Lâm Đồng: Doanh nghiệp trồng rừng để mất rừng, làm thiệt hại hơn 5.700m3 gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng phá rừng, thực hiện sai các quy định tại Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng chè chất lượng cao, trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt của Công ty Minh Tú diễn biến phức tạp.
88ha rừng đã bị mất trong 16 năm triển khai dự án. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

88ha rừng đã bị mất trong 16 năm triển khai dự án. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Được giao quản lý 255ha đất lâm nghiệp, trong đó có gần 190ha đất có rừng, sau 16 năm triển khai dự án ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Tú đã để mất hơn 88ha rừng với trữ lượng gỗ thiệt hại hơn 5.700m3.

Đáng chú ý, đây là dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng chè chất lượng cao, trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị này hầu như không triển khai các hạng mục của dự án, đa số diện tích rừng bị mất đã trở thành vườn trồng càphê.

Phát hiện mất rừng

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 3/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Tú thuê đất để triển khai Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng chè chất lượng cao, trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt.

Dự án này được triển khai trên đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 445 thuộc xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm với quy mô 254,9ha; trong đó có 189,95ha đất có rừng (chủ yếu là cây thông 2 lá và 3 lá) và 64,95ha đất lâm nghiệp không có rừng, có biên bản bàn giao mốc giới và tài nguyên rừng.

Công ty này có nhiệm vụ làm giàu rừng và trồng các loại cây muồng, sưa, mắc ca; đồng thời, xây dựng các công trình như văn phòng, nhà ở công nhân, nhà kho, chuồng trại, trại thực nghiệm, vườn ươm, hồ chứa nước hơn 3,5ha.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, từ khi được bàn giao đất triển khai dự án đến năm 2019, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Tú không thực hiện đúng các nội dung theo dự án được cấp như xây dựng trại thực nghiệm, vườn ươm, trồng chè chất lượng cao, trồng cỏ chăn nuôi bò thịt. Công ty lại trồng các loại cây nông nghiệp không có trong dự án như bơ, dâu tằm.

Trong giai đoạn này, Công ty Minh Tú để xảy ra 7 vụ phá rừng trái pháp luật làm thiệt hại 2,07ha với trữ lượng lâm sản bị thiệt hại là 77,379m3. Các vụ phá rừng xảy ra trên lâm phần do công ty triển khai dự án đều theo hình thức ken gốc thông đổ hóa chất để chiếm đất và không xác định được đối tượng vi phạm.

Hình thức chiếm rừng chủ yếu do ken gốc, khoan lỗ đổ hóa chất khiến thông chết dần. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)








Hình thức chiếm rừng chủ yếu do ken gốc, khoan lỗ đổ hóa chất khiến thông chết dần. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Trong các vụ phá rừng, nổi lên vụ đầu độc 85 cây thông 3 lá được Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm phát hiện vào ngày 13/9/2019.

Ngoài các vụ phá rừng, trong thời gian này, Công ty Minh Tú cũng để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án như trồng các loại cây nông nghiệp càphê, dâu tằm, bơ dưới tán rừng thông vi phạm các quy định thực hiện dự án.

Trong quá trình thực hiện các giải pháp lâm sinh làm giàu rừng, công ty này còn sử dụng máy móc cơ giới đào đất xử lý thực bì dưới tán rừng với diện tích 85,3ha làm đứt rễ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của rừng thông.

Công ty Minh Tú đã trồng càphê xen mắc ca dưới tán rừng thông là 44,01ha; diện tích trồng thuần càphê dưới tán rừng thông là 2,94ha, trồng thuần cây mắc ca dưới tán rừng thông là 2,07ha…

Trước tình hình phá rừng diễn ra phức tạp tại dự án của Công ty Minh Tú, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 111/KL-TTr ngày 16/7/2020.

Kết luận này đã chỉ ra các sai phạm liên quan trong quá trình thực hiện Dự án. Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm, Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban Nhân dân xã Lộc Ngãi hướng dẫn Công ty Minh Tú thuê đơn vị có chức năng kiểm kê tài nguyên rừng; tham gia thẩm định kết quả kiểm kê tài nguyên rừng.

Đồng thời, công ty tham gia kiểm tra, làm rõ diện tích rừng bị mất, khối lượng lâm sản bị thiệt hại và các thời điểm để xảy ra mất rừng tại dự án của công ty.

Mất rừng năm sau cao hơn năm trước

Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dự án này ngày càng để mất rừng nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, thời gian qua, tình trạng phá rừng, thực hiện sai các quy định của pháp luật tại Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng chè chất lượng cao, trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt của Công ty Minh Tú diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, trong tháng 5/2022, Hạt Kiểm lâm huyện và các cơ quan liên quan đã phát hiện tại Tiểu khu 445 thuộc dự án của Công ty Minh Tú có 16 vị trí với 232 cây thông 3 lá bị chết đứng với khối lượng lâm sản ước tính trên 149m3 gỗ; 31 cây thông bị cưa hạ với khối lượng lâm sản 7,5m3. Vụ việc này đã được Hạt chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện Bảo Lâm tổ chức khám nghiệm hiện trường và thu thập các mẫu vật liên quan trưng cầu giám định pháp y để điều tra, làm rõ vụ việc hủy hoại rừng.

Gần đây nhất, vào ngày 29/5/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn bản số 1174/SNN-KL tới Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Văn bản có nội dung qua rà soát theo số liệu mới nhất, sau gần 16 năm thực hiện dự án đến hiện tại, tổng diện tích rừng bị mất là 88,62ha, với trữ lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 5.705m3; trong đó, có 4,26 rừng bị mất đã được xử lý và 84,36ha rừng bị mất chưa được xử lý.

Càphê trồng xen dưới tán rừng khiến diện tích rừng bị mất nhiều hơn. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Càphê trồng xen dưới tán rừng khiến diện tích rừng bị mất nhiều hơn. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Từ kết quả này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã đề nghị Sở Tài chính Lâm Đồng xác định thiệt hại diện tích 84,36ha rừng để xử lý theo quy định.

Theo văn bản này, kể từ tháng 5/2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã 8 lần đôn đốc Công ty Minh Tú hoàn thiện và nộp hồ sơ kiểm kê rừng theo Kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Minh Tú vẫn chưa thực hiện.

Để làm rõ những vấn đề liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét giao Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm thuê đơn vị tư vấn để tổ chức điều tra, kiểm kê rừng và đánh giá biến động tài nguyên rừng tại dự án của Công ty Minh Tú để thẩm định làm cơ sở yêu cầu doanh nghiệp bồi thường tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Công ty Minh Tú đã có báo cáo không thống nhất với số liệu diện tích rừng bị mất do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh rà soát, cung cấp; đồng thời kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, xác minh các nội dung liên quan.

Chuyển đổi trái phép

Ngày 12/6, phóng viên đã tới địa bàn triển khai dự án của Công ty Minh Tú. Tại đây, dễ dàng nhận thấy hầu hết diện tích rừng được giao cho dự án này đều phủ kín các loại cây nông nghiệp là càphê và mắc ca. Những diện tích còn rừng chủ yếu là thông 3 lá hầu hết cũng được trồng xen cây cà phê dưới tán rừng.

Nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực còn rừng đang tiếp tục xuất hiện tình trạng hàng loạt cây thông bị chết đứng, bên dưới đang trồng xen cây càphê.

Ngoài ra, có khoảng 5ha đã bị san ủi, đào múc nham nhở, bước đầu được cơ quan chức năng xác định là đất nông nghiệp do Công ty Minh Tú mua thêm của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, cho biết liên quan những sai phạm, vi phạm đặc biệt là trước tình trạng phá rừng, để mất rừng xảy ra tại dự án của Công ty Minh Tú, Hạt đã báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm xem xét kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành liên quan yêu cầu công ty này khẩn trương kiểm kê rừng, buộc Công ty Minh Tú bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng để mất; đồng thời, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã giao cho công ty để giao lại cho chủ rừng Nhà nước quản lý theo quy định.

Về vụ việc này, ngày 31/10/2019, Công ty Minh Tú có Báo cáo số 28/BC-CTMT gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, phản ánh kết quả rà soát diện tích rừng bị mất của các cơ quan chức năng tỉnh là không đúng, không khách quan...

Ngày 11/8/2023, Công ty Minh Tú có Báo cáo số 38/BC-CTMT với nội dung không thống nhất số liệu mất rừng do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cung cấp.

Đại diện Công ty kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sử dụng kết quả giải đoán ảnh vệ tinh, do công ty hợp đồng với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu viễn thám-Cục Viễn thám Quốc gia thực hiện để xác định diện tích rừng bị mất.

Ngày 29/11/2023, Công ty Minh Tú tiếp tục có văn bản số 19/VB-CTMT về việc đề nghị công nhận kết quả giải đoán hình ảnh vệ tinh trên làm căn cứ pháp lý để xác định diện tích, thời điểm rừng bị mất, làm cơ sở để xử lý vụ việc.

Tuy nhiên, ngày 7/6/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 4600/UBND-LN xử lý kiến nghị của Công ty Minh Tú liên quan đến mất rừng trong quá trình thực hiện dự án tại huyện Bảo Lâm.

Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến không chấp nhận hồ sơ giải đoán hình ảnh vệ tinh của công ty làm căn cứ xác định diện tích, thời điểm mất rừng.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định kể từ ngày ban hành văn bản này trở về sau sẽ không xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Minh Tú liên quan đến hồ sơ kết quả giải đoán hình ảnh vệ tinh.

Cũng tại văn bản này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành lâm nghiệp tổ chức điều tra, kiểm kê rừng, đánh giá biến động tài nguyên rừng tại dự án do Công ty Minh Tú làm chủ đầu tư.

Thời điểm điều tra kể từ khi đơn vị này nhận bàn giao tài nguyên rừng (năm 2008) đến nay. Kết quả đó sẽ được sử dụng để làm cơ sở yêu cầu Công ty Minh Tú thực hiện bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng bị mất tại dự án theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.