Lãng phí tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 1999 đến năm 2012, tỉnh Gia Lai đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng 1.742 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tuy vậy, trên thực tế hiệu quả của những công trình này thì lại tỷ lệ nghịch với số tiền đầu tư.

Đầu tư lớn, hiệu quả nhỏ

Trước thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra  tất cả các công trình này trên địa bàn tỉnh. Đợt kiểm tra, khảo sát cho thấy có đến 783/1.742 công trình hoạt động kém hiệu quả, đang xuống cấp và không hoạt động, chiếm trên 44,9% tổng số công trình, gây lãng phí tiền tỷ của Nhà nước.

 

Công trình cung cấp nước sinh hoạt ở huyện Krông Pa trị giá 2,7 tỷ đồng chỉ hoạt động được 2 tháng đã ngưng hoạt động. Ảnh: Hải Lê
Công trình cung cấp nước sinh hoạt ở huyện Krông Pa trị giá 2,7 tỷ đồng chỉ hoạt động được 2 tháng đã ngưng hoạt động. Ảnh: Hải Lê

Theo số liệu thống kê, 1.742 công trình này bao gồm: công trình cấp nước bơm dẫn (giếng khoan), công trình cấp nước tự chảy, giếng đào và giọt nước. Trong số đó có 137 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (CNSHNT) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 115,9 tỷ đồng; tuy nhiên có đến 73 công trình hoạt động kém hiệu quả, đang xuống cấp và không hoạt động, chiếm trên 53,2%.

Số còn lại (1.605 công trình) là do các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 130,9 tỷ đồng; trong số này chỉ có 895 công trình hoạt động hiệu quả, chiếm 55,7%, 710 công trình còn lại thì hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, khiến người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Theo ghi nhận của P.V, công trình giếng khoan có đài nước ở làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê được đầu tư từ năm 2011 có dung tích 4.000 lít, công suất thiết kế cho 155 hộ sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hóa-Chủ tịch UBND xã-đến thời điểm hiện tại công trình này chỉ mới cấp nước cho 29 hộ, những hộ còn lại chưa được sử dụng nước do thiếu kinh phí lắp đặt. Ngược lại, một công trình cấp nước khác ở buôn Hliếp, thị xã Ayun Pa công suất thiết kế cho 250 hộ nhưng hiện tại phải đáp ứng nhu cầu của 350 hộ, do đó không đủ nước cung cấp cho những hộ ở khu vực cao.

Bên cạnh những công trình CNSHNT hoạt động kém hiệu quả và đang xuống cấp thì còn có khá nhiều công trình xây xong… chỉ để đắp chiếu, chưa hoạt động ngày nào. Theo số liệu thống kê thì số công trình này không hề nhỏ, 210/1.742 công trình, chiếm trên 12%.

Đáng chú ý là trong số 154 công trình bơm dẫn (giếng khoan) do các huyện, thị xã, thành phố đầu tư thì có đến 54 công trình không hoạt động, chiếm tỷ lệ 35%. Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt tại làng Bi, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, đầu tư năm 2011 và đã qua nghiệm thu nhưng không đưa vào khai thác và sử dụng được do… không có đường điện. Hay công trình cấp nước sinh hoạt tại các làng Dmak, Mun, Lốc-xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, đầu tư năm 2011 nhưng cũng chưa đưa vào khai thác vì chất lượng nước bị nhiễm phèn. Một công trình khác là giếng khoan tại trung tâm xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, đầu tư năm 2002 nhưng không đưa vào khai thác và sử dụng được cũng vì không có đường điện.  

Tại nhiều địa phương, một loại công trình khác là giọt nước cũng không hoạt động như: giọt nước làng Mun, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah được xây dựng từ năm 2002, hiện không sử dụng được do vị trí đặt máng lấy nước cao hơn so với nguồn nước; hoặc công trình giọt nước được xây dựng bằng hình thức bể lắng, lọc ở các làng của xã Hà Bầu-huyện Đak Đoa, xây dựng năm 2008 nhưng hầu hết các bể này đều bị dân phá hoặc đục thủng để đặt ống lấy nước trực tiếp từ nguồn hay các trụ vòi nước sử dụng ở các công trình tự chảy đều bị bỏ không sử dụng, người dân tự đấu nối ống đưa ra ngoài trụ để tiện sử dụng hơn…

Ngoài ra, giá nước một số địa phương thu từ 4.500 đồng đến 5.000 đồng/m3 (tương đương giá nước ở TP. Pleiku) là cao so với mặt bằng nông thôn nên người dân không có khả năng đóng tiền nước, dẫn đến công trình ngừng hoạt động như công trình cấp nước ở thôn 1, 2 làng Blang, xã Ia Din, huyện Đức Cơ; làng Kành, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông…

“Cha chung không ai khóc”

 

Nhằm chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu: Giao Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh vì đã lựa chọn địa điểm đầu tư và phương án thiết kế xây dựng chưa phù hợp, chưa đồng bộ, thiếu đánh giá chất lượng nguồn nước dẫn đến công trình hoạt động kém hiệu quả.

Kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã để xảy ra các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động.

Phê bình Sở Nông nghiệp và PTNT vì đã thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị trên trong việc đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý khai thác công trình; thiếu tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả những công trình này.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Hữu Tam- Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường-thừa nhận: Các công trình xây dựng xong đều có biên bản, hồ sơ bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng. Tuy nhiên, do Trung tâm thiếu cán bộ nên công tác quản lý, kiểm tra sau khi đi vào sử dụng là chưa kịp thời và thường xuyên. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng không hề báo cáo với Trung tâm khi phát hiện công trình bị hư hỏng, xuống cấp nên việc chỉ đạo khắc phục, sửa chữa diễn ra rất chậm chạp khiến không ít công trình rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Minh chứng cụ thể cho sự lỏng lẻo này là công trình nước tự chảy tại làng Hưnh Dờng, xã Kông Yang, huyện Kông Chro do Trung tâm làm chủ đầu tư, thi công vào tháng 3-2009. Có tổng mức đầu tư hơn 381 triệu đồng, nhưng công trình này đã sớm hư hỏng chỉ sau 6 tháng đưa vào sử dụng. Mặc dù công trình đã ngừng hoạt động từ tháng 2-2010 đến nay nhưng không hiểu sao UBND xã, huyện đều không hay biết.

Theo tìm hiểu của P.V, nguyên nhân là do một số hộ thuê đất trồng dưa trong quá trình đào ao lấy nước tưới đã làm đứt đường ống dẫn nước về làng. Thế nhưng, vì công trình không có người quản lý nên không ai đứng ra yêu cầu khắc phục, trong khi bể chứa nước vẫn còn đầy và theo người dân địa phương thì nguồn nước ở đây khá dồi dào, quanh năm đều có nước.

Một số công trình CNSHNT bị hư hại, xuống cấp do không có tổ quản lý để duy tu, sửa chữa kịp thời. Tuy vậy, một số nơi mặc dù đã thành lập tổ quản lý nhưng công trình… vẫn không hoạt động. Cụ thể là công trình cấp nước ở bôn Phu Ama Nher 1, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, đã dừng hoạt động hơn 1 năm nay, hiện đang nợ tiền điện hơn 13 triệu đồng. Ông Siu Groai-buôn Phu Ma Nher 1, bức xúc cho biết, ông sẵn sàng chi trả tiền nước nhưng tại sao không cấp nước cho gia đình ông sử dụng, trong khi bể chứa vẫn đầy nước.

Chưa kể trước đây mỗi tháng gia đình ông phải trả 100.000-200.000 đồng tiền sử dụng nước, trong khi có những hộ khác thì không phải trả đồng nào. Theo ông Đặng Tấn Hòa-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-công trình cấp nước này (giếng khoan có tháp chứa nước) được đầu tư năm 2006, nâng cấp sửa chữa đầu năm 2012 với kinh phí hơn 350 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách.

Do quá trình thi công giếng khoan kéo dài, đồng hồ của các hộ dân dùng nước bị rỉ sét, “nước chảy nhưng đồng hồ không chạy” nên xã cho dừng hoạt động cung cấp nước để tổ quản lý kiểm tra từng tuyến, tổ chức họp dân để thỏa thuận lắp lại đồng hồ mới; nhưng vì người dân chưa nộp tiền đầy đủ nên công tác khắc phục chậm, dự kiến đến hết tháng 8-2013 mới hoàn thành. Do đó, hơn 1 năm nay, 4 thôn với hơn 444 hộ dân ở xã Ia Rtô chịu chung cảnh đi lấy nước ở sông Ba hoặc xài nước “ké” ở những hộ có giếng khoan.

Làm gì với công trình “chết yểu”?

Xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Kim Đại cho biết: Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động của nhiều công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là phải xây dựng mô hình quản lý tập trung giao cho công ty hoặc đội dịch vụ đô thị của huyện quản lý. Nói một cách đơn giản là giao cho một đơn vị đầu mối của huyện đứng ra quản lý khai thác đảm bảo lấy thu bù chi.

Trong cuộc họp mới đây với Đoàn kiểm tra liên ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý chuyên ngành về chất lượng đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; thường xuyên kiểm tra, xử lý sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng và chất lượng công trình; giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh quy định về cơ chế phân cấp đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và sử dụng ngân sách để duy tu bảo dưỡng công trình; đồng thời giao Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành quy định về giá thu tiền nước sinh hoạt nông thôn và bù giá cho phù hợp với từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo: UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá chính xác từng công trình bị hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động trên địa bàn từng thôn, từng xã và phân loại mức độ hư hỏng để có giải pháp đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp đảm bảo khai thác cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; kiện toàn lại các tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước, công trình nào chưa có tổ chức quản lý thì khẩn trương thành lập để vận hành, kiên quyết không để tình trạng có công trình nhưng không có chủ quản lý. Việc xây dựng công trình phải gắn liền với hình thành tổ chức quản lý, khai thác để phát huy hiệu quả công trình.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý; nghiên cứu và lập các dự án đầu tư trồng rừng đối với diện tích đất rừng khộp chưa có rừng...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về khắc phục sạt lở bờ sông Đăk Pne (huyện Kbang)

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về bố trí kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Pne (huyện Kbang); đầu tư trạm bơm để phục vụ sản xuất tại cánh đồng thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); 

Ảnh: Hùng Hoa Lư

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo trước Quảng trường Đại Đoàn Kết

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn trước Quảng trường Đại Đoàn Kết; phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng nước tràn qua đường tại Ngã ba Di tích Quốc gia chiến thắng Plei Me trên tỉnh lộ 665. 

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP.Pleiku

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh quản lý đang xuống cấp, lãng phí; cải tạo hồ nước trước Bảo tàng tỉnh để trồng sen; cơ chế cho thuê rừng trồng dược liệu...

Theo vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sinh, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông được cấp năm 2005, đường hẻm rộng 7 m tiếp giáp với thửa đất của bà Nguyễn Thị Duyên. Ảnh: T.D

Cần giải quyết thỏa đáng khiếu nại liên quan đến đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng

(GLO)- Từ năm 2020 đến nay, một số hộ dân ở tổ 2 (phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã nhiều lần kiến nghị vì cho rằng cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chồng lên đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và mất mỹ quan đô thị.