(GLO)- Sau nhiều năm nhường đất để xây dựng công trình thủy điện An Khê-Ka Nak, đến nay với sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương, người dân làng Groi (thị trấn Kbang, huyện Kbang) đã được bố trí khu tái định canh mới.
Công trình nước sạch làng Groi. Ảnh: Đức Thụy |
Theo đó, UBND tỉnh vừa quyết định cho phép chuyển đổi 100 ha rừng nghèo thuộc tiểu khu 119 của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai để bố trí khu tái định canh mới cho dân làng Groi. Để nhanh chóng hoàn thành và đưa khu tái định canh mới chia cho người dân sản xuất, UBND thị trấn Kbang đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất, huy động người dân trực tiếp tham gia khai hoang. Khu tái định canh này do mới được khai thác tận thu một số cây gỗ lớn còn lại là dây leo và cây cối rậm rịt nên việc khai hoang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dân làng rất đồng tình khi được bố trí đất tái định canh ở đây. 92 hộ dân trong làng, mỗi gia đình có từ 2 đến 3 người tích cực tham gia khai hoang. Anh Đinh Quân cho biết: Các hộ đi khai hoang đông đủ, mỗi gia đình có bao nhiêu công là đi làm hết để mong sớm hoàn thành việc khai hoang, sớm có đất sản xuất. Mong muốn hiện nay của bà con là sớm được nhận bàn giao đất để xuống giống cây trồng và ổn định cuộc sống.
Đồng thời, để việc khai hoang tiến hành thuận lợi, Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5) huy động lực lượng giúp dân làng khai hoang. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, 100 ha đất tái định canh của bà con đã hoàn thành việc khai hoang giai đoạn I. Những bụi rậm, dây leo chằng chịt được phát quang; những cây gỗ nhỏ đã được cắt hạ… tạo thuận lợi cho bà con đốt, dọn sau này. Đại úy Nguyễn Thế Nam-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn Bộ binh 2 cho biết: Trước khi đi vào Kbang để giúp người dân khai hoang, chúng tôi đã xác định rõ đây là thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Do vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ luôn thực hiện với tinh thần tận tụy, trách nhiệm và giúp đỡ bà con hết mình. Chúng tôi xác định khi chưa hoàn thành nhiệm vụ thì chưa rút về đơn vị.
Làng Groi hôm nay. Ảnh: Đức Thụy |
Để việc khai hoang được tiến hành nhanh chóng, Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 cũng đã thống nhất hỗ trợ công khai hoang cho người dân là 16 triệu đồng mỗi ha. Đồng thời, UBND huyện cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí để các chiến sĩ cải thiện bữa ăn trong quá trình giúp dân làng Groi khai hoang. Hiện nay, chính quyền địa phương và dân làng đang tập trung vào những khâu cuối cùng để đưa đất vào sản xuất trong vụ mùa sắp tới. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc khai hoang giai đoạn I, cùng với sự giúp đỡ của ngành chuyên môn ở huyện, chính quyền địa phương sẽ triển khai các bước tiếp theo để nhanh chóng có đất chia cho bà con dân làng. Ông Nguyễn Đăng Chung-Chủ tịch UBND thị trấn Kbang cho biết: Sau khi hoàn thành khai hoang, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo nhân dân đốt, phát gọn gàng để cùng với các phòng, ban chức năng của huyện tiến hành phân lô, xác định ranh giới giao đất cho dân, trên cơ sở đó sẽ tổ chức sản xuất.
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 8, UBND thị trấn Kbang sẽ tiến hành phân lô, chia đất cho bà con. Theo đó, mỗi hộ được chia 1 ha để sản xuất. Trước mắt, chính quyền địa phương vận động bà con trồng một số cây ngắn ngày như bắp, mì để dần ổn định cuộc sống sau khi chuyển đến nơi canh tác mới, sau đó sẽ chuyển đổi dần sang một số cây công nghiệp dài ngày có thế mạnh, hiệu quả kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu...
Làng Groi có 80 hộ, với hơn 590 khẩu, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Cả làng có hơn 200 ha đất sản xuất, chủ yếu là đất trồng lúa nước, mì, bắp, bời lời… Khi thủy điện An Khê-Ka Nak thi công thì gần 100 ha đất canh tác trở thành lòng hồ, 76 ha bị ngập kể từ khi nhà máy thủy điện chặn dòng. Chỉ còn lại khoảng 30 ha đất có thể sản xuất được nhưng lại nằm trên một ngọn đồi, xung quanh bị cô lập bởi lòng hồ và không có phương tiện qua lại nên bà con đành bỏ hoang. Từ đó đến nay, người dân thiếu đất sản xuất nên đời sống rất khó khăn.
Lê Nam