Kon Tum: Khôi phục nét đẹp văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Kon Tum đã triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, khôi phục nhiều lễ hội truyền thống.
Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm tại Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm tại Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719).

Nhờ đó, Kon Tum đã khôi phục phần lớn nét đẹp văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Rơ Măm là 1 trong 5 dân tộc có dân số ít nhất cả nước với 178 hộ, 526 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu tại làng Le (xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy).

Mặc dù là dân tộc ít người nhất nhưng Rơ Măm lại có một nền văn hóa đặc sắc với những nét nổi bật về tri thức dân gian, truyện cổ, bài ca, điệu múa, biểu diễn cồng chiêng, đặc biệt là hệ thống lễ hội xoay quanh vòng đời người và cây trồng.

Các tiết mục trình diễn nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo người xem tại Chương trình nghệ thuật “Đăk Hà Ngày mùa.” (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Các tiết mục trình diễn nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo người xem tại Chương trình nghệ thuật “Đăk Hà Ngày mùa.” (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phân bổ kinh phí gần 450 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để người dân phục dựng lại các nét đẹp văn hóa, lễ hội, cuộc sống đời thường nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc truyền thống dân tộc.

Hằng năm, vào tháng 11-12 dương lịch, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, người Rơ Măm sẽ tổ chức lễ mở cửa kho lúa để tạ ơn các thần linh đã ban cho dân làng một vụ mùa bội thu. Đây là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc, thể hiện nét văn hóa riêng, độc đáo của người Rơ Măm ở Kon Tum.

Lễ hội là dịp người dân vui chơi giải trí sau một vụ mùa vất vả, con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, lễ mở cửa kho lúa còn chứa đựng những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên, mong có cuộc sống ấm no, vụ mùa bội thu của đồng bào.

Già A Ren (dân tộc Rơ Măm, làng Le, xã Mô Rai) cho biết những chính sách, đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Rơ Măm nói riêng đã góp phần khôi phục lại nhiều nét văn hóa truyền thống. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ ngày càng yêu quý, tự hào về bản sắc dân tộc mình và tiếp tục lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa cho sự phát triển của địa phương trong tương lai.

Ở Kon Tum còn có đồng bào dân tộc Brâu đang sinh sống tại làng Đăk Mế (xã biên giới Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) cũng thuộc 5 dân tộc có số dân ít nhất cả nước.

Cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó, lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh ước vọng mộc mạc của cộng đồng về một vụ mùa thu hoạch được nhiều sản vật, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Ông Thao Là (67 tuổi, dân tộc Brâu, làng Đăk Mế) cho biết buôn làng rất vui mừng khi được các ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ để phục dựng lại Lễ cúng trỉa lúa. Đây là nghi lễ mang đậm tín ngưỡng của người Brâu, người dân tin rằng sau lễ cúng, các Yàng (thần) sẽ nhận lời khẩn cầu và giúp cho hạt giống gieo xuống nảy mầm mạnh mẽ, cây trồng tươi tốt, nhà nhà no đủ.

Hướng đến bảo tồn bền vững bản sắc văn hóa

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều chương trình khôi phục bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống; bảo tồn các lễ hội tại địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

Đồng thời hỗ trợ nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn nhạc cụ truyền thống; xây dựng một câu lạc bộ văn hóa dân gian; hỗ trợ hoạt động cho 5 đội văn nghệ truyền thống các thôn, làng.

Người Rơ Măm đâm vật hiến sinh (hình biểu tượng con trâu) làm thịt cúng thần linh và chia cho dân làng cùng chung vui trong lễ Mở cửa kho lúa (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Người Rơ Măm đâm vật hiến sinh (hình biểu tượng con trâu) làm thịt cúng thần linh và chia cho dân làng cùng chung vui trong lễ Mở cửa kho lúa (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Sở còn tổ chức thi đấu thể thao truyền thống; hỗ trợ trang thiết bị tại các thôn, làng vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt có giá trị; xây dựng 6 thiết chế văn hóa, thể thao thôn tại các địa phương.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng khẳng định thông qua Dự án 6, nhiều lớp dạy cồng chiêng, đan lát, dệt và các nghi lễ, văn hóa của người dân tộc thiểu số đã được thực hiện.

Đây là cơ sở để cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện các nội dung của Dự án 6 đảm bảo đúng tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về đối tượng, khu vực thụ hưởng chính sách, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay gắn với việc tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương.

Đồng thời, tỉnh xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững.

Có thể bạn quan tâm