Nước mắt làng chài tỉ phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những con tàu gần chục tỉ đồng nằm bờ hư hỏng, nhà cửa, vườn tược khóa cửa im lìm do ngư dân bỏ đi biệt xứ... - chuyện đang xảy ra ở nhiều làng chài ven biển Quảng Ngãi.

Xã Nghĩa Phú, Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) một thời được mệnh danh "làng chài tỉ phú" bởi mỗi năm, riêng đội tàu giã cào gần 1.000 chiếc ở đây đã thu về khoảng 800 tỉ đồng. Thế nhưng thời "vàng son" ấy đã qua, giờ nghề giã cào thua lỗ liên tục. Không có tiền trả nợ ngân hàng khi vay đóng tàu, nhiều người đã tìm đến tín dụng đen và lâm vào đường cùng.

Lâm nợ vay tiền đóng tàu

Chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Ngọc (ngụ xã Nghĩa Phú) khi ông đang tưới nước làm mát cho con tàu đã gần 2 năm nằm bờ của gia đình. Cũng giống nhiều người khác ở Nghĩa Phú, năm 2014, vợ chồng ông Ngọc tích góp vay ngân hàng gần 1 tỉ đồng đóng con tàu giã cào 550 CV cùng ngư cụ, lưới...


 

Hàng trăm tàu cá của ngư dân xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi phải nằm bờ vì liên tục thua lỗ
Hàng trăm tàu cá của ngư dân xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi phải nằm bờ vì liên tục thua lỗ



Trong khoảng 3 năm đầu hành nghề ở vịnh Bắc Bộ, gia đình ông Ngọc thu nhập cũng khá. Khoảng 2 năm nay, ngư trường cạn kiệt, liên tiếp nhiều phiên biển bị thua lỗ nên ông đành đưa tàu về bến. Bảy miệng ăn trong gia đình trông cậy vào con tàu, giờ thì không tìm được kế sinh nhai nên phải đi vay tiền để xoay xở qua ngày. "Mình cũng không muốn dây vào tín dụng đen nhưng hồi đóng con tàu đã vay ngân hàng gần 1 tỉ, ngân hàng cứ yêu cầu trả lãi vay, rồi đến xiết nợ mãi. Trong khi nhà không có tiền mới vay tín dụng đen. Bây giờ cứ vay vòng quanh, xã hội đen đến dọa dẫm hoài, nợ càng ngày càng lớn" - ông Ngọc lo lắng.

Không chỉ ông Ngọc, ở làng chài xã Nghĩa Phú, Nghĩa An thời hưng thịnh, nhà nhà vay vốn đóng tàu. Nhiều hộ đã vay đến cả chục tỉ đồng, mua sắm 3-4 đôi tàu. Còn bây giờ là cảnh những con tàu nằm bờ, hư hỏng, không người trông coi. Trong khắp các con đường, ngõ xóm, rất nhiều ngôi nhà đóng cửa, chủ nhân bỏ đi biền biệt không ai biết.

Ông Trương Hoài Phong (ngụ xã Nghĩa An) cho biết gia đình ông đang sở hữu 4 đôi tàu giã cào cao tốc, mỗi tàu đều trên 500 CV. Những năm trước đây, mỗi năm ông đều thu được vài tỉ đồng từ những đôi tàu này. Nhưng 2 năm gần đây, phí tổn cho mỗi phiên biển tăng cao, đánh bắt không hiệu quả nên thua lỗ liên tục. "Thua lỗ nhưng tôi vẫn cố cầm cự, vay chỗ này đắp chỗ kia chứ để tàu nằm bờ lâu ngày thì không những bị hư hỏng, còn phải tốn tiền thuê người trông coi, giữ gìn. Nếu tình hình thua lỗ còn kéo dài, gia đình không biết phải làm sao. Nếu ngân hàng yêu cầu giao tàu, tôi cũng giao hết cho họ, miễn sao được xóa nợ" - ông Phong chán nản.

80% tàu nằm bờ

Tại cơ sở đan lưới của ông Lê Văn Trọng - nơi cách đây vài ba năm trước là cơ sở đan lưới lớn nhất ở xã Nghĩa An với cả trăm lao động - hiện đã đóng cửa, bỏ hoang hơn một năm qua. Người dân xung quanh cho biết ngoài mở cơ sở đan lưới, ông Trọng cũng vay ngân hàng đóng 3 đôi đôi tàu giã cào nhưng vì liên tục thua lỗ, ngân hàng xiết nợ phải lâm vào tín dụng đen. Đến khi hết đường xoay xở, băng nhóm tín dụng đen liên tiếp tới gây sự, khiến ông Trọng bỏ đi hơn 1 năm qua.

Theo thống kê, hiện toàn xã Nghĩa Phú và Nghĩa An có gần 800 chiếc tàu giã cào và hiện trên 80% số tàu phải nằm bờ. "Trước đây, nghề này mang lại nguồn thu nhập rất khá cho hàng trăm ngư dân, nay khốn khó vô cùng. Khi khó thì họ vay tín dụng đen lãi suất cao, giải quyết kinh tế tạm thời trả lãi, nhưng khi không có tiền trả thì lại càng lún sâu" - bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, nói.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó trưởng Công an xã Nghĩa An, cho biết lợi dụng lúc người dân ngặt nghèo, nhiều đối tượng lạ mặt từ nơi khác đến mồi chài cho vay tiền. Nếu vay 100 triệu đồng thì trong vòng 1 năm phải trả cả gốc lẫn lãi lên đến 130 triệu đồng. Khi không có tiền trả nợ, các chủ nợ sẵn sàng đến nhà đập phá, hăm dọa khiến nhiều người lo sợ, thậm chí nhiều người vì sợ bị giết đã phải bỏ đi xa. "Chúng tôi cũng đã mời lên làm việc rất nhiều trường hợp nhưng do đây là những thỏa thuận dân sự với nhau nên rất khó xử lý" - ông Trung nói.

 

Ngân hàng không thể làm khác!

Bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi, cho biết cũng như nhiều ngân hàng thương mại khác, Vietcombank Quảng Ngãi trong những năm qua chủ động hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp ngành thủy sản vay vốn, phát triển kinh tế biển. Khoảng 2 năm trở lại đây, biển liên tục mất mùa; hoạt động khai thác của các tàu đánh bắt xa bờ cũng không được thuận lợi, dẫn đến việc trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng của ngư dân gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao. "Khi việc đánh bắt không hiệu quả, ngân hàng chúng tôi không thu được nợ, buộc phải thực hiện quyền xiết nợ của mình... Chúng tôi cũng rất trăn trở nhưng không thể làm khác" - bà Kiều nói.


Tử Trực (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).