Làng chèo đò bên mép núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phong Nha có nhiều đổi thay nhưng làng Na vẫn như một thế giới lạc điệu.
 
Làng Na nhìn từ bờ nam sông Son. ẢNH: T.Q.N
Bao đời nay, người làng Na (xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) biệt lập dưới chân núi vẫn lặng lẽ sống bám mặt lên đò, tay gắn mái chèo mưu sinh. Phong Nha có nhiều đổi thay nhưng làng Na vẫn như một thế giới lạc điệu.
Nỗi lòng cô gái chèo đò
"Thu nhập từ thuyền có được mấy đâu anh, tụi em phải vay mượn gần cả trăm triệu bạc để đóng thuyền, kiếm lại chỉ vài đồng bấp bênh. Nhưng không làm thì biết làm gì bây giờ"

Cô lái đò tên Bích (làng Na)


Bạch, bạch, bạch. Tiếng máy thuyền nổ đưa chúng tôi rời bến của Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, ngược dòng Son đi chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú, huyền ảo lung linh trong lòng động Phong Nha. Dòng sông bắt đầu vào mùa du lịch nên đông vui, tấp nập thuyền bè ngược xuôi đưa đón du khách. Với những loại thuyền như thế và nhỏ hơn, người trong vùng gọi là đò, nhưng giờ lên du lịch rồi, gọi thuyền cho… hợp.
Thuyền chạy với tốc độ vừa phải, đủ để hóng gió mát rượi và ngắm cảnh non nước hữu tình đôi bờ sông. Nước dòng Son trong xanh huyễn hoặc, nhiều chỗ thấy cả rong rêu dưới đáy. “Em tên gì?”, “Dạ, Bích ạ”, cô lái đò trả lời. “Nhà em ở đâu?”, tôi hỏi tiếp. Chỉ tay về phía bờ bắc sông, Bích nói: “Đó, nơi có mấy cây chuối”. Nơi Bích chỉ chính là làng Na. Tôi ậm ừ gật gật nhìn theo dãy nhà giống nhau, nằm san sát bên mé sông.
Từ khi hoạt động du lịch, người làng Na sắm đò mong kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Toàn làng có 230 chiếc đò. Dân nghèo các làng khác trong xã cũng sắm đò chạy nên thừa. Phí mỗi chuyến 360.000 đồng, trừ tiền dầu 60.000 đồng và một số khoản nộp khác trong năm, tính bình quân mỗi thuyền thu được khoảng 25 triệu đồng/năm bởi 1 thuyền chỉ chạy được tầm 100 chuyến/năm. Vào mùa du lịch thì khoảng 3 ngày chạy được 1 chuyến, mùa thấp điểm phải đợi 5 - 7 ngày mới tới phiên, còn mùa đông hoặc mưa lũ nhiều khi cả tháng không có chuyến nào.
 
Làng Na với những ngôi nhà chưa tô trét
Cũng như bao người con gái khác ở làng Na, Bích lớn lên rồi lấy chồng, sinh con sớm và nối gót vác chèo ra sông chở khách. “Thu nhập từ thuyền có được mấy đâu anh, tụi em phải vay mượn gần cả trăm triệu bạc để đóng thuyền, kiếm lại chỉ vài đồng bấp bênh. Nhưng không làm thì biết làm gì bây giờ”, Bích buồn thiu. Thuyền vào đến cửa động Phong Nha, Bích với tay tắt máy. Từ đây, nhà đò phải chèo bằng tay đưa khách vào sâu trong động rồi trở ra. Bích thật thà: “Nếu thuyền đủ khách và nhất là khách Tây thì chèo bở hơi tai. Gặp chuyến nào ít khách tụi em lại mừng”.
Những căn nhà trống hoác và ước mơ nhỏ nhoi

Nghèo khó nhưng người làng Na như những đại sứ du lịch, luôn làm hài lòng du khách. Họ cũng trăn trở ngày đêm, như ông Da vẫn dành một khoảnh đất nhỏ trước nhà để ai đến vãn cảnh có chỗ mà để xe cộ, nghỉ ngơi. Đến gần hết cuộc đời, ông luôn mơ có một ngày, du lịch sẽ đến với làng


Dòng Son thanh bình hơn khi trời đổ chiều tà. Lúc này, các hoạt động chở khách kết thúc, chỉ còn lác đác những chiếc đò của dân làng Na vớt rong rêu trên sông cho cá trắm nuôi trong lồng ăn. Cùng với đi thuyền, nuôi cá lồng là một trong hai nguồn thu chính của người làng Na. Sông Son đoạn qua làng dày đặc lồng bè cá. Những tưởng, cá lồng cho thu nhập khấm khá nhưng khi hỏi ra thì hỡi ơi. Người làng Na chỉ cho ăn rong rêu và cỏ tự nhiên nên cá lớn chậm, phải nuôi 4 đến 5 năm, khi cá đạt trọng lượng 4 kg một con trở lên mới xuất bán được. Bù lại, cá lồng sông Son trở thành thương hiệu không lẫn vào đâu được với con cá to khỏe, chắc, thịt dai mà thơm ngon. Chưa ăn cá trắm lồng coi như chưa đến Phong Nha là vậy.
Thành ra, làng Na mãi như một miền cổ tích bên dòng sông thơ mộng. Chung một dòng nhưng bên này bờ nam thì nhà cửa sầm uất, xe cộ và người đi lại nhộn nhịp. Mặt trời tắt nắng, tôi ngồi bên này nhìn sang làng Na, cảnh đẹp muôn trùng với sông núi hữu tình, trên bến dưới thuyền nhưng lòng buồn hiu hắt. Bởi ngôi làng hiện lên quá rõ cái nghèo khó, từng ô nhà xây gạch đỏ chưa tô trét đã rêu mốc nằm san sát nhau. Sau lưng, núi cao sừng sững. Trời nhá nhem tối, bóng điện treo trước mỗi ngôi nhà tỏa ánh sáng leo lét.
 
Bích chèo thuyền đưa khách vào trong động Phong Nha
Người làng Na một đời khó. Dòng Son bình thường hiền hòa vậy nhưng đến mùa lũ thì trở thành bể nước đục ngầu hung tợn, đoạn sông như một túi hứng nước khắp núi rừng đổ về ứ lại không kịp thoát ra biển; vì ở hạ nguồn nước cũng lớn, thủy triều dâng cao. Đến mùa, nước lũ dâng ngập nửa ngôi nhà là chuyện bình thường ở làng Na. Vì thế, con đò như lá bùa hộ mệnh cho dân làng. Qua trung tâm xã hoặc đi chợ bà con làng chủ yếu sử dụng đò sang bờ nam sông. Sự cách biệt nam - bắc quá lớn.
Tôi hỏi đường về làng mong giải mã thêm được những thắc mắc. Từ đường Hồ Chí Minh, tôi rẽ vào thôn Xuân Sơn nơi có bến phà Xuân Sơn - một trong những tọa độ lửa thời chiến tranh giải phóng đất nước. Năm xưa, nơi đây, hàng ngàn tấn lương thảo, thiết bị, phương tiện và người đã anh dũng vượt sông tiến thẳng miền Nam ruột thịt. Gần đó, một con đường nhỏ mới mở men theo triền núi cheo leo để vào làng. Đường quanh co, gồ ghề; một bên núi cao, một bên vực sâu.
Thấy tôi, ông Nguyễn Văn Da (65 tuổi) chủ động hỏi chuyện. Ông bảo đã có 17 năm chạy đò. Hết tuổi, ông không được chạy nữa nhưng đò vẫn còn đó. Đến phiên, ông lại kêu người chạy thay. Tiền đò chia năm sẻ bảy, còn lại chẳng bao nhiêu. Ngôi nhà ông trống hoác, trơ những mảng tường nham nhở. Hỏi sao không tô, ông nghẹn ngào nói: “Không có tiền, có thì cũng tô trét cho sạch sẽ, mát mẻ chứ”. Nhà không có giếng, ông phải chắt chiu từng giọt nước mưa và mua nước sạch mỗi bình 12.000 đồng về ăn uống; còn tắm giặt thì ra sông. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hiếu, 63 tuổi vẫn phải một mình chèo đò ra giữa sông vớt rong cả buổi chiều về cho cá ăn.
Ông Da “bật mí” đang cầm cố sổ đỏ đất cho 2 đứa con đi nước ngoài làm ăn. Cầm lái đò ở đây hầu hết là đàn bà con gái. Đàn ông con trai ở làng giờ gần như phiêu bạt khắp nơi. Theo Trưởng thôn Hoàng Minh Tuyên, thôn có 242 hộ với 997 khẩu nhưng chỉ có khoảng 5,5 ha đất màu, 16 ha lúa.
Người chồng đi để lại phụ nữ ở nhà vò võ chèo đò, nuôi con, chờ chồng. Những nhà liền kề ông Da như nhà Lực, Đồng, Điện đều đóng cửa im ỉm. Ở nhà kế nữa, Mừng, cô vợ trẻ cũng ngày đêm lủi thủi với
2 đứa con dại. “Đi hết rồi”, ông Da nói. Làn sóng thoát ly làng đã cách đây vài năm nhưng chưa đem về tín hiệu vui. Đi dọc làng mới thấy, hầu như nhà nào cũng trống trơ, u ám. Những người ở lại làm lụng quần quật nhưng cũng cảnh chạy bữa. Như đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hồng và Nguyễn Thị Mười cưới nhau từ năm 2008, hết chạy thuyền chở khách lại ra sông vớt rong. Năm 2012, vợ chồng Hồng cất được nhà với chỉ 180 triệu đồng mà mãi đến 2019 mới trả xong nợ.
Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.