Làng 'thuận thiên' không sợ mặn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm thoi loi giữa hai nhánh sông Cổ Chiên, xã Hòa Minh (huyện Châu Thành, Trà Vinh) là nơi đầu hứng mặn trước khi nó vào sâu nội đồng, nhưng làng quê ở đây lại là ốc đảo trù phú và hoàn toàn không sợ mặn.
Nuôi tôm quảng canh và công nghiệp đã giúp dân Hòa Minh không sợ mặn - Ảnh: C.CÔNG
Nuôi tôm quảng canh và công nghiệp đã giúp dân Hòa Minh không sợ mặn - Ảnh: C.CÔNG
Mưa xuống tụi tui sạ lúa. Nước mặn về lại chuyển nuôi tôm, cua quảng canh. Cứ thuận thiên mà mần ăn.
Ông NGUYỄN VĂN THÁI
Nhờ cách sống "thuận thiên", chủ động thay đổi mùa vụ theo con nước mặn, ngọt, người dân Hòa Minh đã biến doi đất nhiều tháng nhiễm mặn thành "đất vàng".
"Thuận thiên" mần ăn
Ngôi làng bé nhỏ của xã Hòa Minh có hơn 3.000 hộ dân sinh sống thuận theo hai mùa mặn, ngọt. Năm nay hạn mặn về sớm gay gắt. Từ giữa tháng 2, Hòa Minh đã bị nước mặn bủa vây khoảng 20‰.
Vừa đặt chân đến, tôi không khó để cảm nhận cái nắng hanh khô và những cơn gió mang theo vị mặn từ sông Cổ Chiên vào đồng.
Khí hậu khắc nghiệt là vậy. Nhưng 11h trưa trên những cánh đồng Hòa Minh, người dân vẫn còn nhộn nhịp đóng cống, nạo sình, bón vôi để chuẩn bị vụ mùa mần ăn mới.
Ông Tư, tức Nguyễn Văn Thái, ở ấp Đại Thôn A (xã Hòa Minh), cười khà: "Đang sửa soạn lại mặt ruộng. Ít bữa nữa nước rong và trong tụi tui cho vào đồng để nuôi tôm, nuôi cua...".
Hơn 64 tuổi, nước da ông Tư đen sạm vì nắng gió biển. Quăng những nắm vôi rửa phèn trên đất nứt nẻ khô cằn, ông Tư kể chuyện "con tôm ôm cây lúa" - một mô hình kinh tế không mới nhưng chưa bao giờ cũ đối với cư dân xứ này.
Ông nói: "Chuyện con nước mặn, ngọt luân phiên đã có từ thời ông bà tui khẩn hoang mở ruộng vườn rồi".
"Thời đó ai cũng khổ quá trời đất. Đồng nước lênh láng nhưng cha tui mần đúng 1 vụ lúa kiếm ít giạ ăn chống đói. Gặt lúa xong là mặn về tới nơi. Phụ gia đình, tui đi bắt cua, bắt ốc kiếm thêm. Nhà nghèo rồi ít học nên vụng tính, có ai biết giữ nước nuôi tôm gì đâu.
Đến năm 2000, mô hình con tôm ôm cây lúa ra đời" - ông Tư kể.
Bây giờ, mô hình tôm - lúa đó đã được người dân ý thức làm ra lúa hữu cơ và con tôm sạch. Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 11-2019 vừa qua nước ngọt tràn đồng, ông Tư và dân làng tranh thủ làm ruộng.
"Mần lúa, lúc nào tụi tui cũng canh chín sớm hơn nửa tháng. Sạ thì cũng lựa giống lúa chịu mặn nên ít gặp rủi ro. Hiện tụi tui mần lúa hữu cơ không à. Giống thì chọn ST24 mà mần. Để tự nhiên, lúa không trúng bể bồ nhưng năng suất cũng đạt 4 tấn/ha.
Tui bán giá cao từ 9.000 - 12.000 đồng/kg lúa tươi thì cũng ổn" - ông Tư rổn rảng tâm sự.
"Mỗi năm chú mần thêm 1 vụ lúa nữa được không?". "Hổng được - ông Tư chia sẻ thêm - Ở đây đất phèn bở rệu. Chúng không giống đất sét bền chặt. Mặn về bờ đê bị rịn nước vào trong, mần lúa thất trắng liền".
Tuy nhiên, với cách sống "mùa nào thức ấy", ông Tư tâm sự: "Nói thì dễ nhưng mần rất khó, đòi hỏi người dân phải dày kinh nghiệm".
Chẳng hạn rau màu, cây trái, người dân có thử trồng nhưng đều chết sạch. "Đất này chỉ dung chứa con tôm, cây lúa mà thôi" - ông Tư giới thiệu. Do đó, mùa khô này (tính từ tháng 12-2019 đến tháng 6-2020) nước mặn lên cao, dân làng nuôi tôm, cua sẽ trúng.
"Tụi tui cải tạo sơ sơ lại 10 công ruộng, rồi đợi mặn hạ xuống thì thả tôm càng xanh hay cua biển. Chúng lớn lên tự nhiên an toàn. Và cò trắng về nhiều tui vui lắm. Ngày xưa, ông bà nói cò về nhiều, người dân năm đó mần ăn trúng bể bồ" - ông Tư lạc quan.
Phất lên nhờ con tôm, ông Võ Văn Ví (ở ấp Đại Thôn B, xã Hòa Minh) tâm sự mình cũng giống đa số dân địa phương, hết trồng lúa lại chuyển sang thả tôm càng xanh. Và mô hình đó ông Ví cho rằng "làm hoài được hoài".
"Đợi rớt hột mưa xuống, tui trồng lúa. Hết lúa, tôi phơi gốc rạ ít nắng rồi cho nước vào ngập đồng. Nước vào, gốc rạ phân hủy, tôm lớn lên lấy đó làm thức ăn tự nhiên. Vụ lúa, tôi chỉ cần kiếm khoảng 15 giạ/công; tôm càng xanh thì 500kg/công. Sống thoải mái" - ông Ví rôm rả nói.
Mấy năm gần đây, ông đầu tư nhiều vào con tôm. Với 20 công lúa sẵn có, ông đào thành 7 ao nuôi.
"Mặn về, tôi tranh thủ cho nước vào trữ lại. 7 ao nuôi tôm tui chia nuôi thành nhiều đợt. Hết thu hoạch 3 ao đầu, tui lại nuôi tiếp 4 ao. Cứ thế xoay vòng trong năm. Tôm lớn, xuất bán và mặn lại về" - ông Ví vui vẻ kể.
Nhiều gia đình ở Hòa Minh vẫn giữ nếp sống làng quê xưa - Ảnh: C.CÔNG
Nhiều gia đình ở Hòa Minh vẫn giữ nếp sống làng quê xưa - Ảnh: C.CÔNG
Xóm làng đầm ấm
Cũng như ông Tư, nhiều cư dân ở đây đã năng động canh tác dựa theo sự đổi thay của trời đất và chan hòa nghĩa tình.
Hơn 60 năm gắn bó đất quê, ông Võ Văn Bé, ấp Cồn Chim, chia sẻ: "Xã Hòa Minh này, Cồn Chim nằm lẻ loi với các ấp còn lại nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy lạc lõng. Người dân ở đây sống có tình nghĩa lắm".
Giơ tay chỉ các nhà chòm xóm, ông Bé tâm sự: "Nói đâu xa, mới vụ lúa vừa rồi nè. Gia đình tui thu hoạch không kịp vì kẹt công. Lúa chín rục ngoài đồng. Anh em chòm xóm nhìn xót ruột rồi cùng nhau túm tụm lại 10 người cắt vần công. Họ làm một cái rụp vài ba ngày là xong. Ai nấy nhẹ người".
Lối sống "tối lửa tắt đèn có nhau" ở đây từ xưa tới giờ. Hễ nhà ai có việc cần là mọi người đều giúp. Và trong cách tính mần ăn cũng vậy, bà con không hề so đo hơn thiệt.
Nhà ông Bé lợp lá, cột cây. Căn nhà cha ông để lại. Nó đã tồn tại gần nửa thế kỷ. Mái lá ông Bé thay mới không biết bao lần. Còn nền đất thì nổi "vảy rồng" vì in hằn vết chân của mấy thế hệ gia đình ông. 
Kể chuyện xưa, ông Bé nói cha mình cất kiểu chữ "Đinh" thoáng mát. Vị trí cha ông chọn cất trên đất giồng cặp sông, cửa nhà quay mặt ra đồng.
Hầu hết bà con ở đây ai cũng cất nhà như vậy. Và chúng không ken đặc gạch kính "hoa lệ" như phố hội. Những ngôi nhà lá ẩn hiện sau cánh đồng thơm mùi rạ. Thỉnh thoảng gió chướng rít thổi nhè nhẹ làm cây bần đu đưa trong gió. Cuộc sống người dân yên ả, thanh bình.
Ông Nguyễn Thanh Thưởng, phó chủ tịch UBND xã Hòa Minh, cho biết Hòa Minh là xã đảo, được bao bọc bởi hai nhánh sông Cổ Chiên. Bà con sống quanh quẩn có nhau, chan chứa tình làng nghĩa xóm.
"Nhìn chung, người dân chủ yếu dựa vào con tôm - cây lúa. Và người dân vẫn còn lưu giữ cách làm nông của ông bà xưa. Họ sống thuận hòa với thiên nhiên. Nước ngọt, bà con cải tạo đất trồng lúa hữu cơ.
Mặn về, mọi người nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh tự nhiên, một số nuôi công nghiệp. Nhờ vậy, mãn năm đời sống cư dân ở đây ổn định, hiện chỉ còn khoảng 2% hộ nghèo" - ông Thưởng cho biết.
Hiệu quả mô hình bò - tôm - lúa

Quăng vôi hạ phèn, ông Tư chuẩn bị vụ mùa mới - Ảnh: C.CÔNG
Quăng vôi hạ phèn, ông Tư chuẩn bị vụ mùa mới - Ảnh: C.CÔNG
Gần đây, không ít nông dân Hòa Minh đã năng động làm những mô hình kinh tế kết hợp hiệu quả: bò - tôm - lúa...
"Nếu trước đây mần lúa xong để đồng trống nuôi tôm, giờ tui tận dụng rơm rạ nuôi bò. Vì thế, không chỉ có mình tui bỏ công làm lời mà nhiều bà con ở đây cũng làm. Số lượng tui phỏng tính ở xã Hòa Minh cũng trên 1.000 con bò. Riêng tui có hơn 20 con. Mùa nước mặn, ngọt nào về cũng được.
Dưới ruộng mần lúa, nuôi tôm. Ở trên, tui làm chuồng nuôi bò. Do đó, gia đình cũng kiếm lời hơn 100 triệu đồng/năm" - anh Nguyễn Văn Quyến chia sẻ mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình.
CHÍ CÔNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…