Làng chài trên núi ngóng tết đồng bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn chục năm trước, khi hồ thủy điện Buôn Tua Sarh giáp 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng tích nước, người ta thấy chỉ có vài tấm bè nuôi cá, nay đã hình thành một "làng chài ngụ cư" lênh đênh trên mặt nước.
Với du khách, hình ảnh này thật hữu tình nhưng người làng chài có biết bao tâm sự - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong cái giá buốt của những ngày cuối năm, cư dân bè nổi giọng đặc sệt miền Tây sông nước vẫn cần mẫn để kiếm thêm chút tiền đặng về quê ăn tết và không thôi ao ước sớm lên bờ ổn định, cho "sắp nhỏ được đến trường"...
Lên Tây Nguyên theo nghề... chài lưới
Thấy xe chạy từ xa trên quốc lộ 27 (nối Lâm Đồng - Đắk Lắk), chị Nguyễn Thị Tiên (24 tuổi, quê An Giang) hồ hởi mời mua khô cá lăng, cá lóc. Cứ đúng 5h sáng mỗi ngày, cô gái trẻ đã có chồng 8 năm với 2 mặt con thức dậy lo cơm nước, rồi còn kịp lên bờ mở hàng. Sạp cá của Tiên bán đủ loại cá được câu từ lòng dòng sông Sêrêpốk và các nhánh suối nhỏ hoặc được nuôi ở lồng bè trên hồ thủy điện, đơn sơ nằm cùng sạp của gần 10 gia đình khác nằm cạnh cầu Đắk Hil - bắc ngang lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh trên quốc lộ 27.
Vợ chồng Tiên đều là người gốc An Giang, đã bỏ nghề chài lưới, giăng câu bên Biển Hồ (Campuchia) vì gặp khó khăn, không đủ sống. Nghe giới thiệu trên Tây Nguyên có một lòng hồ thủy điện rất rộng, nhiều tôm cá nên vừa đám cưới xong, Tiên theo chồng lên vùng núi hoang vu, hoàn toàn xa lạ. "Vợ chồng tui lên đây được hơn 8 năm rồi đó. Tài sản giờ là hai đứa nhỏ (gần 8 và 5 tuổi) và nhà bè, cái xuồng để đi thả lưới" - Tiên khoe.
Cũng vì nghèo, không công ăn việc làm nên anh Nguyễn Văn Minh (32 tuổi, quê An Giang) cũng tha phương đến lòng hồ này kiếm kế sinh nhai. "Hơn 6 năm trước, tui theo bạn bè lên đây làm nghề chài lưới. 
Năm sau thấy cũng sống được hơn dưới quê nên đưa vợ con lên theo. Tui đăng ký tạm trú bên xã Krông Nô (huyện Lắk, Đắk Lắk) cho sắp nhỏ đi học, rồi làm cái bè nhỏ dưới lòng hồ để ở cho tiện mần ăn" - anh Minh nhớ lại. Trường cách nơi ở hơn 12km, nên cứ mỗi sáng vợ anh Minh phải lên bờ chở 2 con đến lớp rồi vội vàng về bán mớ cá khô.
Muốn lên bờ, sớm về cố hương
Ở lòng hồ thủy điện có rất nhiều câu chuyện về thân phận những người dân nghèo khó phải tha phương, sống lênh đênh trên mặt nước được kể ra. Nhiều gia đình có con đã quá tuổi đến trường nhưng vẫn chưa quyết được để con học tạm trên Tây Nguyên này hay đưa về quê. Anh Dũng (31 tuổi, quê huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) có hai con đứa 8, đứa 5 tuổi mà chưa biết cho đi học ở đâu.
Nguyễn Thị Quyên giới thiệu cho khách về các loại cá khô mà gia đình đánh bắt - Ảnh: TRUNG TÂN
"Cho đi học trên Đắk Lắk thì ngày nào cũng phải đưa đón cả chục cây số, mà vợ chồng tui bận làm tối ngày. Đưa về quê thì nội ngoại đã già nhưng vẫn phải đi mần, sợ không lo nổi cho sắp nhỏ. Mà trên đây nói dễ mần, nhiều cá chứ cũng tùy mùa nên mỗi năm dành dụm được một ít thôi, biết bao giờ mới có vốn về quê hoặc mua đất làm nhà trên đất liền" - anh Dũng thở dài.
Tâm sự của anh Dũng cũng là lo lắng, ước mơ lên bờ của nhiều hộ dân ở làng ngụ cư trên lòng hồ thủy điện này. Với du khách, khi ngang qua thường dừng lại bên chân cầu Đắk Hil để chụp vài tấm ảnh lưu niệm với hồ nước xanh trong, uốn quanh những quả đồi và dưới cầu là những nhà bè trên mặt hồ phẳng lặng, bình yên, thật trữ tình. Du khách không mấy ai thấm được nỗi khổ của nghề giăng câu trong cái lạnh buốt xương...
Tết đồng bằng xa quá!

Nghe câu hỏi "Tết này có về quê không?", nhiều người dân ở xóm ngụ cư này đã không giấu nổi nỗi buồn. Có những gia đình đã 2-3 năm nay ăn tết trên nhà bè vì không đủ tiền về quê. Anh Minh nói số tiền dành dụm được trước mắt để lo cho tụi nhỏ đi học, dự phòng lúc ốm đau, sửa chữa nhà bè, xuồng máy...

"48 nóc nhà trên lòng hồ này biết nhau hết, bà con cũng thường qua lại giúp đỡ nhau sửa bè, uống rượu mừng đầy tháng, thôi nôi, đám giỗ. Ai cũng muốn có gia đình, quê hương, nhưng vì khó nghèo như nhau nên tụi tui coi làng chài này cũng là quê hương. Tết cũng sẽ làm vài cái bánh tét, ít thịt heo để có chút mùa xuân" - anh Minh tâm sự.

"Đêm và sáng sớm sương mù thường giăng kín, ở trên bè đắp chăn còn lạnh buốt huống hồ đi câu, giăng lưới cả đêm. Nhưng không đi mần thì lấy gì mà sống, nuôi con, có chút dành dụm để gửi về cho cha mẹ dưới quê nữa. Với lại mình còn trẻ, mình phải gắng mần để lo cho tụi nhỏ đi học. Tụi tui cũng chẳng muốn ăn đời ở kiếp trên bè, muốn có chút vốn lên bờ cất nhà hoặc về kiếm việc làm phù hợp cho tụi nhỏ được đi học" - chị Tiên tâm sự.
Cũng có quê từ An Giang, mới 15 tuổi nhưng Nguyễn Thị Quyên đã có thâm niên 5 năm ở làng chài này sau khi bỏ ngang lớp 4 theo cha mẹ lên vùng lòng hồ này. Gia đình có 8 người thì 6 người sống trên bè nổi. "Cháu phụ mẹ buôn bán để kiếm tiền mưu sinh, gửi tiền về quê cho hai em út đi học. Cháu mong ngày nào đó có vốn, được lên bờ và có một công việc phù hợp, không phải lênh đênh, buồn tẻ như bây giờ" - Quyên nói.
Khao khát được "lên bờ"

Một lãnh đạo UBND xã Krông Nô (huyện Lắk) cho biết cuối năm 2016, sau một trận bão lớn, người dân ở làng chài đã rất hi vọng vì nghe đâu UBND huyện Lắk có kế hoạch đưa người dân lên bờ.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Lắk cho biết "đến nay vẫn chưa nghe kế hoạch này. Người dân làng chài trên lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh phần lớn từ địa phương khác đến nuôi trồng và đánh bắt cá, ở lại trên lồng bè tự phát.

"Ngoài đánh bắt cá thì người dân có gần 30 lồng nuôi cá lăng đuôi đỏ, cá lóc đem bán lên TP Buôn Ma Thuột hoặc sang TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Theo quy định của Nhà nước, bắt đầu từ năm 2020, tất cả các hộ gia đình sống trên bè nổi, đánh bắt thủy sản trên mặt nước, lòng hồ đều phải đăng ký. Chúng tôi sẽ có kế hoạch, làm bài bản để quản lý an toàn khu dân cư, có phương án để người dân ổn định hơn cuộc sống hiện tại" - vị này thông tin.

Trung Tân (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.