Làm du lịch ở đảo tiền tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khách du lịch thích ra tham quan đảo Cù Lao Xanh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bởi cảnh vật ở đây còn nguyên vẹn tính hoang sơ tự nhiên. Cung cách phục vụ thật thà, chất phác như cuộc sống ngư dân vùng biển, đảo. Các bạn trẻ có chút kiến thức công nghệ thông tin, mạng xã hội... đã thu hút khách du lịch đến đảo nhiều hơn, người dân có thêm thu nhập.
Một góc đảo Cù Lao Xanh - xã Nhơn Châu nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Luận

Một góc đảo Cù Lao Xanh - xã Nhơn Châu nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Luận

Tìm nguồn khách du lịch ở “đò chợ”

Đúng hẹn, anh Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Công ty Cù Lao Xanh Vietravel gặp tôi ở cảng Quy Nhơn, đi theo đoàn khách du lịch thành phố Hà Nội ra tham quan đảo Cù Lao Xanh. Chiếc ca nô gắn 2 động cơ 600 mã lực, chỉ 30 phút, chúng tôi đã đặt chân lên đảo. “Đây là đảo tiền tiêu, có các đơn vị Quân đội đóng quân, quý khách đi theo các hướng dẫn viên, họ là người con của đảo. Lộ trình đầu tiên là lên xem ngọn hải đăng nằm trên đỉnh núi, sau đó xuống bãi biển tắm ngắm nhìn san hô tuyệt đẹp. Khoảng 11 giờ quay về đây ăn cơm với sản vật đánh bắt tại vùng biển này, đảm bảo “bao ngon”, không chê vào đâu được” - bạn Nguyễn Thị Thanh Nguyệt giới thiệu thông tin tóm lược với du khách.

Nguyệt và Toàn là hai chị em ruột, sinh ra và lớn lên ở đảo Cù Lao Xanh, từ không có gì, nay đã thành lập công ty du lịch, sắm được 3 chiếc ca nô cao tốc, 5 chiếc xe ô tô chở khách du lịch, xây nhà nghỉ 3 tầng ở đảo, mở nhà hàng... Bạn Nguyệt tâm sự: “Em Toàn ở lại thành phố Quy Nhơn “chạy” tìm nguồn khách từ các khách sạn, công ty lữ hành, tôi đi theo ca nô hướng dẫn hành khách, mẹ ở đảo lo điều hành dịch vụ ăn nghỉ... Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khách ra đảo quá đông, hoạt động hết công suất. Mùa Hè cũng vậy, học sinh nghỉ học, khách ra đảo cũng khá đông”.

Câu chuyện làm du lịch ở đảo Cù Lao Xanh không phải của các công ty, tập đoàn du lịch chuyên nghiệp, mà chính người dân trên đảo mày mò làm trước. Một lần, có hai vợ chồng từ đất liền ra đảo chơi, xin vào gia đình Nguyệt ngủ qua đêm và nấu cơm ăn. Ngày chia tay, vợ chồng khách nài nỉ mẹ Nguyệt nhận 200.000 đồng tiền công và gợi ý: “Ở đảo có nhiều cảnh vật đẹp, tương lai sẽ có khách du lịch ra đây tham quan, chị nên làm chỗ đón khách”.

“Hồi đó, lịch trình tàu khách xuất phát từ cảng Quy Nhơn lúc 12 giờ, đến đảo Cù Lao Xanh đúng 15 giờ, em với mẹ cứ ra ngồi quan sát ở cầu cảng, thấy người nào lạ là chạy đến hỏi: “Anh (chị) có phải đi du lịch không?”, chờ khách xác nhận là dẫn về nhà ở. Lúc đó, em Toàn đi bộ đội nên nhà còn dư giường cho khách vào ở” - bạn Nguyệt kể về thời điểm bắt đầu làm du lịch.

Đón được mấy lần khách, thấy có triển vọng, gia đình Nguyệt cải tạo nhà tắm và nới rộng ra làm 4 phòng nghỉ chuyên biệt đầu tiên ở đảo Cù Lao Xanh. Cơm nước được gia đình nấu ăn chung, coi như thêm chén, thêm đũa. Tiếng lành đồn xa, khách từ đất liền bắt đầu ra đảo tham quan nhiều hơn. Một số người trên đảo “nhòm ngó” gia đình Nguyệt và bắt chước làm theo, thị trường dịch vụ du lịch ở đảo Cù Lao Xanh bắt đầu hình thành.

“Khách lớn tuổi thường hay ngủ lại ở trong nhà dân, còn các bạn trẻ thích cắm trại ngủ ở bãi biển. Gia đình nào “bắt” được khách ở cầu cảng, coi như phục vụ trọn gói, dẫn khách đi bộ tham quan đảo. Hiện nay, đảo Cù Lao Xanh đã có nhiều người làm du lịch, sắm xe điện, ô tô đón khách tại cảng. Suốt mấy năm nay vẫn giữ nguyên giá dịch vụ, bởi vì ai cũng sợ mất khách” - ông Phạm Văn Hay, một người dân đảo làm hướng dẫn viên tâm sự.

Toàn dân bảo vệ môi trường

Đảo Cù Lao Xanh có đơn vị hành chính là xã Nhơn Châu (khách du lịch gọi hai tên: Đảo Nhơn Châu hoặc Cù Lao Xanh). Năm 2020, Nhà nước đầu tư làm tuyến cáp điện ngầm dưới đáy biển, nối từ thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, tạo điều kiện cho xã đảo phát triển kinh tế - xã hội. Xã Nhơn Châu đã thành lập được nhiều công ty du lịch, cung cách phục vụ khách mang tính chuyên nghiệp hơn, ai cũng biết cách dựa vào công nghệ, mạng xã hội để quảng bá hình ảnh hòn đảo xinh đẹp của quê hương mình. Các công ty ở đảo hợp tác với công ty lữ hành du lịch ở các tỉnh, thành phố khác đưa khách ra đảo tham quan.

Khách du lịch đến đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: Hải Luận

Khách du lịch đến đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: Hải Luận

“Gia đình tôi đến Cù Lao Xanh lần thứ hai, đảo còn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên. Đặc biệt, các rạn san hô còn rất nhiều, ở một số bãi biển, san hô nằm sát bờ, chỉ cần nằm trên mặt nước đã quan sát thấy rõ san hô, cá. Người dân biển hiền hòa, sản vật tươi ngon, giá rẻ” - ông Nguyễn Quang Tuấn, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội chia sẻ.

Thời gian vừa qua, người dân và chính quyền xã Nhơn Châu đã ý thức được bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển, đảo. Ông Nguyễn Đức Trận, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Châu cho biết: “Toàn xã có 600 hộ dân, với 2.350 nhân khẩu. Để bảo vệ môi trường tốt, chính quyền địa phương nghiêm cấm người dân đổ rác xuống biển, thành lập 3 tổ thu gom rác, đưa về nhà máy rác xử lý. Riêng các rạn san hô nằm ở phía trước khu dân cư, bãi neo đậu tàu thuyền, xã làm ranh giới bảo vệ san hô, yêu cầu người dân đưa các loại phương tiện ra neo đậu phía ngoài các bãi rạn san hô. Nếu ai cố tình vi phạm, xử phạt hành chính rất nặng”.

Người dân trên đảo xác định, bảo vệ môi trường biển là bảo vệ “nồi cơm” của chính mình. Môi trường tốt, nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng cao, đánh bắt nhiều cá, mực. “Gia đình anh Nguyễn Văn Trợ, anh Đặng Văn Định... đã đi tiên phong nuôi mực ở lồng, nhiều hộ nuôi tôm hùm... có thu nhập khá. Nhờ có khách du lịch ra đảo nhiều, giá bán thủy sản bằng với giá bán ở chợ thành phố Quy Nhơn” - Bí thư Nguyễn Đức Trận thông tin thêm.

Tầm nhìn phát triển xã Nhơn Châu đến năm 2035

Tỉnh Bình Định đã lập quy hoạch tổng thể xã Nhơn Châu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo quy hoạch, tập trung vào 3 công việc chính: Phát triển kinh tế biển, du lịch, giữ vững an ninh đảo. Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu vấn đề cốt cõi: “Phải giữ được nguyên giá trị về cảnh quan tự nhiên biển, đảo xã Nhơn Châu để phát triển du lịch. Đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông, trồng thêm nhiều cây xanh, phục vụ đời sống dân sinh, phát triển du lịch...”.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.