Lãng phí nguồn lực đất đai: Nhà thầu ôm tiền tỉ bỏ chạy, tỉnh loay hoay thu hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại Quảng Ngãi, nhiều chủ đầu tư hào phóng cho nhà thầu tạm ứng số tiền vượt khối lượng thi công thực tế, nhưng sau đó nhiều nhà thầu “bỏ chạy” dẫn đến hệ lụy là dự án thi công dang dở và tỉnh này loay hoay tìm cách thu hồi số tiền tạm ứng lên đến hàng chục tỉ đồng.

Tiền tạm ứng quá hạn khó đòi cả trăm tỉ đồng

Năm 2009, huyện Ba Tơ khởi công dự án đường Ba Tơ - Ba Lế. Theo đó, công trình được chia làm 4 gói thầu, riêng gói thầu số 8 trị giá 6 tỉ đồng, do liên doanh Công ty TNHH Hưng Phát và Xí nghiệp xây dựng An Huy thi công. Trong quá trình thi công, nhà thầu có đơn gửi UBND huyện Ba Tơ xin tạm ứng số tiền 4,24 tỉ đồng, tương ứng 70% khối lượng công trình, trong khi khối lượng thực tế mà nhà thầu thi công tạm tính chỉ khoảng 740 triệu đồng. Dù khối lượng thực tế rất thấp nhưng huyện Ba Tơ vẫn đồng ý duyệt chi tạm ứng cho nhà thầu. Chỉ thời gian ngắn sau khi nhận tiền tạm ứng, Công ty TNHH Hưng Phát không tổ chức thi công theo cam kết mà ôm số tiền tạm ứng “bỏ chạy”.

Trước tình trạng hai đầu dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, còn đoạn giữa tuyến dài khoảng 1km nhầy nhụa bùn đất. Năm 2020 chính quyền huyện Ba Tơ đã tìm nguồn vốn khác tổ chức thi công hoàn thành toàn đoạn tuyến còn lại. Đối với khoản nợ tạm ứng hơn 3,7 tỉ đồng, huyện Ba Tơ xoay sở đủ cách để thu hồi, kể cả kiện nhà thầu ra tòa, song đến nay vẫn chưa thu hồi được số tiền tạm ứng.

Tương tự là gói thầu số 8, công trình đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung trên địa bàn xã Trà Phong, huyện Trà Bồng do liên danh Công ty TNHH Thiên Vũ và Công ty TNHH Thương mại Đại Trung đảm nhiệm với kinh phí trên 22,8 tỉ đồng. Năm 2010 dự án được khởi công và ngay tức thì UBND huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) đã tạm ứng cho nhà thầu số tiền hơn 5 tỉ đồng. Chỉ vài ngày sau, nhà thầu này “bỏ của chạy lấy người” và đến giờ, việc đòi lại khoản nợ tạm ứng trên vẫn “mù tịt” khi mà nhà thầu mất khả năng thanh toán bất chấp địa phương khởi kiện và tòa tuyên án yêu cầu nhà thầu hoàn trả tiền đã tạm ứng.

Cũng tại huyện Trà Bồng nhà thầu thực hiện dự án đường Trà Phong - Trà Ka cũng ôm hơn 2,1 tỉ đồng “bỏ chạy” và đến nay khoản nợ tạm ứng vẫn “treo” lơ lửng. Trong khi đó, tại TX.Đức Phổ, địa phương này cũng “mát tay” tạm ứng cho nhà thầu số tiền hơn 4 tỉ đồng để thi công hai dự án là hồ chứa nước Lỗ Lá, xã Phổ Nhơn và đường Quốc lộ 1- Phổ Vinh và các nhà thầu ứng tiền xong bỏ dự án dang dở. Vừa qua, vào tháng 3.2021, UBND TX.Đức Phổ kiện nhà thầu ra tòa, song đến giờ việc thu hồi tiền ngân sách tạm ứng… chỉ trên giấy. Đặc biệt, chủ sở hữu doanh nghiệp là nhà thầu thi công là Công ty xây dựng 20/7 đã qua đời nên việc thu hồi càng thêm khó.

Loay hoay tìm cách thu hồi

Không riêng gì các dự án trên mà theo báo cáo của Sở Tài chính Quảng Ngãi, đến đầu năm 2022, số nợ tạm ứng quá hạn trên địa bàn khoảng 184 tỉ đồng. Điển hình như huyện Sơn Hà cần thu hồi hơn 2,1 tỉ đồng tạm ứng dự án đường Giá Nối-Mô Níc, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hơn 47 tỉ đồng, UBND TP.Quảng Ngãi hơn 53 tỉ đồng…

Với số tiền tạm ứng khó đòi lên đến hàng trăm tỉ đồng đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nguồn vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Ngãi, cũng như chất lượng các dự án đầu tư từ ngân sách. Bên cạnh một số nhà thầu mất thanh khoản không đủ điều kiện để hoàn ứng thì nhiều nhà thầu vẫn cố tình trây ỳ không hoàn trả mà tìm cách thoái thác.

Đơn cử như dự án đường Quốc lộ 1 - Mỹ Á - KCN Phổ Phong (TX.Đức Phổ), tạm ứng cho nhà thầu hơn 2 tỉ đồng vào năm 2019. Nhưng do vướng mặt bằng nên dự án này tạm dừng thi công, nhưng số tiền tạm ứng thì nhà thầu nêu lý do không hoàn ứng vì số tiền trên đã mua vật tư, vật liệu chuẩn bị thi công, nên không còn để hoàn ứng. Bên cạnh “đòi nợ” bằng văn bản, nhiều địa phương đã kiện nhà thầu ra tòa và nhiều bản án được tuyên, song việc thu hồi nợ gần như bằng không, nhất là những khoản nợ tạm ứng trước năm 2015. Thậm chí, có nhà thầu không đủ năng lực trả nợ phải chuyển sang thi hành bản án hình sự và đã hoàn thành thi hành án nhưng tiền ngân sách tạm ứng vẫn chưa thu về được.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi Phạm Hữu Thịnh, việc chậm thu hồi nợ tạm ứng quá hạn số tiền hơn 184 tỉ đồng cho thấy các chủ đầu tư chưa tích cực trong việc thu hồi tiền tạm ứng. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Ngãi. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và tiếp tục đôn thúc hoàn tiền tạm ứng. Đối với Kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đôn thúc các chủ đầu tư thu hồi nợ. Để sớm thu hồi số tiền tạm ứng quá hạn, nhất là đối với các khoản tạm ứng mà nhà thầu mất khả năng hoàn ứng hoặc toà án đã có bản án thì kiến nghị với cơ quan thi hành án báo cáo cụ thể biện pháp xử lý. Đối với nợ quá hạn chưa thu hồi mà chưa xử lý đề nghị các chủ đầu tư khởi kiện nhà thầu ra tòa.


https://laodong.vn/thi-truong-bds/lang-phi-nguon-luc-dat-dai-nha-thau-om-tien-ti-bo-chay-tinh-loay-hoay-thu-hoi-1029122.ldo

Theo BÌNH MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đừng 'nhờn' với pháp luật!

Đừng 'nhờn' với pháp luật!

Nhìn lại vụ xây khu du lịch trái phép hàng nghìn mét vuông ở Phú Hài, TP.Phan Thiết và biệt thự trái phép trên đất làng nghề ở xã Gia An, H.Tánh Linh (Bình Thuận) cho thấy có dấu hiệu 'nhờn' với pháp luật.