Chị Phạm Huyền Trang (giám đốc một trung tâm ngoại ngữ tại Hải Phòng) đã tá hỏa cầu cứu cơ quan chức năng khi hình ảnh mình bị phát tán trên Facebook trong một thông báo đòi nợ, ép chị phải trả 6 triệu đồng hộ người khác.
Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ đúng sai của khoản nợ trên, cũng như truy tìm các tài khoản Facebook phát tán thông tin. Song thời gian qua, nhiều người đã và đang trở thành nạn nhân của trò khủng bố đòi nợ như Thanh Niên từng phản ánh.
Hiện, có 2 kiểu khủng bố đòi nợ phổ biến trên mạng xã hội (MXH). Thứ nhất là một số đối tượng cho vay nặng lãi, hay một số công ty tài chính sử dụng công ty đòi nợ thuê đăng thông tin bịa đặt, vu khống, gây sức ép tới người bị đưa lên thông báo đòi nợ để trả cho một người khác. Thứ hai là các đối tượng lừa đảo có được số điện thoại và thông tin cá nhân, gọi điện đe dọa bắt ép người dân phải trả nợ (dù không vay nợ) nếu không sẽ đăng ảnh lên MXH.
Trong cả 2 trường hợp, đa số các khoản tiền chỉ vài triệu đồng, nên rất nhiều người sợ bị làm phiền, bôi nhọ danh dự đã tặc lưỡi chuyển tiền cho các đối tượng để yên chuyện.
Theo luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc, trường hợp người dân không vay nợ, nhưng bị vu khống, đe dọa trên Facebook để đòi nợ, các đối tượng trên có thể bị phạt hành chính tối đa 20 triệu đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 155 (tội làm nhục người khác), điều 156 (tội vu khống) hoặc điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản) của bộ luật Hình sự 2015. Người bị hại thay vì sợ hãi trả nợ cho các đối tượng đòi nợ, cần trình báo đến cơ quan công an và sở TT-TT các địa phương để tự bảo vệ mình.
Đáng nói, dù có khá đầy đủ công cụ pháp lý bảo vệ, song trên thực tế “chờ được vạ thì má đã sưng”, đa số các trường hợp khi bị khủng bố, bôi nhọ để đòi nợ trước khi được minh oan đều đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, công việc và cuộc sống.
Theo một chuyên gia an ninh mạng, mấu chốt trong câu chuyện khủng bố đòi nợ trên MXH là lỗ hổng trong kiểm soát thông tin cá nhân. Lỗ hổng này khiến các đối tượng đòi nợ/lừa đảo dễ dàng có được thông tin cá nhân chi tiết của người bị hại, từ ảnh cá nhân, ảnh gia đình, con cái đến cả thông tin chứng minh nhân dân (CMND), địa chỉ... Bên cạnh đó, việc nở rộ một số ứng dụng cho vay online dễ dãi qua CMND, số điện thoại, khiến tình trạng lợi dụng thông tin cá nhân của người khác vay nợ cũng trở nên phổ biến.
Bộ Công an đang soạn dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nếu tiết lộ thông tin số điện thoại, CMND… của người khác trái phép có thể bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng. Mức phạt nặng này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng tiết lộ thông tin cá nhân người khác tràn lan hiện nay.
Tuy nhiên, trong lúc chờ được bảo vệ, người dân cần cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt trên MXH. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có chế tài chặt chẽ, xử lý nghiêm các “góc tối” của các công ty tài chính, đòi nợ thuê, ngăn chặn lối hành xử côn đồ lộng hành, khủng bố người dân.
Theo MAI HÀ (TNO)