Lên núi mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sớm mai, khi mùa đông vừa ghé ngang thành phố, tôi bỗng gặp một bức ảnh về ngọn núi Chư Đăng Ya trên một diễn đàn nhiếp ảnh. Tôi đã bị hình ảnh đó choáng đầy hết bộ nhớ, đến độ nếu có thể thì ngay lúc đó tôi sẽ chạy thật nhanh chỉ để về với núi, quay quắt trên đỉnh, dang tay đón cơn gió đầu đông. Và chỉ để ngồi bên núi, cùng núi than thở, giãi bày những muộn phiền cuộc đời.
Đôi lần, tôi luôn thất bại trong ý nghĩ rằng chỉ về với núi chốc lát rồi thôi. Nhưng rồi cứ xoay tròn, chìm ngập bằng những yên bình, bàng bạc đến vỡ vụn. Từ nơi thênh thang gió đó, bao mạch nguồn cứ thế tan chảy, ngân lên những thương mến sâu xa, vỗ về, ủi an. Được ngắm mặt trời mùa đông bừng tỉnh từ sau dãy núi hình bậc thang, được hít hà hơi sương giá, tâm hồn thật xao động, rạo rực, mơn man và vỡ òa niềm vui sướng. Năng lượng sống cứ thế mà được sạc đầy, gom góp, tích lũy, nhân lên. Ngọn núi luôn hào sảng sẵn sàng dành điều bất ngờ cho những kẻ liều lĩnh đã trót mê đắm núi rừng Chư Đăng Ya.
  Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Núi của tôi thường đông đúc, tất bật, náo nhiệt khi vào mùa lễ hội. Nên tôi thích tìm đến với núi theo cách riêng của mình, về với núi lúc núi ẩn mình và lặng lẽ nhất. Khi mùa đông còn ngủ vùi sau những vạt dã quỳ đương khai nụ, tái sinh một mùa mới. Tôi có đọc được ở đâu đó rằng: càng giữa chốn đông đúc, người ta càng đơn độc. Bởi thế, chỉ ước mong rất lặng lẽ: đặt bàn chân mình lên lối mòn, lên dốc núi dựng lên đỉnh, phóng tầm mắt chỉ để thấy được những thảm lá xanh man mát đang rạng rỡ trước mắt với lớp lớp trải dài như tít xa, xa lắm!
Tôi thích nhìn ngắm lũ trẻ ở đây bởi chúng rất hồn nhiên. Trò chơi ưa thích mùa đông của chúng là đạp xe trên triền dốc chạy quanh núi. Đôi chân đứa nào cũng rắn rỏi vì ngoài giờ học còn phụ giúp gia đình cõng bao mùa đi qua bóng núi. Mùa nào thức ấy, khi thì khoai loang, khi thì củ chuối hay bí đỏ... Bỗng nhiên, tôi thấy thừa thãi mình, chật chội mình trong bộ đồ hiệu mới tinh cùng làn da đang được chăm dưỡng kỹ càng với lớp kem chống nắng dày đặc. Thấy mình nhỏ bé trước nụ cười của cô bé Jrai ấm áp, thân thiện đang tròn xoe, ngơ ngác nhìn vị khách lạ xa. Chiếu soi vào những đôi mắt ấy, thấy cuộc sống chẳng có gì lo âu, phiền muộn. 
Dù không phải lần đầu tiên về với núi, tôi vẫn cho phép mình được quyền lặng im dưới vỏ bọc tươi mới cùng những ngỡ ngàng. Kìa, vạt hoa dại li ti màu trăng trắng, tim tím, hồng hồng phơn phớt nở tưng bừng ở ven đường mòn hay trong tận cùng thung sâu. Dù cho một đời hoa không một bàn tay nâng niu, không người đặt tên nhưng vẫn tận cùng dâng hiến, tận cùng yêu thương với núi. Bất đồ, nhìn hoa ước ao một lần nào đó mình là con của núi chỉ để sống đời bình dị, mạnh mẽ, tự tại trước những hối hả, đẩy xô nơi phố xá lao xao. 
Tôi vẫn cứ luôn tự hào rằng mình được ngao du, khám phá nhiều ngọn núi hay chinh phục những cung đường uốn lượn nơi đèo sâu núi cao. Nhưng khi đưa mắt bao quát hết lòng chảo kia, tôi đã thôi khắc khoải, dừng ý định tìm kiếm sự phiêu lưu mới. Lúc đó, tôi mới biết cái rộng mở khiến bản thân mình thỏa chí chỉ là ảo ảnh thoáng qua. Thoáng lặng yên, co mình trong chiếc áo phao trước cơn gió mùa đông, khum hai tay vào miệng, tôi hét tên mình vào núi để nghe tiếng vang vọng, đáp lại ẩn khuất từ trùng điệp, từ thăm thẳm, can trường, thâm trầm của ngàn năm hóa núi. 
Đôi lần, cuộc sống của tôi tưởng như rơi vào ngõ cụt. Miên man nhớ ngọn núi nơi đang có mùa đông ấy, tôi đã đứng lên bước tiếp và tìm đường...
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…