Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Công an có mặt ở cả 3 vòng in sao đề thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Hướng dẫn được gửi tới các Sở GD-ĐT và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng.
 

Học sinh cả nước chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: QUANG PHÚC
Học sinh cả nước chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: QUANG PHÚC



Bộ GD-ĐT hướng dẫn chi tiết việc tổ chức các Hội đồng thi và đăng ký dự thi; việc in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi; coi thi; chấm thi, chấm kiểm tra và phúc khảo; xét công nhận tốt nghiệp; mã số Hội đồng thi, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD-ĐT thông tin cụ thể lịch công tác kỳ thi, lịch tổ chức thi chính thức. Theo đó, từ ngày 15 đến 30-6, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây cũng là khoảng thời gian các sở GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc được sở phân công nhận phiếu đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh vào Hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT.

Chậm nhất ngày 23-7, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ thông báo công khai những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi. Chậm nhất ngày 1-8, đơn vị đăng ký dự thi phải hoàn thành việc in và trả giấy báo dự thi cho thí sinh. Chiều ngày 8-8, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Thí sinh làm bài thi chính thức trong hai ngày 9-8 và 10-8.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được các Hội đồng thi công bố vào ngày 27-8. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ sẽ được các sở GD-ĐT thực hiện và hoàn thành chậm nhất vào 30-8, để chậm nhất ngày 4-9 cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, học bạ và các loại giấy chứng nhận khác cho thí sinh.

Những thí sinh có nguyện vọng phúc khảo bài thi có thể nộp đơn tại nơi đăng ký xét tuyển từ ngày 27-8. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 23-9.

Đáng chú ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có điểm mới trong công tác in sao đề thi là công an sẽ có mặt trong vòng 1 – vòng in sao đề thi. Những năm trước, lực lượng này chỉ ở vòng 2 - vòng bảo vệ trong và vòng 3 - vòng bảo vệ ngoài. Bộ GD-ĐT nêu rõ, khu vực in sao đề thi là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo 3 vòng độc lập tại khu vực in sao đề thi. Người không có trách nhiệm, tuyệt đối không được vào khu vực in sao đề thi. Trong khu vực in sao đề thi, không được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các loại điện thoại, trừ 1 điện thoại cố định có loa ngoài đặt tại vòng 2 được công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày; mọi cuộc liên lạc đều phải bật loa ngoài, phải ghi biên bản hoặc ghi âm. Những người làm việc trong khu vực in sao đề thi chỉ được hoạt động trong phạm vi không gian cho phép, theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, vòng 1 - Vòng in sao đề thi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chỉ gồm thành viên Ban in sao đề thi có tiếp xúc trực tiếp với đề thi và công an; là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi mở đề thi gốc và bắt đầu in sao đến khi thi xong môn cuối cùng; cửa sổ các phòng phải đóng kín và niêm phong; các khoảng trống thông ra bên ngoài phải bịt kín bằng vật liệu bền, chắc. Hằng ngày, những người ở vòng 1 tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng 2. Công an chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh an toàn vòng 1, phối hợp với các thành viên Ban in sao đề thi kiểm tra niêm phong đề thi gốc và bàn giao đề thi. Trưởng ban in sao đề thi cử 1 thành viên mở sổ theo dõi và cập nhật đầy đủ các hoạt động giao tiếp với vòng 2.

Vòng 2 - Vòng bảo vệ trong, chỉ gồm có 1 công an, 1 thanh tra của sở GD-ĐT và 1 cán bộ giám sát do Bộ GD-ĐT điều động; là khu vực khép kín, tiếp giáp với vòng 1, cách ly tuyệt đối với bên ngoài đến khi thi xong môn cuối cùng; là đầu mối giao tiếp giữa vòng 3 với vòng 1. Những người làm việc ở vòng 2 có nhiệm vụ tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ vòng 3 chuyển vào vòng 1; kiểm tra các đồ vật từ vòng 1 chuyển ra (bát đũa, đồ ăn, đồ uống,…). Thanh tra của sở GD-ĐT mở sổ theo dõi và cập nhật đầy đủ các hoạt động giao tiếp giữa vòng 2 với vòng 1, vòng 2 với vòng 3 và quá trình bàn giao đề thi cho Hội đồng thi để chuyển cho các điểm thi.

Vòng 3 - Vòng bảo vệ ngoài, tiếp giáp với vòng 2 gồm công an và nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ và là đầu mối giao tiếp giữa vòng 2 với bên ngoài; bảo đảm tối thiểu 2 người trực và phải trực liên tục 24 giờ/ngày.

Theo PHAN THẢO (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.