Người tham dự đám tang tướng Iran Qassem Soleimani tại Kerbala, Iraq ngày 4.1.2020. Ảnh: Reuters
Với việc ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran ở Iraq, Mỹ chẳng khác gì đã mở “Cái hộp Pandora” mới ở Iraq nói riêng và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh nói chung.
Mỹ-Iran leo thang căng thẳng
Tác động, hậu quả và hệ luỵ của việc này hiện thật không thể lường hết được. Tuy phía Mỹ luôn quả quyết là không có ý định gây chiến tranh với Iran nhưng trong nhìn nhận của Iran và cả trong thực chất nữa, Mỹ làm như thế chẳng khác gì đã tuyên chiến với Iran.
Cuộc trả thù không thể tránh khỏi
Nhìn vào phản ứng chính thức của Iran, thái độ của người dân ở Iraq và Iran cũng như cách thức tưởng niệm mà Iran dành cho tướng Soleimani thì sẽ không thể không thấy là cuộc trả thù của phía Iran là không thể tránh khỏi. Một nhân vật ở Iran công khai tuyên bố là phía Iran đã có danh sách 35 mục tiêu của Mỹ được đưa vào tầm ngắm của Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả ngay bằng tuyên bố hùng hồn là Mỹ cũng đã lập danh sách 52 mục tiêu của Iran sẽ bị Mỹ tấn công trong trường hợp Iran tấn công Mỹ. Trong cách thức và mức độ phản ứng này của phía Mỹ thể hiện hai điều. Thứ nhất là Mỹ hiện rất lo ngại - chứ không phải chẳng lo ngại gì - về nguy cơ bị phía Iran trả thù. Thứ hai, Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài lại phải tấn công quân sự Iran nếu Iran thực hiện tuyên bố sẽ trả thù cho tướng Soleimani.
Nếu như không có hình thức thích hợp và mức độ thoả đáng về cả đối nội lẫn đối ngoại trong đáp trả Mỹ sắp tới thì Iran không thể bảo toàn được thể diện, vai trò và ảnh hưởng ở khu vực, sẽ bị coi là yếu thế và thất thế trước Mỹ. Lần này, nếu không đáp trả Mỹ thì Iran sẽ còn bị lấn lướt hơn nữa trong thời gian tới và không còn có thể tiếp tục hiệu triệu được quần hùng ở khu vực để chống Mỹ trong tương lai.
Ở nơi khác thì không nói chứ còn ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, Mỹ có quá nhiều điểm yếu về chiến lược mà cuộc đáp trả của Iran khiến Mỹ sẽ không thể tránh khỏi bị tổn hại nghiêm trọng. Mỹ vốn luôn tự tin rằng với sức mạnh và tiềm lực quân sự hiện tại, Mỹ không chỉ đủ để răn đe Iran mà còn huỷ hoại được Iran trên thực tế. Nhưng Iran cũng có sức mạnh và tiềm lực khiến Mỹ cũng phải trả giá đắt và đau đớn. Đấy chính là lý do khiến Mỹ bây giờ vừa duy trì sự sẵn sàng ăn miếng trả miếng với Iran vừa tìm cách giảm căng thẳng tình hình.
Giọt nước làm tràn cốc
Ám sát tướng Soleimani của Iran có thể được coi là quyết sách mang tính định mệnh nhất của ông Donald Trump cho chính nhiệm kỳ cầm quyền của mình và cho nước Mỹ. Thù địch và đối địch giữa Mỹ và Iran từ nay chỉ có thể gia tăng thêm chứ không thể thuyên giảm đi và chưa thể nói đến khi nào thì mới có thể hoá giải được mối thâm thù này. Thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) xem ra không còn có chút cơ hội nào nữa có thể được cứu vãn.
Hành động của Mỹ ám sát tướng Soleimani của Iran ở Iraq chẳng khác gì giọt nước làm tràn cốc khiến phía Iran không còn níu giữ JCPOA nữa mà phải tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa để tự vệ trước sự thù địch của Mỹ và để có con chủ bài chiến lược nhằm tiếp tục đối phó Mỹ.
Điều không thể tránh khỏi nữa đối với Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh là tâm lý chống Mỹ và làn sóng phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq sẽ gia tăng. Mỹ làm cho Iran càng quyết tâm chống Mỹ, nội bộ Iran càng đồng tâm hiệp lực đối phó Mỹ và phe có quan điểm cứng rắn về Mỹ sẽ lấn át phái có quan điểm ôn hoà ở Iran. Và cho dù cuộc trả thù của Iran rồi đây có như thế nào thì Mỹ cũng không nhận được sự ủng hộ của thế giới bên ngoài ngoại trừ một số ít đồng minh thân cận lâu nay của Mỹ. Ông Donald Trump và cả những người kế nhiệm ở Mỹ rồi sẽ thấm thía hệ luỵ và sẽ còn trả giá đắt.
Ngạc Ngư (LĐO)