Người đàn bà báo bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Nguy hiểm gì nữa. Nghe đài của chị Diệp là lo chạy trốn bão rồi, mình ra khỏi tâm bão làm gì còn nguy hiểm”, anh Phan Hoan tròn mắt thiệt thà.
“Bả tận tình lắm. Không chỉ cung cấp thông tin mà còn kết nối khi mình khó khăn, gặp nạn trên biển nữa”, anh Sinh hồ hởi.
“Ở xứ Cù Lao này ai mà chạy theo chị ấy cho kịp. Vừa lo tàu ghe, lại biết gió bão, tọa độ gì đó báo cho chồng với mấy ông anh đi biển. Tụi tui thì chịu. Đàn bà xứ này mấy ai như chị Diệp”, chị Nguyễn Thị Đoán thẹn thùng.
Người đàn bà báo bão Lương Thị Diệp chia sẻ thông tin, hỗ trợ hàng nghìn ngư dân trên biển.
Người đàn bà báo bão Lương Thị Diệp chia sẻ thông tin, hỗ trợ hàng nghìn ngư dân trên biển.
Đi học “gió máy” để bảo vệ tàu
Vòng quanh qua nhiều ngõ ngách xóm Cù Lao, nhà của Diệp “Icom” nằm ở cuối xóm Tân An, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Nhà ở cuối xóm giáp với hạ lưu sông Trà Bồng, phía trước nhà chị Diệp “Icom” là miệt sông rộng, nước quanh năm đục ngầu. Trông căn nhà cấp bốn cũ kỹ, dường như không liên quan gì đến tàu tiền tỷ chồng chị Diệp đang đi xa khơi đánh bắt. Bà chủ tàu tiền tỷ người thấp đậm, nét duyên chân chất xen lẫn chút quê mùa.
“Đầu năm lo nhiều lắm, sửa sang lại tàu rồi lo phí tổn cho chuyến khơi mấy tháng, lo tiền ứng cho bạn biển. Cả tỷ lận nên mệt lắm”, Diệp thở dài trong đôi mắt đượm buồn.
“Thế còn lo đài canh không?” “ Có chứ, nó kìa. Cứ 2 giờ chiều là lên máy. Mấy ổng chờ”. Nhắc tới đài canh icom mắt Diệp lại sáng rực, khuôn mặt giãn ra. Cái đài canh nằm trong góc nhà cũ mềm sau bao năm chạy gió bão cùng bà chủ. Bên cạnh là máy tính, sổ nhật ký thông tin báo bão, danh sách liên lạc, hành trình tàu thuyền nằm ngay ngắn.
Ngồi bệt trước hiên nhà, nhìn ra sông Trà Bồng, Diệp nhớ như in cái ngày mình làm quen với icom, máy tính xách tay, toạ độ, mưa bão “gió máy” khơi xa.
Chị Diệp “Icom” và cuốn nhật ký tin tức mưa giông gió bão.
Chị Diệp “Icom” và cuốn nhật ký tin tức mưa giông gió bão.
Sau nhiều năm câu mực, chị Lương Thị Diệp cùng chồng là anh Bùi Đức Thanh quyết định vay vốn đóng tàu 67. Con tàu 5,4 tỷ hoàn thành gắn với ước mơ làm ăn lớn. Chuyến ra khơi đầu tiên năm 2015 cũng là lúc âu lo chồng chất. Xưa tàu nhỏ câu nhiêu được nấy, nay tàu lớn người đông thời tiết bất thường, rủi ro nợ nần chồng cao như núi. Sau bao đêm mất ngủ, chị Diệp quyết định đi học “icom”.
Vác đứa con nhỏ vào Sài Gòn, Diệp “Icom” tìm gặp người chị thân quen chuyên lĩnh vực khí tượng thuỷ văn. Trang web, toạ độ, định vị, khí tượng… Diệp nghe cứ như… nhai sạn. “Muốn giữ tàu phải biết bão giông”, ý niệm ấy giúp Diệp gồng mình để không bỏ cuộc. Từ hướng dẫn của người chị, Diệp hiểu được những dấu hiệu của gió, hiện tượng sinh ra bão, dấu hiệu giông lốc, cấp bão… “Ban đầu chị ấy định chỉ hoay hoay thôi. Hướng dẫn mấy cái cơ bản cho biết chứ mình nhà quê, học hành cũng ít sao mà hiểu rõ chuyên môn được”, Diệp giải thích.
Sau hơn một tháng mày mò, chịu khó học hỏi Diệp sử dụng máy tính, vào các trang web nước ngoài để nhận diện hình ảnh, dự báo thời tiết, đường đi hình thành của mưa giông lốc xoáy. Chưa yên tâm về những phức tạp của biển cả, Diệp lại lặn lội ra Thủ đô học thêm về giông lốc. “Giông lốc là khó lường nhất và cũng nguy hiểm nhất. Bão hay gió thì từ từ hình thành chứ giông lốc là bất chợt, khó nhận ra hiện tượng nên tui nhờ người quen chỉ thêm”, Diệp cẩn trọng.
Trở về nhà cùng vớt số tiền mượn nợ hơn 33 triệu Diệp mua máy icom, laptop bắt đầu “hành nghề biển trên bờ”. Mỗi ngày, người đàn bà xứ Cù Lao lại nghe đài, lên mạng tìm kiếm dữ liệu, thông tin, hình ảnh từ các trang web của Việt Nam, các nước và đưa ra cảnh báo cho chồng ở khơi xa.
Người đàn bà 43 tuổi Lương Thị Diệp, tên thật là Lương Thị Hồng Lan. “Diệp Icom”, Diệp “đài canh” ở xứ Cù Lao Bình Chánh và hàng nghìn anh em tàu thuyền trên biển dường như không xa lạ.
Hàng nghìn tàu “canh” đài báo bão
“Diệp nào, Diệp ở Quảng Ngãi ấy hả? Nhớ chứ, nhờ hoài mà sao không nhớ” - Nhắc đến cái tên Diệp, anh Phan Hoan (huyện Ninh Hoà tỉnh Khánh Hoà) nghĩ ngay đến Diệp “đài canh”. Hơn 20 năm ăn nằm với biển, anh Hoan không lạ gì mưa giông bão gió. Nỗi khiếp sợ của đàn ông đi biển là ám ảnh sự giận dữ của biển đông. Bao phen hốt hoảng chạy tìm nơi tránh trú thoát nạn mỗi mùa mưa gió khiến anh cùng thuyền viên bất an, chới với. Với người đi biển, nhiều nguồn thông tin là cách dự phòng, bảo vệ tốt nhất cho bản thân và tài sản giữa mùa khơi lộng.
Mỗi mùa đi biển, anh Hoan lại “canh chừng” đài báo bão của Diệp “Icom”. Nhận thông tin từ Đài Duyên hải, từ báo đài trong nước, thuyền trưởng Phan Hoan còn nghe ngóng những hướng dẫn, dự báo xa bờ của đài canh chị Diệp. Những thông tin ấy giúp tàu anh nhiều lần thoát tâm bão. “Các kênh khác thì thường dự báo vài ngày, còn chị Diệp thì dự báo từ một tuần đến mươi lăm ngày nên mình chủ động hơn để chạy tránh trước. Làm gì còn nguy hiểm, nghe chị ấy hướng dẫn, cảnh báo tui điều tàu chạy mất tiêu thì nguy gì nữa. Nhờ chị ấy mà tụi tui tránh khỏi tâm bão biết bao nhiêu lần. Không nhớ hết đâu”, anh Hoan khẳng khái.
Sổ nhật ký tin tức thời tiết của chị Lương Thị Diệp.
Sổ nhật ký tin tức thời tiết của chị Lương Thị Diệp.
“Đài canh” của Lương Thị Diệp “phủ sóng” từ bắc đến nam, từ Hải Phòng đến Khánh Hoà, Ninh Thuận. Trời yên biển lặng, chị Diệp mở đài canh cung cấp thông tin thời tiết, dự báo xa bờ. Mùa giông bão là những tư vấn, cảnh báo, chỉ dẫn để chồng cùng anh em các tàu thuyền tìm hướng thoát nạn. Thời điểm đài canh liên tục hoạt động năm 2017, 2018, Diệp “Icom” hỗ trợ, tương tác hàng nghìn tàu thuyền vượt sóng dữ.
“Lô…lô nghe rõ không”… Tiếng alo ngắt quãng của chị Diệp vang lên giữa nhà, sau âm thanh sột soạt của đài icom cũ kỹ. Tay rà toạ độ, tay chỉnh âm thanh, chị Diệp cố liên lạc với tàu cá của chồng, tìm nghe âm thanh quen thuộc. Mùa biển mới, cứ 2 giờ chiều và 7 giờ tối Diệp “báo bão” lại lên đài thông tin với tàu cùng chồng và anh em. Từ tấm lòng đến tấm lòng, sự hỗ trợ, chia sẻ của Diệp “đài canh” đã kết nối nhiều bạn bè, góp sức cứu nạn biển giã.
Mùa lũ năm 2019, ba tàu cá Việt Nam là QNg 90909 của anh Trần Văn Tưởng, QNa 91207 của ông Trần Công Thái cùng tàu QNg 90594 của chồng chị Diệp cùng 110 thuyền viên bất ngờ gặp bão số 6 khi đang câu mực trên biển. Từ thông tin, toạ độ báo bão của ngành chức năng và đài canh chị Diệp, các tàu tìm nơi tránh. Chếch hướng ra khỏi tâm bão, tàu neo trú vùng biển tiếp giáp của Philippines. Sau nhiều ngày tránh trú, hết xăng dầu, phí tổn, ba tàu thuyền chơ vơ chờ trợ giúp. Từ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, nước bạn và các mối quen biết trên sóng icom, người đàn bà chuyên báo bão xứ Cù Lao đã chung tay kết nối cung ứng lương thực cùng 4.000 lít dầu giúp các tàu về nước an toàn.
“Nghe tin trên đài thì cập nhật đúng giờ, có chừng và mình cũng không hỏi được gì. Còn chị Diệp thì cần mình lại điện thoại, liên lạc. Nhận thông tin mà chưa hiểu rõ mình hỏi ngược lại để chị ấy cung cấp thêm. Trao đổi qua lại như vậy thì giúp mình được nhiều hơn. Khác nhau là chỗ đấy”, anh Trần Văn Sinh ở cảng biển Mỹ Á (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ.
Nước từ miền ngược theo sông Trà Bồng đổ về hạ lưu ngay trước nhà Diệp. Nhà cuối xóm, cuối sông nhưng luôn chộn rộn, tề tựu của mấy mươi đàn bà xứ câu mực Bình Chánh. “Nhiều đêm họ điện thoại khẩn cấp, mắt nhắm mắt mở cũng phải trả lời, rồi hỗ trợ anh em trên tàu liên lạc gia đình lúc mưa gió. Biết làm sao được, sinh mạng và an toàn là trên hết”, Diệp “Icom” thổ lộ. Và ước muốn của chị là có được Icom và máy tính mới để tiếp tục hỗ trợ cho tàu thuyền vươn xa.
Nhiều bạn thuyền xứ đầm bãi ở Khánh Hoà đến Hải Phòng mời rủ Diệp “đài canh” vào thăm chơi nhà nhưng “người đàn bà chuyên báo bão” vẫn còn bận lo cho chồng và bạn thuyền trên tàu 67.
BÀI VÀ ẢNH: ĐÔNG HUYỀN (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.