Lòng ta, một đóa mai vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu lắm tôi mới thức dậy thật sớm mà không có cảm giác uể oải một chút nào, dù đêm qua vui xuân, ngủ muộn. Lẽ tự nhiên mà, những ngày này vẫn còn là tháng Giêng. Trời gai gai lạnh. Tôi dạo bộ một vòng ra ngõ, vài cổng rào mở hé, chắc còn sớm quá. Chỉ có giàn bông giấy cuối ngõ vẫn rực từng đốm hồng, chắc chúng đã thức suốt đêm qua để ngóng chờ gió xuân. Bỗng thấy yêu sao cái phút giây đứng lặng người, ngắm nhìn ngõ nhỏ thân thuộc của nhà mình, nơi mà tôi đã bỏ quên bấy lâu, bây giờ lại thấy mến thương khi mùa xuân đến.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Mùa xuân thường cho chúng ta cơ hội hạnh ngộ chính những gì ta gần gụi bấy lâu. Ngõ nhà tôi trước kia chẳng mấy xôn xao, dăm nóc nhà nép vào nhau nhìn ra những khóm dã quỳ nở muộn trong hoang sơ gió. Ở nơi này, cha dựng mái nhà, mẹ đã nhóm biết bao ánh lửa ấm nồng. Tôi cũng từ nơi này cất bước vào cuộc mưu sinh. Và hình như mùa xuân sinh ra để gọi chúng ta trở về. Từ ngày có thêm vài nóc nhà, ngõ nhỏ của tôi sớm chiều đều tíu tít tiếng cười thơ trẻ, người lớn lại gần nhau thêm. Xóm giềng “tối lửa tắt đèn”, thỉnh thoảng lại san sẻ cùng nhau một chút quà mọn bằng tấm lòng thơm thảo mà chẳng có cao lương mỹ vị nào có thể sánh được.
Mùa xuân đã về trước thềm tự bấy lâu. Qua bao ngày tắm sương giá buốt, ngõ nhà tôi lại xanh thêm. Cây cối nẩy nhựa từ trong thân rễ, reo mừng một mùa xuân diễm lệ. Tôi hít một hơi thật sâu. Khí trời của những ngày đầu năm có riêng một mùi hương thật lạ, thoang thoảng như tơ mành. Bỗng thấy mình đổi khác. Hay bởi nhánh hồng hoa trước thềm nửa nồng nàn, nửa tinh khôi khiến cho trái tim của một cô gái hay xa nhà thêm phần lãng mạn?
Tôi thích ngắm nhìn kim giây nhích từng chút một trên chiếc đồng hồ. Thời gian bắt đầu từ một giây. Ngày hôm nay của tôi bắt đầu từ những điều bé nhỏ như thế. Đó là một sớm bước ra ngõ, ngắm nhìn nơi mà từ đó mình đã ra đi, mình đã quay về. Hạnh phúc đâu có gì xa xôi. Cổng rào của nhà bên đã mở hẳn. Tôi trở vào nhà, pha một tách trà ấm cho bố rồi bày khay bánh mứt cuối cùng lên bàn. Biết đâu nhà có khách đến muộn. Ngôi nhà của tôi và nhiều ngôi nhà trong ngõ lại vang vang những câu chuyện, những lời chúc đầu năm trước khi bước vào guồng quay mới. Có thể, một nhà nào trong ngõ nhỏ thân thương của tôi đã thiếu vắng một nhành mai chơi Tết, nhưng điều đó có hề chi. Vì khi mùa xuân đến, tự trong lòng tôi, trong lòng mỗi người đã nẩy một đóa mai vàng...
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.