Kỳ vọng cú bật đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong dự thảo kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT xác định, đòn bẩy tăng trưởng trong thời gian tới là đầu tư công. Theo bộ này, năm 2020, trong bối cảnh khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% có một phần quan trọng là nhờ giải ngân đầu tư công đạt trên 95%. Nhưng, dù nguồn vốn đã được bố trí thì đẩy mạnh đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân hàng năm trên 90% trong giai đoạn 2022-2025 như mục tiêu đề ra vẫn là nhiệm vụ không dễ dàng.

Trong 9 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Đặc biệt, phần vốn nước ngoài mới chỉ đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%). Cần lưu ý rằng, không như vốn trong nước, phần vốn này dù sử dụng được hay chưa thì gánh nặng lãi vay cũng như các chi phí khác, phía Việt Nam vẫn phải chịu. Theo thống kê, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương đến hết tháng 9 mới chỉ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương giao từ đầu năm 2021, thậm chí có đơn vị vẫn chưa giải ngân đồng nào. Có 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương “xin trả” kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 với tổng số vốn gần 22.000 tỷ đồng, trong khi 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn là gần 1.644 tỷ đồng. Nghĩa là, số “xin trả” nhiều gấp hơn 13 lần số xin bổ sung.  

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Ngoại trừ một yếu tố bất định, khó lường là dịch Covid-19, nguyên nhân không thể không nhắc đến là vướng mắc liên quan đến các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, Chính phủ đang hoàn thiện, chuẩn bị trình Quốc hội sớm thông qua dự án “1 luật sửa 10 luật”. Theo đó, Luật Đầu tư công sẽ được sửa đổi theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài… Bộ KH-ĐT sẽ không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án nhóm B và nhóm C trong trường hợp phân quyền như đề xuất nêu trên nhằm giúp rút ngắn đáng kể thủ tục và thời gian thẩm định, bố trí vốn, phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, 9 đạo luật khác có liên quan cũng sẽ được điều chỉnh, góp phần gỡ vướng cho các dự án đầu tư công (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự).

Tuy nhiên, khung khổ pháp lý thuận lợi, thông thoáng mới chỉ là điều kiện cần. Còn rất nhiều giải pháp khác phải được triển khai đồng thời, như: thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư; kiên quyết cắt bỏ dự án không thực sự cần thiết; điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án quan trọng, cấp bách có khả năng giải ngân nhanh; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…

Với những nỗ lực đồng bộ cả lập pháp và hành pháp, bất chấp những khó khăn rất lớn của năm 2021, vẫn có cơ sở để hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn nhiều trong quý 4-2021. Điều này từng được thực hiện quyết liệt khi tính tới 30-9-2020, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 56,33%, nhưng cuối năm, tỷ lệ này lên tới 95%.

Theo ANH THƯ (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Vụ việc khách du lịch nghỉ tại một khách sạn ở Cửa Lò (Nghệ An) bị yêu cầu bồi thường 4,8 triệu đồng vì bất cẩn khi hút thuốc lá làm cháy nệm và ga trải giường của khách sạn cách đây ít ngày, được đăng tải trên mạng xã hội, đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Bộ phim Lời nguyền dưới ánh trăng của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đang thu hút sự chú ý đặc biệt, không hẳn vì đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên tại VN được tạo hoàn toàn từ AI mà còn bởi kinh phí khiêm tốn: chỉ hơn một chỉ vàng và thực hiện vỏn vẹn trong 72 giờ.

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

(GLO)- Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, chỉ còn vài ngày nữa, đất nước ta chính thức bước vào cuộc chuyển mình vĩ đại nhất kể từ ngày thống nhất non sông. Sự thay đổi về mô hình chính quyền địa phương lần này sẽ đem lại diện mạo hành chính mới, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

null