Làng Stơr làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi vừa có chuyến tham quan kéo dài 1 ngày đêm tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang. Và điều đáng mừng là, kinh tế thị trường đã dạy cho những người dân ở làng Anh hùng Núp biết cách làm du lịch trong bối cảnh giao lưu văn hóa thời hội nhập.
Đinh Mỡi, chàng thanh niên người Bahnar 30 tuổi sinh ra và lớn lên tại làng Stơr, làm nhiệm vụ quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp và tổ chức các sự kiện diễn ra tại làng Kông Hoa phục dựng, đưa chúng tôi viếng Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Lạ thay, công việc không chuyên mà Mỡi trôi chảy, lưu loát chẳng khác gì một hướng dẫn viên du lịch lành nghề. Chính chất giọng địa phương, nước da ngăm đen, gương mặt vuông vức của Mỡi khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh bok Núp ở cái thời bắn Pháp chảy máu. “Con cháu làng này đều giống bác Núp chứ chẳng riêng em”-như đoán được suy nghĩ của tôi, Mỡi buông câu nói đùa cùng nụ cười phô hàm răng trắng lóa.
 Du khách tham quan làng Kông Hoa phục dựng. Ảnh: Đ.P
Du khách tham quan làng Kông Hoa phục dựng. Ảnh: Đ.P
Men theo con đường hẹp lát đá núi chừng 300 m, ngược dốc quanh co, Đinh Mỡi đưa chúng tôi đến tham quan làng Kông Hoa phục dựng. Đầu làng là ngôi nhà rông có cây đa che bóng. Bên trong ngôi nhà, 2 bên vách treo gùi tre, cung nỏ cùng một số vật dụng lao động sản xuất phỏng theo lối sinh hoạt ngày trước. Ngay cửa, chiếc chiếu rộng trải lên sàn nhà, chén đũa sắp dọc 2 bên. “Dành cho khách dùng bữa khi có nhu cầu”-Đinh Mỡi giải thích. Làng có 7 ngôi nhà sàn, 4 nhà trong số đó có các hộ gia đình là cháu của ông Núp ở. Họ sống bằng nghề nông, vườn rẫy trên diện tích 6,6 ha (tính đến năm 2018) thuộc diện tích làng theo quy hoạch hoặc các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan gùi, nấu rượu ghè ủ men lá. Khi khách tham quan có nhu cầu, họ làm dịch vụ ăn uống với các thức món truyền thống, phục vụ homestay ở 3 ngôi nhà còn lại. Trong không gian “bài trí”, làng còn có một số cây ăn quả thông thường như vú sữa, lê ki ma, xoài…
Bước vào ngôi nhà sàn lớn nhất giữa làng, chúng tôi gặp già Đinh Ngơn ngồi đan gùi. Dừng tay, nở nụ cười hiền khô, giọng nói ấm áp, già tiếp chuyện: “Vợ tôi là cháu ruột ông Núp, gọi cậu. Thời trẻ, tôi đi lính Cụ Hồ đánh Mỹ. Giờ già rồi, thời gian rỗi lên núi chặt mây tre đan gùi bán cho khách tham quan”. Quay sang góc bếp, già giới thiệu: “Con dâu của tôi đấy. Trưa nay có khách đặt cơm lam, gà nướng nên nó không lên rẫy, ở nhà rang đậu làm muối chấm. Chồng nó đang nướng gà ngoài góc sân”.
Xe máy cặp đôi, chúng tôi “phượt” đến địa điểm làng Kông Hoa xưa kia. Tay lái lụa vượt cung đường đất ngoằn ngoèo lởm chởm đá tai mèo men theo rẫy mì xanh tốt, giữa cánh rừng tái sinh. Chừng hơn 5 km thì bí lối. Dựng xe dưới tán cây, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng cách lội bộ băng qua những tảng đá chông chênh. 15 phút sau thì đến làng. Di vật của làng cũ còn lại không nhiều ngoài cây xoài ngay đầu làng và mấy cây đa cổ thụ. Trước đó, chúng tôi được giới thiệu còn có vài chiếc cột nhà sàn của dân làng ngày ấy cháy nham nhở, nhưng hướng dẫn viên Đinh Mỡi tìm mãi chẳng thấy. Anh trả lời cho cái sự nhọc công tìm kiếm bằng tiếng thở dài: “Đành thôi, vì nơi này không có người quản lý di sản”.
Bữa trưa của chúng tôi được già Đinh Ngơn cùng vợ chồng anh con trai Đinh Đam bày sẵn. Tháng 3 rừng đầy gió, nắng dịu nhẹ trong không gian thanh sạch rợp bóng cây. Thức món truyền thống gồm cơm lam, gà nướng, rượu ghè được hậu duệ bác Núp làm dịch vụ ngon miệng hơn không chỉ bởi cảm giác mà nhờ vào nguyên liệu hoàn toàn từ làng.
Đêm xuống, nhà rông văn hóa làng Stơr nằm cách Nhà lưu niệm không xa sáng bừng ánh điện. Tiếng nhạc, lời gọi mời phát ra từ 2 chiếc loa cỡ lớn hút “lũ làng” già trẻ lớn bé hội về. Sự náo nức hiện lên trên mỗi gương mặt làm chúng tôi thật sự ngạc nhiên, nhất là trong thời buổi điều kiện tiếp nhận thông tin, giải trí rất sẵn! Biên đạo múa Đinh Thị Ngôn-người con của làng, có họ hàng với bác Núp, tốt nghiệp ngành Thanh nhạc, hệ cao đẳng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội-ra mắt đội múa thanh-thiếu niên của làng với những vũ điệu truyền thống và hiện đại. Họ biểu diễn khá chuyên nghiệp, phục trang đẹp mắt.
Chúng tôi ngủ lại trong 2 ngôi nhà tại làng Kông Hoa phục dựng. Giá dịch vụ chỉ 60.000 đồng/người/đêm. Chiếu cói trải sàn, chăn đơn mỏng trong đêm dài nằm nghe gió vờn qua vách núi. Tiếng chim ăn đêm nương cánh gió gửi vào hư không vô tình thôi mà nghe rõ mồn một. Bếp lửa được chúng tôi thay nhau cời cho đêm bớt phần sâu thẳm dù chẳng mấy lạnh. Một trải nghiệm thú vị-mọi người cùng chung nhận xét. Càng ấm lòng lúc chia tay cư dân của làng khi có mấy cháu nhỏ huơ tay vẫy chào, hẹn gặp lại bằng tiếng Kinh khá sõi. Hậu duệ anh hùng Núp thời đất nước hòa bình cùng các dân tộc anh em dựng xây đất nước, đẹp thay!
 ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.  

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Không chỉ bạn trẻ ở TP.HCM, những người trẻ ở tỉnh, thành khác cũng về thành phố để hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Tranh thủ ngày cận kề 30.4, không muốn bỏ lỡ cơ hội nên từ sáng sớm hôm nay dòng người nao nức check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.