Làng chài tỷ phú vỡ nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đổ xô vay ngân hàng đóng tàu, mua máy Trung Quốc, nguồn thủy sản cạn kiệt, khan hiếm lao động… khiến hàng nghìn ngư dân ở "làng chài tỷ phú" xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) vỡ nợ.
 
Làng chài xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), nơi có hàng nghìn ngư dân chìm trong biển nợ. Ảnh: Minh Hoàng.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề giã cào, lão ngư Lê Hoài Phong (ngụ xã Nghĩa An) chưa từng thấy làng chài quê mình lại nợ nần thê thảm như vậy. 
Lún sâu vào nợ nần... do máy tàu Trung Quốc ? 
Ông Phong còn nhớ 5 năm về trước, làng chài rộn ràng với nhiều chủ tàu trúng đậm. Sau mỗi chuyến biển trở về, có chủ tàu thu lãi hơn 10 cây vàng. "Ăn nên làm ra", nhiều chủ tàu đổ xô vay vốn ngân hàng đóng mới tàu, đầu tư máy công suất lớn để vươn ra khơi. 
"Được ăn cả, ngã về không", hàng nghìn ngư dân làng chài Nghĩa An thế chấp nhà cửa, tàu thuyền vay vốn. Nhiều gia đình vay từ 5 đến 10 tỷ đồng đóng tàu to, mua máy tàu Trung Quốc công suất lớn 540 đến 920 CV, thậm chí có người đóng tàu sắt trị giá đến 20 tỷ đồng.
"Sau vài năm đầu làm ăn phát đạt, kinh tế làng chài bắt đầu tuột dốc, các ngân hàng không còn hào phóng cho vay, ngư dân đành ngậm đắng chuyển sang bốc nóng vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Họ càng gắng gượng ra khơi bằng mọi giá thì càng lún sâu giữa vòng xoáy nợ nần", ông Phong nói. 
Theo ngư dân địa phương, nếu như trước đây nghề giã cào sử dụng máy Nhật Bản công suất 420 CV mỗi chuyến ra khơi chỉ khoảng 10.000 lít dầu.
Những năm gần đây, bà con đồng loạt chuyển sang máy tàu Trung Quốc siêu tốc (mỗi máy có giá từ 800 triệu đến 1,4 tỷ đồng). Mỗi lần ra khơi, máy này "ngốn" đến 20.000 đến 30.000 lít dầu. Hao tốn nhiên liệu kết hợp cùng với giá dầu, nhớt tăng cao khiến chi phí mỗi chuyến đi biển đội giá từ 200 triệu đồng lên 350 triệu đồng.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Công, Phó bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, cho hay ưu điểm của loại máy này là đạt vận tốc tối đa hàng chục hải lý mỗi giờ, có sức kéo mạnh, thu nhanh mẻ lưới. Tuy nhiên, sau ba năm, loại máy này rệu rã, tiêu tốn nhiên liệu quá nhiều, nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt khiến ngư dân lao đao, đành đưa tàu về nằm bờ. 
 
Bà Trương Thị Phân (ngụ xã Nghĩa An) xót xa cho cảnh đời vợ chồng của con trai, chủ hai chiếc tàu trị giá hơn 6 tỷ đồng giờ nợ nần chồng chất đi làm thuê. Ảnh: M.Hoàng.
Trong lúc ngặt nghèo vì chi phí nhiên liệu đắt đỏ, người lao động lại yêu cầu chủ tàu phải chi tiền công từ 500 - 600.000 đồng/ngày, không chịu "ăn chia" may rủi theo từng chuyến biển như trước.
Lao động ứng trước tiền... rồi bỏ trốn 
Trung bình mỗi chuyến ra khơi của nghề giã cào cần từ 10 -12 lao động nên chi phí trang trải nhân công hàng chục triệu đồng. Thủy sản cạn kiệt, chuyến biển liên tục thất bại đã dồn ngư dân làng chài Nghĩa An "sa lầy" trong nợ nần.
Bà Trương Thị Mỹ Vạn (ngụ xã Nghĩa An) cho hay giữa lúc ngư dân khốn đốn, một số lao động đưa ra yêu sách cho ứng trước từ 20-30 triệu đồng để lo trang trải cuộc sống gia đình trước khi ra khơi. Lao động đi biển khan hiếm, nhiều chủ tàu cho họ ứng trước tiền để rồi "ngậm đắng" đến ngày ra khơi, họ trốn biệt tăm không thể liên lạc được. 
"Nhiều chủ tàu mất trắng từ 500 đến 700 triệu đồng tiền ứng trước cho bạn thuyền nhưng đến ngày ra khơi thì họ trốn, không đi nữa", bà Vạn nhẩm tính. 
Nợ "chủ nậu" (chủ vựa thu mua cá) tiền mua dầu lâu ngày lên đến 5 tỷ đồng không có khả năng trả, vợ chồng bà Vạn đành lai dắt hai chiếc tàu từ các tỉnh phía Bắc về neo đậu ở làng chài Nghĩa An làm thuê kiếm sống qua ngày. 
Trong khi đó, ngư trường hành nghề giã cào của ngư dân Nghĩa An chủ yếu ở vịnh Bắc Bộ liên tục bị tàu Trung Quốc quấy phá. Chủ tàu Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Nghĩa An) kể tàu cá Trung Quốc đông quá, họ tràn qua là mất luôn lưới, thủy sản.
"Ngư trường dày đặc tàu nên đánh bắt hoài cũng không đủ trả tiền dầu, thuê lao động và không đủ chi phí sửa chữa", vị chủ tàu thổ lộ. 
Thống kê sơ bộ, số tiền ngư dân làng chài này nợ ngân hàng và nợ vay bên ngoài có thể lên hơn 800 tỷ đồng. Nhiều người rao bán nhà, bán tàu để trả nợ nhưng không có người mua. 
 
Máy tàu Trung Quốc trên tàu cá của ngư dân Nghĩa An. Ảnh: Minh Hoàng.
Ông Trần Văn Sinh, cán bộ phụ trách nghề cá của xã Nghĩa An, cho rằng nghề biển như "nghề buôn bọt nước". Không có nghề nào giàu nhanh bằng nghề biển, ngược lại cũng nhanh đói nghèo, kiệt quệ bằng nghề này.
"Trong khi thủy sản cạn kiệt, khan hiếm lao động, chi phí nhiên liệu quá lớn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khoanh nợ lãi, giúp ngư dân trả dần nợ gốc, chuyển đổi nghề nghiệp. Đó là lối thoát duy nhất giúp họ sớm thoát khỏi vòng vây bế tắc nợ nần", ông Sinh phân tích.
Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc giải quyết khó khăn của ngư dân và  các ngân hàng cho vay khai thác thủy sản. 
Ông Bính giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi cùng địa phương tìm hiểu tình hình khai thác thủy sản thực tế của ngư dân làng chài Nghĩa An. Từ đó, các cơ quan chức năng đề xuất UBND tỉnh có giải pháp giảm bớt thiệt hại cho ngư dân và ngân hàng trước ngày 30/8 tới. 
Minh Hoàng (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.