Làm báo ở chiến trường Khu 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sau sự kiện “Mùa hè đỏ lửa năm 1972”, để kịp thời phản ánh tình hình chiến sự ở các chiến trường, theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 149 sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã được tuyển chọn để tăng cường cho lực lượng báo chí ở các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Nhà báo Sỹ Huynh-nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Gia Lai là một trong những phóng viên có thời gian tác nghiệp ở chiến trường Khu 5 lúc ấy.

Nhà báo-chiến sĩ

Nhà báo Sỹ Huynh kể: Mùa hè năm 1972, ông vừa tốt nghiệp lớp Sinh học khóa 16 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì lọt vào lớp dự tuyển. Lực lượng phóng viên trúng tuyển ấy được gọi bằng mật danh là “GP10”. Trong số 149 phóng viên trúng tuyển, có 108 người đi chiến trường B (miền Nam).

“Được coi như binh chủng đặc biệt, hành trang lên đường của chúng tôi được tổ chức chăm lo khá chu đáo. Tại F905 (mật danh của căn cứ huấn luyện ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), chúng tôi vừa học chính trị, nghiệp vụ, vừa huấn luyện quân sự, tập leo núi, hành quân đường dài… Sau 8 tháng học tập, rèn luyện miệt mài, đoàn lên xe vào Quảng Bình rồi theo đường 12A hành quân qua Lào. Tới đây, tôi được phân công về Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ. Chị Võ Mai Nhung (sau này là Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay) xuống Quảng Ngãi đón tôi lên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Căn cứ Khu ủy bấy giờ đóng ở Trà My (Quảng Nam) giữa những cánh rừng già bạt ngàn. Ban Tuyên huấn gồm nhiều ban như: Văn nghệ, Tuyên truyền…, riêng bộ phận Thông tấn xã có khoảng 80 người gồm cả anh chị em làm công tác kỹ thuật do ông Vũ Đảo phụ trách. Thấy tôi sức khỏe không được tốt, năm đầu, các anh cho “ở nhà”, nghĩa là đảm nhận việc chụp ảnh, đưa tin về những sự việc diễn ra trong căn cứ; sang năm thứ 2 mới chính thức đi cơ sở”-ông Sỹ Huynh hồi nhớ.

Làm báo ở chiến trường Khu 5 ảnh 1

Tổ phóng viên ảnh lớp GP10 Thông tấn xã Việt Nam chi viện cho chiến trường B (ảnh tư liệu).

Sau một đỗi trầm ngâm, nhà báo Sỹ Huynh kể tiếp: Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chiến trường Khu 5 nhìn chung đã bớt ác liệt nhưng những vùng tranh chấp giữa ta và địch, những vùng “da báo” vẫn rất căng thẳng. Mỗi chuyến đi cơ sở cũng đồng nghĩa là một chuyến ra tuyến trước. Địa phương tôi đi nhiều nhất là Quảng Ngãi. Từ Trà My theo người dẫn đường, đến căn cứ Tỉnh ủy tìm hiểu tình hình rồi về cơ sở. Trên đường đi, mọi sự ăn uống, sinh hoạt đều phải “tự biên tự diễn”: Cơm nấu trong ăng gô ăn với chút mắm muối mang theo. Nếu có thời gian thì kiếm thêm ít rau rừng, ốc suối. Đến cơ sở, việc khai thác thông tin chủ yếu dựa vào du kích. Với các vùng tranh chấp, việc khai thác thông tin, gặp gỡ nhân vật rất khó khăn và nguy hiểm. Đôi khi, ngày phải nằm hầm bí mật, chờ tối mới nhờ người dẫn đi. Có được tin, bài đã khó; chuyển tin, bài đi cũng lắm vất vả. Thường thì phải về huyện hoặc nhờ các đơn vị tuyến trước chuyển về căn cứ bằng máy vô tuyến. Từ căn cứ sau khi biên tập, bộ phận kỹ thuật sẽ chuyển ra Hà Nội để sử dụng. Riêng ảnh phải mang về căn cứ rồi gửi phim âm bản ra Hà Nội theo đường giao liên. Cũng nói thêm là việc sử dụng phim chụp ảnh được quy định rất chặt chẽ. Phóng viên không được dùng phim vào những việc mang tính chất cá nhân. Hàng trăm bức ảnh tôi chụp những năm tháng ấy, bây giờ đôi khi bắt gặp trên báo chí vẫn được ghi tác giả là “TTX Việt Nam”.

Những kỷ niệm không quên

Nhà báo Sỹ Huynh chia sẻ: Cuối năm 1973, tôi có chuyến đi về huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Hôm đó, nghe tin ở xã Phổ Châu đang chuẩn bị nổi dậy phá ấp chiến lược Châu Me, tôi liền tìm gặp ông Hồng Vân-Bí thư Huyện ủy nắm tình hình. Ông Vân bảo: “Tối nay, tôi vào ấp vận động dân, anh đi với tôi”.

Đêm không trăng không sao, màn đêm đặc quánh tưởng có thể xắn thành từng miếng. Không khí trong ấp có vẻ căng thẳng. Ông Vân bò trước, tôi theo sau. Đến hàng rào cuối cùng bỗng dưng tôi lên cơn sốt. Khắp người vã mồ hôi, chân tay run lập cập. Ông Vân thấy vậy hỏi: “Anh sợ lắm à?”. Vừa bực mình vừa xấu hổ, tôi phân bua với ông rằng mình bất chợt nổi cơn sốt rét. Ông Vân ngẫm nghĩ một thoáng rồi đưa tôi vào lánh ở một gia đình cơ sở. Lúc lâu sau, ông quay ra tìm tôi bảo: “Mọi việc xong rồi, ngày mai, bà con sẽ nổi dậy phá ấp”.

Đúng như lời ông, hôm sau, bà con đồng loạt nổi dậy, khí thế sôi sục khiến địch không dám phản ứng. Tuy nhiên, trong lúc phá rào đã có một người chết do vướng phải lựu đạn gài của địch. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một cuộc nổi dậy phá ấp chiến lược ngay giữa ban ngày. Những hình ảnh sống động đó tôi đã kịp ghi lại và chuyển ra Hà Nội cho Thông tấn xã Việt Nam.

Làm báo ở chiến trường Khu 5 ảnh 2

Nhà báo Sỹ Huynh (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trên đường giao liên vào chiến trường Khu 5 (ảnh tư liệu).

Lại một lần khác, có thể nói đây là lần tôi cận kề với cái chết nhất. Hôm đó, tôi về xã Tịnh Thiện (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Tịnh Thiện bấy giờ bên này sông Diêm Điền là của ta, bên kia sông là của địch. Đồn chúng đóng sát bên bờ sông. Tôi muốn có bức ảnh chụp quang cảnh đồn địch nên nhờ một cậu du kích dẫn đi. Đợi lúc chiều chỉ còn le lói nắng, 2 anh em lò dò ra bờ sông. Tìm được nơi ẩn nấp và góc chụp thích hợp, vừa nâng máy lên thì thốt nhiên tôi bị cánh tay rắn như thép của cậu du kích ấn sấp xuống đất. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã nghe hàng loạt đạn găm chiu chíu quanh mình. Thì ra, bọn địch trong đồn đã phát hiện ra tôi và cậu du kích. Đợi chúng dứt loạt đạn, 2 anh em lăn mấy vòng rồi vùng chạy. Vừa rời khỏi, hàng loạt súng địch đã châu vào chỗ chúng tôi nấp. Nếu không có sự phản xạ nhanh nhạy của cậu du kích thì hôm đó chắc hẳn là tôi đã “bỏ mạng sa trường”. Thật tiếc là hôm đó đã quên không hỏi tên cậu ấy.

Đời nhà báo chiến trường ai cũng là chiến sĩ. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn được chứng kiến những sự kiện mang tính bước ngoặt của lịch sử. Với tôi, bước ngoặt lịch sử ấy là mùa xuân toàn thắng 1975 ở Tây Nguyên với cuộc tháo chạy tán loạn của quân địch trên đường số 7, mở đầu cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Năm 1975, sau cái Tết được tổ chức khá chu đáo, chúng tôi bước vào đợt học tập chính trị. Không hé lộ kế hoạch ta sẽ đánh lớn nhưng vấn đề quan trọng được chốt lại “trong năm sẽ giải quyết dứt điểm mục tiêu cách mạng dân tộc” khiến chúng tôi ai cũng đoán chắc sẽ có một bước ngoặt lịch sử quan trọng. Ai cũng thấy phấn khởi, nhẹ nhõm hơn lên với nhiệm vụ của mình.


Nhà báo Sỹ Huynh: “Làm báo ở chiến trường thì có biết bao điều đáng nhớ. Bao nhiêu ngôi làng bị cày ủi đến không còn ngọn cỏ tôi đã từng qua; bao nhiêu con người dũng cảm bám trụ quê hương chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời” tôi đã gặp, khó mà nhớ hết”.

Tại cơ quan Thông tấn xã, tất cả phóng viên đều được chia thành từng mũi tỏa về các tỉnh. Tôi và Phạm Đức Yên được phân công đi Phú Yên. Từ căn cứ Trà My, chúng tôi cứ theo giao liên đi bộ xuyên rừng, qua Kon Tum rồi tới Trạm Lập (huyện Kbang). Từ đây vượt đường 19 qua Kông Chro, xuống Củng Sơn rồi tìm về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên. Cuộc hành quân ròng rã gần 1 tháng trời. Vừa tới nơi thì được tin quân ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột, địch đang tháo chạy tán loạn trên đường 7 (quốc lộ 25 bây giờ).

Vậy là, tôi đi nhờ chiếc xe Jeep của bộ đội theo đường 7 ngược lên. Bấy giờ, bị quân ta liên tục chặn đánh, địch đã hoàn toàn tan rã. Trước mắt tôi là một cảnh tượng kinh hoàng chưa từng thấy: Mặt đất ngổn ngang những xác xe cháy, súng ống, mũ sắt và xác người. Bên bìa rừng từng đám lính địch túm tụm, vẻ mặt phờ phạc thất thần. Vừa bấm xong mấy kiểu ảnh, tôi chợt để ý đến một đám khoảng chục người đang nằm lả dưới một tán cây rừng. Trong số họ có một người đàn ông không rõ dân hay lính vì anh ta chỉ mặc độc chiếc quần đùi, tay ẵm đứng một đứa bé chừng 2 tuổi. Đứa bé đói lả, gục trên vai anh khóc không thành tiếng. Thấy tôi khoác trên vai chiếc ruột tượng đựng gạo, mắt anh ta sáng lên nhìn chằm chặp vẻ cầu xin. Ngần ngừ một thoáng, tôi cởi túi gạo đưa cho anh. Gần như giật lấy, anh vốc ra một nắm bỏ vào miệng nhai trệu trạo rồi mớm cho đứa bé. Thấy cảnh ấy, tôi không thể cầm lòng.

“Đã có bao nhà báo ngã xuống oanh liệt trên chiến trường. Riêng lớp Sinh học khóa tôi, 12 người trúng tuyến lớp GP10 đã có 2 người hy sinh. Tuy cũng từng đối diện với bao gian khổ, hiểm nguy nhưng so với thế hệ đi trước, so với những đồng nghiệp đã ngã xuống thì mình là người quá ư hạnh phúc”-nhà báo Sỹ Huynh kết thúc câu chuyện với vẻ trầm tư. Ly cà phê pha từ sáng, ông vẫn chưa đụng đến.

Có thể bạn quan tâm

Muôn nẻo tình thầy

Muôn nẻo tình thầy

Khi những ngày cuối của năm học 2022-2023 sắp kết thúc, hai câu chuyện ở hai vùng miền đất nước (Hà Giang, Kon Tum) đã khiến biết bao người rưng rưng và càng thêm khâm phục, chia sẻ những gian khó, hiểm nguy và cả tấm lòng, sự tận tâm, tận tụy, đức hy sinh của những người giáo viên nơi vùng khó.
Những người hồi sinh “vùng đất chết” - Kỳ 3: Phên giậu Tổ quốc không rào mà vững

Những người hồi sinh “vùng đất chết” - Kỳ 3: Phên giậu Tổ quốc không rào mà vững

Với phương châm “Vườn cây đến đâu tổ chức các cụm dân cư đến đó”, các cụm dân cư được tổ chức gắn với các khu sản xuất tập trung của các công ty, đội sản xuất, tạo thành một lực lượng lao động vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, trở thành dải gắn kết liên hoàn kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh (QP-AN), tạo nên phên giậu vững chãi nơi vùng biên cương Tổ quốc.
20 năm làng tái định cư đìu hiu, làng cũ vẫn nhộn nhịp

20 năm làng tái định cư đìu hiu, làng cũ vẫn nhộn nhịp

(GLO)- Năm 1999, mấy chục hộ dân làng Kuái chuyển về khu tái định cư cách trụ sở xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) độ chục bước chân với mong ước cuộc sống sẽ khởi sắc. Vậy mà, hơn 20 năm sau, làng cũ vẫn nhộn nhịp, đông vui; trong khi ở làng mới, cảnh vật đìu hiu, cửa nhà im ỉm, người vắng hoe, chỉ có tiếng gió xào xạc.
Những người hồi sinh “vùng đất chết” - Kỳ 2: Giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người dân

Những người hồi sinh “vùng đất chết” - Kỳ 2: Giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người dân

Những năm tháng chiến tranh, đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên một lòng theo cách mạng, che chở, giúp đỡ cho bộ đội. Hòa bình lập lại, đồng bào DTTS vẫn còn nghèo, nhận thức còn hạn chế, nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ, phương thức sản xuất chủ yếu theo tập quán lâu đời nên hiệu quả mang lại chưa cao. Xuất phát từ thực trạng đó, Binh đoàn 15 được Quân ủy Trung ương giao trọng trách mới: giúp nhân dân địa phương sớm ổn định cuộc sống.
Những người hồi sinh vùng đất chết - Kỳ 1: Bản trường ca mới

Những người hồi sinh vùng đất chết - Kỳ 1: Bản trường ca mới

Được thành lập từ năm 1985, Binh đoàn 15 được Đảng, Quân đội giao trọng trách xây dựng và phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Gần 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã biến những vùng đất hoang hóa, đồi trọc từ sự hủy diệt của bom na pan, chất độc hóa học đế quốc Mỹ rải xuống thời chiến tranh thành những dải rừng cao su, cà phê bạt ngàn; những cánh đồng lúa nước cùng các cơ sở chế biến công nghiệp, điện, đường, trường, trạm trên vùng đất Tây Nguyên lộng gió.
Ngư phủ hồ Sê San làm du lịch

Ngư phủ hồ Sê San làm du lịch

Hơn 10 năm về trước, hàng chục hộ dân miền sông nước Tây Nam bộ ngược đường tìm về mảnh đất Tây nguyên, rồi cắm sào dọc mép lòng hồ thủy điện Sê San (ở H.Ia H'Drai, Kon Tum) để mưu sinh.
Nhọc nhằn trẻ đường phố mưu sinh

Nhọc nhằn trẻ đường phố mưu sinh

Nhiều năm nay, trẻ em mưu sinh đường phố trên địa bàn TP Hồ Chí minh đã không là điều xa lạ gì nữa. Bên cạnh câu chuyện bát cơm manh áo, còn là không ít những cảnh tượng xót xa, nhức nhối. Trên các nẻo đường tấp nập và đêm khuya, những bóng bé nhỏ liêu xiêu, dật dờ đứng ngồi, lom khom, thấp thỏm... ngửa tay, giơ mũ xin tiền. Liệu có những đường dây chăn dắt, bắt các em phải trở thành những con rối bất đắc dĩ hay không?
Cửa tiệm của những nụ cười hạnh phúc

Cửa tiệm của những nụ cười hạnh phúc

Trong “Cửa tiệm hạnh phúc” ấy, những chị em không may khiếm khuyết một phần thân thể quây quần bên nhau, tự tay làm ra những sản phẩm tái chế để tạo thu nhập, trang trải cuộc sống và tìm cơ hội hòa nhập cộng đồng. “Cửa tiệm hạnh phúc” được duy trì với phương châm “cơ thể có thể bị khiếm khuyết nhưng nụ cười luôn tròn đầy”!
"Trồng người" giữa Trường Sa

"Trồng người" giữa Trường Sa

Ra Trường Sa những ngày giữa tháng 4 vừa qua, tôi đặc biệt ấn tượng với những người thầy lặng lẽ "trồng người" nơi đảo xa. Dù đang công tác, sinh sống ổn định tại đất liền, họ đã gác lại hạnh phúc riêng tư để ra với Trường Sa vì sự nghiệp chung là ươm mầm tri thức, gieo con chữ cho trẻ em sinh sống trên các điểm đảo...
Theo chân những người tìm mật ong rừng

Theo chân những người tìm mật ong rừng

(GLO)- Từ tháng 2 đến tháng 5, khi công việc đồng áng đã vãn, một số người dân ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) lại rủ nhau vào rừng tìm mật ong. Giọt mật vàng được những chú ong thợ cần mẫn gom góp tinh túy của núi rừng đã mang lại cho người dân khoản thu nhập khá.
Pagang kala, cọc dấu quyền năng sinh tồn

Pagang kala, cọc dấu quyền năng sinh tồn

Một tổ ong rừng mới được phát hiện. Alăng Lai, chàng trai Cơ Tu ở xã Jơ Ngây (Đông Giang) vớ lấy một nhánh cây gần đó, chẻ phần đầu, đặt thêm một đoạn cây khác nhỏ hơn theo hình chữ thập, rồi cắm thẳng xuống đất. Vị trí Alăng Lai đánh dấu này là gốc cây có đàn ong làm tổ nhằm thông báo với mọi người về… quyền sở hữu của mình, theo phong tục văn hóa Cơ Tu.
Mười năm hẹn với cây trà

Mười năm hẹn với cây trà

Mười năm trước, một người nông dân đã dẫn những nhà khoa học đi tìm cây trà hoa vàng Đà Lạt nơi những khu vực rừng sâu. Và hôm nay, những cây trà nhỏ xíu đang quay lại, bén rễ trên những mảnh vườn - rừng của người nông dân xứ núi.