Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) dài 238 km nằm trong “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quốc lộ 19 hư hỏng nặng. Ảnh: LĐ |
Nhiều tuyến đường trong dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc là có tuyến đường tuy mới thông xe chưa được bao lâu song đã hư hỏng nặng, có đoạn hư hỏng gần như hoàn toàn.
Toàn bộ Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 có tổng kinh phí hơn 2.045 tỷ đồng, trong đó đoạn từ quốc lộ 1A, ngã ba cầu Bà Gi (Bình Định) đến cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) dài 221 km sẽ được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2020. Công ty TNHH BOT 36.71 là đơn vị trúng thầu đã tiến hành thi công và chính thức thông xe từ ngày 15-1-2016.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình chính là con đường mới thông xe chưa được bao lâu, nhiều đoạn đã hư hỏng nặng; cá biệt, đoạn từ Km 90-Km108 (Gia Lai) và Km 50 - Km51+152 (Bình Định) đã bị hư hỏng từ nhiều năm nay, gây mất an toàn giao thông (ATGT) ảnh hưởng việc đi lại của người dân; riêng đoạn đường dài 18km tại Đác Pơ (Gia Lai) bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế xác nhận: Việc đường hư hỏng là có thật. Nhưng vì toàn bộ dự án do Cục Quản lý đường bộ 3 quản lý cho nên Sở khó nắm rõ cũng như không đủ thẩm quyền can thiệp.
Trước những bức xúc của người tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh Gia Lai có văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) có biện pháp bảo đảm ATGT. Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu bảo đảm ATGT đối với hai đoạn tuyến nêu trên. Cụ thể, theo Bộ GTVT, đoạn hư hỏng trên quốc lộ 9 qua tỉnh Bình Định (Km50-Km51+152) hiện nay không có trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án (số 4256/QĐ-BGTVT ban hành 12-2016) cho nên thống nhất đề xuất của Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp nhận đoạn hư hỏng này để quản lý, khắc phục, đồng thời làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư khi không thực hiện bảo trì kịp thời theo quy định. Riêng đoạn tuyến 18km (Km90-Km108), quốc lộ 19, qua huyện Đác Pơ (Gia Lai) hư hỏng, có trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên, nhà đầu tư là Công ty TNHH BOT 36.71 chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để thi công; nhà đầu tư không bảo trì kịp thời, dẫn đến mặt đường hư hỏng nặng, do vậy Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ tiếp nhận lại đoạn tuyến này để quản lý và bảo trì thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, trước khi bàn giao lại cho Tổng cục Đường bộ quản lý, Công ty TNHH BOT 36.71 phải hoàn trả lại đầy đủ hệ thống ATGT trên tuyến, khôi phục lại toàn bộ mặt đường để bảo đảm ATGT, bảo đảm năng lực khai thác của tuyến đường.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng giao Tổng cục Đường bộ, Ban Quản lý dự án làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư khi không thực hiện bảo trì kịp thời theo quy định; báo cáo làm rõ công tác bàn giao, trách nhiệm giám sát nhà đầu tư trong quá trình bàn giao, triển khai dự án nâng cấp, cải tạo theo hình thức hợp đồng BOT đối với các đoạn tuyến nêu trên.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt cho biết: Cử tri Gia Lai nhiều lần có ý kiến về vấn đề này. Ghi nhận ý kiến cử tri, đoàn cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải sớm cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19, gỡ khó cho địa phương. Theo báo cáo của Ban ATGT Gia Lai, nhà đầu tư BOT cho rằng còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý và vốn vay, vì vậy chưa dự kiến được thời gian triển khai thi công xây dựng và đã đề nghị bàn giao lại toàn bộ các đoạn tuyến và công trình trên địa phận hai tỉnh Gia Lai, Bình Định, trong đó có đoạn đã bị xuống cấp này cho Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ) quản lý bảo trì. Tuy nhiên, công tác sửa chữa, khắc phục vẫn chưa được triển khai, gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, dư luận cũng có nhiều thắc mắc vì sao chỉ trên đoạn đường dài 57 km nhưng chủ đầu tư lại được đặt hai trạm thu phí và tiến hành thu phí từ ngày 1-6-2016, trong khi khoản 2 Điều 2 Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: khoảng cách giữa các trạm thu phí tối thiểu phải 70 km trên cùng một tuyến.
Việc triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 nhằm mục đích tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền trung và các tỉnh Tây Nguyên; xa hơn nữa là phục vụ cho việc giao lưu, đi lại, quan hệ giữa các nước trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thế nhưng, trước sự xuống cấp nhanh chóng sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, sử dụng, xem ra hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Điều đáng nói, hiện Tây Nguyên nói chung và Gia Lai đang vào mùa mưa lũ, người tham gia giao thông bức xúc nhưng các nhà quản lý đến nay vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai cho nên việc thi công, duy tu bảo dưỡng vẫn chưa được thực hiện; trong khi đó, hằng ngày con đường vẫn đang phải gồng mình trước lượng xe qua lại khá lớn và xuống cấp theo thời gian…
Theo nhandan