại Trường Tiểu học Lương Thạnh. Ở mỗi lớp học, sức học của các em không đồng đều gây khó khăn cho quá trình giảng dạy. Vì vậy, giáo viên đứng lớp phải theo dõi và nắm rõ năng lực của từng em để lựa chọn nội dung kiến thức truyền đạt phù hợp. 
Trong số 130 em học sinh đang theo lớp học hè, có 15 em sống ở Làng trẻ em SOS Pleiku. Theo chia sẻ của các giáo viên, học sinh ở làng Kép và Làng trẻ em SOS tiếp thu kiến thức tương đối chậm, khá rụt rè. Vì vậy, những lớp học hè sẽ giúp các em củng cố kiến thức để theo kịp các bạn trong năm học sắp tới. Chị Nguyễn Thị Cơ-mẹ nhà trẻ số 3, Làng trẻ em SOS Pleiku-tâm sự: Lớp học hè thực sự bổ ích. Không chỉ giúp các con ôn tập kiến thức mà còn mang đến niềm vui khi vừa được học vừa vui chơi an toàn.
Vui cùng sự tiến bộ của học trò
Bên cạnh sự nhiệt tình của các giáo viên Trường Tiểu học Lương Thạnh, một số ĐVTN lần đầu tham gia đứng lớp giảng dạy đã dành thời gian suy nghĩ, tìm tòi chọn cách truyền đạt kiến thức sao cho phù hợp, dễ hiểu. Anh Chu Văn Cao-Bí thư Chi Đoàn 4 là một trong những “giáo viên” đứng lớp được các em học sinh yêu mến bởi sự ân cần, chu đáo. Anh Cao bày tỏ: “Khi Đoàn phường triển khai lớp học hè cho thiếu nhi, thấy hoạt động ý nghĩa nên tôi đăng ký đứng lớp, tham gia dạy miễn phí cho các em. Tôi muốn đóng góp một chút sức trẻ giúp các em tiến bộ trong học tập. Để các tiết học không quá nặng nề về lý thuyết, chúng tôi chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng những em có câu trả lời hay, chính xác và đạt kết quả tốt khi làm bài kiểm tra”.
Anh Chu Văn Cao-Bí thư Chi đoàn 4 (phường Đống Đa, TP. Pleiku) hướng dẫn các em thiếu nhi vẽ tranh. Ảnh: Phan Lài
Anh Chu Văn Cao-Bí thư Chi đoàn 4 (phường Đống Đa, TP. Pleiku) hướng dẫn các em thiếu nhi vẽ tranh. Ảnh: Phan Lài
Cô Đỗ Thị Hương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thạnh: “Thấy được ý nghĩa của lớp học hè, 21 giáo viên của trường đồng tình, sẵn sàng tham gia giảng dạy. Các giáo viên thường luân phiên nhau, người này bận thì người khác thay, lúc nào cũng đảm bảo đủ quân số để phụ đạo kiến thức cho các em học sinh”.
Nhìn các em học sinh chăm chỉ học bài, tiến bộ trong cách phát âm, đọc chữ và làm phép tính chính là món quà to lớn đối với các giáo viên và ĐVTN. Em Ksor Hdy (Làng trẻ em SOS Pleiku) tâm sự: “Em rất vui khi được tham gia lớp học này. Em vừa học kiến thức vừa có thêm những người bạn mới, thêm điều hay và được tham gia nhiều trò chơi. Em mong các cô giáo và anh chị tiếp tục tổ chức lớp dạy học như thế này cho chúng em vào những mùa hè sau”.
Không thù lao, thay vì nghỉ hè, đi chơi hoặc đi làm thêm thì các cô giáo và ĐVTN đã nhiệt tình đứng lớp, dành nhiều tâm huyết để lớp học đạt hiệu quả cao nhất. Với các bạn ĐVTN, mùa hè này chính là dịp để trải nghiệm thực tế và đóng góp cho xã hội. “Ngoài mục đích củng cố kiến thức, Đoàn phường mong muốn các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, môi trường vui chơi an toàn để giảm thiểu những rủi ro về tai nạn thương tích”-chị Nguyễn Thị Nhật Lệ-Phó Bí thư Đoàn phường Đống Đa-chia sẻ.
Với sự tận tâm và trách nhiệm của các giáo viên và ĐVTN, tin tưởng nhữnglớp học chan chứa tình yêu thương này tiếp tục lan tỏa, góp phần vào hành trình “gieo con chữ, gieo tri thức” cho những mầm non tương lai.
PHAN LÀI
 

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.