Lan tỏa vẻ đẹp kiến trúc xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có nhiều cách khác nhau để truyền tải thông điệp về tình yêu đối với những di sản kiến trúc xưa. Chàng trai Trương Văn Bộ (làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) chọn một cách độc đáo không giống ai: Thu nhỏ những công trình kiến trúc, nhất là đình chùa, cổng làng hay những nếp nhà truyền thống Bắc Bộ. Những mô hình của Bộ được nhiều người ưa chuộng. Và từ đó, Bộ đã lan tỏa nét đẹp văn hóa, kiến trúc xưa.

 
Một tác phẩm đình làng do Trương Văn Bộ thi công.
Một tác phẩm đình làng do Trương Văn Bộ thi công.


Những ngày đầu năm mới, Trương Văn Bộ đang nỗ lực hoàn thành tác phẩm thu nhỏ Hoàng thành Thăng Long. Đây chính là tác phẩm “để đời” của Bộ. Những công trình của Hoàng thành trông y như thật, nhưng lại nằm gọn ở một... góc sân. Nhiều công trình của Hoàng thành xưa đã nằm trong lòng đất, cho nên Bộ chỉ có thể làm “một góc” Hoàng thành, trong đó, kết hợp những công trình nổi như Đoan Môn và một số công trình mà các nhà khoa học phục dựng bằng hình ảnh 3D. Dù kích thước nhỏ, nhưng mỗi hạng mục công trình đều thể hiện rõ từng chi tiết nhỏ, từ đầu đao, cho đến viên ngói lợp mái, viên gạch lát nền...

Và tất cả các chi tiết, lẫn tỷ lệ từng cấu kiện, hạng mục... đều được tác giả cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hình thành ý tưởng, thiết kế rồi mới thi công. “Có tác phẩm từ lúc lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện tôi phải mất tới hơn một năm. Đó là khi em chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng với Hoàng thành Thăng Long, thách thức lớn hơn rất nhiều. Đó không chỉ là việc thi công sao cho giống mà còn phải truyền tải được nét đẹp, được “hồn cốt” mỗi hạng mục công trình. Muốn làm được điều này, thì cần phải hiểu lịch sử, ý nghĩa của công trình đó.

 Bởi vậy, em không chỉ trực tiếp đến Hoàng thành Thăng Long, xem các ảnh chụp mà còn đọc nhiều tư liệu về Hoàng thành để hiểu thêm lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Sau đó, mới thiết kế, làm bản phác thảo thô rồi thi công. Khoảng một tháng nữa thì em hoàn thành tác phẩm. Còn sau này, em mong muốn làm Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ khác nhau”.

24 tuổi, nhưng Trương Văn Bộ đã là cái tên khá nổi tiếng trong “làng” tiểu cảnh. Bộ là quản trị của fanpage Hội Tiểu cảnh và mô hình, có đến 51 nghìn hội viên. Có nhiều loại hình tiểu cảnh khác nhau, nhưng được ưu tiên nhất, vẫn là những tiểu cảnh thể hiện truyền thống văn hóa Việt. Sẽ không bất ngờ về việc Bộ là quản trị diễn đàn về tiểu cảnh, mô hình thuộc diện lớn nhất Việt Nam nếu biết rằng Bộ đã đến với tiểu cảnh, mô hình được... 17 năm. Từ hồi còn bé xíu, cậu bé Bộ đã được bố mẹ, ông bà cho chơi ở đình làng. Đình làng Đan Nhiễm lại nằm ngay bên bến sông Nhuệ.

Những mái ngói thâm nâu, những phượng múa, rồng bay đi vào tâm trí cậu bé từ độ ấy. Bộ nghĩ đến việc làm sao “thu nhỏ” những công trình cổ. Nhất là làm sao thể hiện được thật chi tiết những họa tiết trang trí trên công trình. Ban đầu, bố mẹ Bộ phát hoảng vì thấy con có ham mê khác người. Mà lứa tuổi đó, cần nhất là học hành. Nhất là khi tác phẩm đầu đời của Bộ lại là... chùa Một Cột. Sợ bố mẹ biết, Bộ lọ mọ dậy từ khoảng 4-5 giờ sáng hí hoáy nặn thử. Nặn xong được một ít, lại phải giấu đi vì trời sáng. Chưa hết, để có tiền mua xi-măng, Bộ phải tiết kiệm tiền mấy tháng trời. Bộ hoàn thành tác phẩm đầu tiên, tác phẩm chùa Một Cột, thời gian hết gần một học kỳ, khi mới lên bảy tuổi!

Được bố mẹ đồng tình, cả sân, cả nhà, cả vườn của gia đình Bộ chỗ nào cũng là đình làng, cổng làng, nhà cổ thu nhỏ. Ai cũng ngỡ ngàng. Một ngôi nhà cổ, không chỉ có nếp nhà chính, còn có bếp, có khu chăn nuôi, có cổng, có sân vườn, cây cảnh... Cả khuôn viên ấy mỗi chiều không đến 1 m. Chỉ nhìn qua cũng thấy sự kỳ công. Thực tế, không phải cái nào nặn xong cũng được ngay. Không biết bao nhiêu phế phẩm thì mới có một sản phẩm “ra lò”. Nhưng cậu bé vẫn cứ tẩn mẩn với... đình chùa. Lớn lên một chút, Bộ nhận ra những ý nghĩa sâu xa hơn về việc mình làm. Đó chính là lưu giữ những nét đẹp cổ kính xưa. Biết việc làm của Bộ, nhiều người ủng hộ, khiến em càng đam mê hơn.

“Em đi thăm các di tích, học hỏi kiến thức, chụp ảnh... để có tư liệu, để hiểu hơn về giá trị của những nếp nhà cổ, những công trình kiến trúc mà mình làm. Khi hiểu hơn ý nghĩa, em thấy cần phải có trách nhiệm với mỗi tác phẩm mình làm”, Trương Văn Bộ cho biết. Để công trình y như thật, thì cái khó nhất khi mô phỏng chính là tỷ lệ của các công trình ngoài đời. Một mái nhà cao khoảng 15 cm thì chiếc chậu cảnh, cái chum nước... trong sân, phải thu nhỏ còn vài cm, tương tự là những viên gạch, viên ngói. Dạo trước, Bộ tự tay nặn, rồi nung tất cả gạch ngói... Sau này, Bộ được biết ở Bát Tràng có dịch vụ nung gạch ngói mini, lượng công việc Bộ phải làm mới giảm đi. Em có nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đầu tư vào những chi tiết nhỏ trong trang trí để sản phẩm ngày một hoàn hảo hơn.

“Khi một tác phẩm được trao cho người khác, em hay nghĩ, có thể ban đầu họ thích chỉ vì độc, lạ. Nhưng sau đó, họ sẽ quan tâm đến “công trình” mà họ sở hữu. Đó là đình, đền, chùa, hay nhà cổ... Quan tâm, thì họ sẽ tìm hiểu. Khi đó, họ sẽ tìm đến nguyên gốc. Đó là điều em tự hào, vì đã góp phần lan tỏa tình yêu với văn hóa quê hương”, Trương Văn Bộ chia sẻ.

Theo Giang Nam (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Mê mẩn với những thiết kế phòng ngủ độc đáo cho các thiên thần nhỏ

Mê mẩn với những thiết kế phòng ngủ độc đáo cho các thiên thần nhỏ

Phòng ngủ riêng là nơi đặt tiền đề cho một cuộc sống riêng tư của các bé, là nơi để các bé gửi gắm những ước mơ, kỷ niệm tuổi thơ. Đẹp, ấn tượng và phù hợp với cá tính riêng của con chắc chắn là điều mà bất cứ bố mẹ nào cũng nghĩ đến khi lên ý tưởng thiết kế phòng ngủ cho các thiên thần nhỏ.
Một quảng trường tại Paris được đặt tên người Việt Nam

Một quảng trường tại Paris được đặt tên người Việt Nam

Ngày 29-6, lễ đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường nhỏ trung tâm quận 16 ở thủ đô Paris, đã được tiến hành với sự hiện diện của Phó Thị trưởng thành phố Paris Laurence Patrice, Thị trưởng quận 16, Francis Szpiner, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo người thân gia đình ông Đỗ Hữu Vị, quan chức và nhân dân địa phương.