Vụ ngộ độc hàng loạt liên quan tới sản phẩm pate Minh Chay do Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới đang được điều tra, làm rõ song ngay lúc này đã thấy có những lỗ hổng về an toàn thực phẩm (ATTP) cần bịt ngay.
Khi danh sách những nạn nhân của vụ ngộ độc do ăn phải thực phẩm chứa độc tố của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới, dư luận không thể không đặt câu hỏi liệu có cách nào hạn chế, giảm thiểu tới mức thấp nhất số nạn nhân của vụ ngộ độc thực phẩm đang gây bức xúc này hay không? Đó là vì càng hạn chế thấp số nạn nhân thì càng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của vụ ngộ độc, càng giảm thiểu sự tốn kém bởi một lọ thuốc giải độc đặc trị độc tố gây ra ngộ độc khi ăn pate Minh Chay có giá tới 8.000 USD và cũng không dễ dàng mua được... Song điều quan trọng nhất là vì sức khỏe và tính mạng con người.
Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quan trọng nhất về vấn đề ATTP là Cục ATTP - Bộ Y tế đã phải lên tiếng "trần tình" khi có dư luận cho rằng cơ quan hữu trách đã chậm trễ trong việc cảnh báo người tiêu dùng. Sở dĩ có dư luận này là những vụ ngộ độc đầu tiên liên quan tới pate Minh Chay đã được bệnh viện - nơi cứu chữa các bệnh nhân ngộ độc - thông báo từ ngày 19-8 tới Cục ATTP. Thế nhưng, phải khoảng 10 ngày sau, cơ quan quản lý nhà nước này mới phát đi thông báo để cảnh báo người tiêu dùng.
Theo cơ quan quản lý nhà nước, họ làm như vậy là vì "bất kỳ sự việc nào cũng phải được xử lý từng bước theo đúng quy định của pháp luật", rằng phải lấy mẫu trực tiếp từ doanh nghiệp (DN) sản xuất, rằng phải tiến hành xét nghiệm... Tóm lại là làm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có thể có những căn cứ, lý lẽ để giải thích cho việc vì sao sau 10 ngày nhận được thông báo về vụ ngộ độc mới phát đi thông báo cảnh báo người tiêu dùng.
Thế nhưng, dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi về sự chậm trễ này bởi trong trường hợp này, thời gian là một trong những yếu tố rất quan trọng để giảm thiểu sự tổn thất về sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; giảm thiểu tổn thất về chi phí khám chữa bệnh. Cơ quan quản lý nhà nước thông báo sớm ngày nào, thậm chí giờ phút nào, là có thể giúp giảm thiểu số người sử dụng sản phẩm bị nhiễm độc. Số nạn nhân phải nhập viện điều trị do ăn phải sản phẩm pate Minh Chay bị nhiễm độc hiện đã lên đến hơn 20 người. Vậy liệu thông báo sớm hơn thì có giảm được số người bị nhiễm độc hay không?
Tất nhiên, cơ quan quản lý cũng cần phải thận trọng bởi cũng có thể phải cân nhắc tới lợi ích của nhà sản xuất, DN. Một sự cảnh báo vội vàng, thiếu chính xác có thể gây thiệt hại không lường cho DN, thậm chí khiến một DN phá sản. Thế nhưng, điều quan trọng nhất và phải tính tới đầu tiên là sức khỏe, tính mạng con người. Tới nay, vụ ngộ độc pate Minh Chay chưa có nạn nhân tử vong. Song với quy trình như vậy thì đối với các vụ việc nghiêm trọng khác, cấp bách hơn, đe dọa nghiêm trọng hơn tính mạng người tiêu dùng sẽ thế nào?
Vụ ngộ độc hàng loạt do ăn pate Minh Chay đang được các cơ quan trách nhiệm điều tra, xử lý, từ đó có thể phát hiện những vấn đề bất cập, lỗ hổng cùng trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ngay lúc này đã thấy ngay một lỗ hổng liên quan tới việc cảnh báo khẩn cấp tới người tiêu dùng trong các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng cần phải xác định, bịt ngay.
Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)