Lễ hội đón hạt ngọc từ rừng Yàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì có sự giao cảm máu thịt với cây lúa nên lễ hội Mừng lúa mới, đón những “hạt ngọc” từ rừng Yàng (thần linh) về kho là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Mạ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp với các đoàn nghệ nhân dân tộc Mạ ở các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai và Cát Tiên tái hiện lễ hội Mừng lúa mới.

Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mạ. Sau một năm làm việc vất vả, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, lúa chất đầy kho, bắp đầy nhà, buôn làng lại tổ chức lễ hội để tạ ơn các thần linh.

Quang cảnh lễ hội.
Quang cảnh lễ hội.

Dân làng kỳ công dựng cây nêu và mô hình kho lúa ở nơi tổ chức lễ hội. Trong nghi thức lễ của người Mạ, cây nêu mang ý nghĩa là nơi để thần linh trú ngụ và là phương tiện để kết nối giữa con người với thần linh.

Sau một hồi tù và ngân dài, già làng xuất hiện bên cây nêu linh thiêng và lầm rầm khấn: “Ơi Yàng, mời Yàng về với buôn làng, ăn cơm mới, uống rượu cần. Cầu xin Yàng cho một năm mưa thuận, gió hòa, cái nương, cái rẫy tốt tươi, cây trĩu hạt, lúa đầy kho; dân làng ăn mãi mà lúa vẫn còn”.

Trong lễ vật cúng Yàng không thể thiếu vật hiến sinh là con gà trống. Những người điều hành lễ hội cắt tiết con gà hiến sinh, lấy máu bôi lên cây nêu, nhà rông, cồng chiêng, mái tóc của những người dự lễ như một nghi thức xin Yàng cho buôn làng được tổ chức lễ hội.

Cắt tiết con vật hiến sinh để tế thần
Cắt tiết con vật hiến sinh để tế thần
Nghi thức bôi máu con vật hiến sinh lên cây nêu để mời thần linh về dự hội.
Nghi thức bôi máu con vật hiến sinh lên cây nêu để mời thần linh về dự hội.

Già làng Điểu K’Bôi (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) cho biết trước kia lễ cúng lúa mới thường kéo dài cả tuần, nay rút xuống chỉ còn từ 2-3 ngày.

“Đây không chỉ là một tín ngưỡng truyền thống, mà còn là dịp thể hiện tính cộng đồng, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Mạ sau thời gian dài làm việc vất vả. Mọi người ngồi lại bên nhau trao truyền những tri thức bản địa quý báu”, già K’Bôi chia sẻ.

Sau phần nghi lễ cúng tế, già làng khai mở ché rượu cần được ủ từ lúa mẹ thơm lừng. Mọi người cùng “uống mừng đậy nắp bồ lúa”, múa hát tưng bừng. Dân làng đốt lên ngọn lửa ấm, hòa vào vòng xoang trong nhịp điệu cồng chiêng.

Khi mở ché rượu cần.

Khi mở ché rượu cần.

Điều thú vị là hầu hết tiếng chiêng, tiếng trống, điệu múa, câu hát tại lễ hội này đều nhằm tái hiện sống động vòng đời của cây lúa và nỗ lực chống chọi với thiên tai của con người, từ lúc dân làng tìm đất trong rừng Yàng, phát rừng, đốt rẫy đến khi gieo hạt, cầu mưa, đuổi chim, gặt hái, đón hạt lúa về kho…

Đánh cồng chiêng mừng lễ hội.
Đánh cồng chiêng mừng lễ hội.

Lễ hội cũng là dịp để dân làng và du khách thưởng thức những món ăn truyền thống đặc sắc được chế biến từ sản vật của địa phương như cơm lúa mới, gà nướng, đọt mây, măng rừng, cà đắng, heo núi, da trâu, cá suối…

Sơn nữ Mạ giã gạo.
Sơn nữ Mạ giã gạo.
Các món đặc sản ở Nam Tây Nguyên.

Các món đặc sản ở Nam Tây Nguyên.

Những sơn nữ đều tay giã lúa mới để nấu cơm. Các chàng trai mang khèn M’buốt ra lau và vi vút thổi giai điệu đại ngàn. Từng đoàn người tiếp nối nhau vít cong cần rượu hút cạn hơi dài trong suốt mấy ngày lễ.

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Xa dần tiếng trống hơ gơr

Xa dần tiếng trống hơ gơr

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.