Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021): Cựu thủy quân Lê Hà và đoàn tàu không số 645

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 12-1976, ông Lê Hà-nguyên Thuyền trưởng Tàu không số 645 được trở về quê hương xã Phước Hải (huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai; nay là thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) theo chế độ phục viên, khép lại đời lính thủy sau 13 năm. Nhớ lại ký ức những ngày “hoa lửa” trên chiến trường sông biển, ông nói: “Nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh. Họ ngã xuống để Tổ quốc Việt Nam còn mãi. Tôi chỉ tiếc rằng, ngày ấy mình không được cống hiến nhiều hơn nữa cho cách mạng”.
Cuộc vượt biển sinh tử
10 năm trước, trong chuyến tìm tư liệu viết về 6 chiến sĩ Đoàn tàu không số làng chài Phước Hải nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi được gặp ông Lê Hà và bà Mười Riều (mẹ ruột của ông Lê Hà-PV). Bên ghế đá trước căn nhà đồng đội do Lữ đoàn 125 xây tặng, bà Mười Riều kể chuyện bán 23 cây vàng và đôi bông tai mua gỗ đóng thuyền cho con trai vượt biển. Còn ông Lê Hà kể về “những ngày hoa lửa” cùng đồng đội vượt biển trên con tàu gỗ bé như “lá tre”...
Theo dòng ký ức, ông Lê Hà kể: Ngày 12-4-1972, trên con tàu mang bí số 645, ông cùng 19 thủy thủ chở 70 tấn đạn cối cá nhân, 1 tấn thuốc nổ TNT cùng hàng hóa khác theo hải trình từ Hải Phòng đã tới vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cũng như 9 chuyến đi trước đó, cuộc vượt biển lần này của ông và đồng đội thực hiện với chiến thuật “đêm đi, ngày ngụy trang thành tàu đánh cá” để trinh sát nắm tình hình địch, bắt liên lạc với hậu phương, trong điều kiện “trên trời máy bay địch do thám trinh sát, dưới mặt biển tàu địch phục kích”. Phương tiện dẫn đường duy nhất của tàu 645 là chiếc la bàn từ dẫn. Việc xác định phương hướng, đường đi chủ yếu bằng mắt thường và kinh nghiệm.
 Má Mười Riều và con trai - Lê Hà
Ông Lê Hà và mẹ. Ảnh: Mai Thắng
Sau 11 ngày lênh đênh trên biển, tàu 645 tiến vào vùng biển Cà Mau. 14 giờ ngày 23-4-1972, tàu nhận được điện mật: “Đêm nay có thuyền đón ở mũi Cà Mau”. Tất cả thành viên đều mừng rỡ vì chuyến đi sắp thành. Nhưng đến 17 giờ, tàu nhận được điện “biển động”.
Quyết không để tàu rơi vào tay địch, thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu bình tĩnh chỉ huy các thủy thủ cho tàu tiến ra biển quốc tế, vòng tránh và ngụy trang làm “ngư dân đánh cá”.
Rạng sáng ngày 24-4-1972, khi xác định rõ tàu 645 là “tàu Bắc Việt giả dạng”, địch nổ súng bắn uy hiếp, làm thân tàu thủng lỗ chỗ. Trước tình thế đó, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu quyết định nổ súng chống trả quyết liệt. Các loại súng B40, B41, 12,8 ly của ta hướng nòng về phía tàu địch đồng loạt nhả đạn... 4 thủy thủ: San, Lân, Giang, Thẻ lần lượt trúng đạn và hy sinh.
Trúng một quả đạn pháo lớn, tàu 645 bị hư hại nặng. Biết rằng tàu không thể thoát, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đề nghị thuyền trưởng Lê Hà và anh em khoác áo phao nhảy xuống biển để thoát thân, còn anh xin ở lại, điểm hỏa bộc phá hủy tàu phi tang vũ khí, hàng hóa. Chiến sĩ Thẩm Hồng Lăng cũng xung phong ở lại cùng Nguyễn Văn Hiệu. Khi các thủy thủ đã xuống nước, Hiệu và Lăng nán lại thu thập tài liệu để hủy. Lúc 2 anh khoác áo phao định xuống cùng đồng đội, thì phát hiện một tình huống vô cùng nguy hiểm: tất cả thủy thủ đều bị thương và đang cố gắng cụm lại thành một khối, dìu nhau bơi ngay sát thân tàu.
“Nếu hủy tàu bây giờ thì tất cả sẽ hy sinh”. Nghĩ vậy, Hiệu cố gắng điều khiển tàu xa dần vị trí các thủy thủ. Anh nói với Lăng, nửa như ra lệnh, nửa như khẩn khoản: “Em còn trẻ, còn cống hiến được lâu. Anh đã có vợ con, em chưa có người yêu, Lăng nhảy xuống biển bơi cùng anh em đi”. Lăng vờ như không nghe thấy, cứ lúi húi ngồi đốt hủy tài liệu trên boong tàu. Hiệu quát to: “Đồng chí về báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và cho tôi gửi tới anh em lời chào chiến thắng”, rồi bất ngờ anh lao tới đẩy Lăng xuống biển. Hiệu bước về phía cột cờ nơi cao nhất của con tàu, chờ cho đồng đội bơi ra xa...
Ông Lê Hà (đứng giữa, hàng sau) trước ngày vượt biển ra Bắc.
Ông Lê Hà (đứng giữa, hàng sau) trước ngày vượt biển ra Bắc. Ảnh: Mai Thắng
Một tiếng nổ mạnh. Một quầng lửa đỏ cùng với cột sóng cao hàng chục mét dựng lên giữa biển. Trung úy Nguyễn Văn Hiệu đã hy sinh kiên cường như thế. Các thủy thủ sau khi nhảy xuống biển và bơi được một đoạn dài thì bị địch dùng trực thăng trinh sát điện tử SR71 và khu trục quây bắt. Thuyền trưởng Lê Hà và một số chiến sĩ bị chúng đem về Sài Gòn rồi nhốt tại khám Chí Hòa, người bị giam tại nhà tù Phú Quốc.
Sau hơn 1 năm giam cầm, thuyền trưởng Lê Hà cùng nhiều đồng đội khác bị “áp giải” ra Phú Quốc. Tại đây, ông được thả tự do. Đón con trai ngày trở về đoàn viên, bà Mười Riều ôm chặt vai áo con, nước mắt tràn mi. 5 đồng đội cùng ông trong chuyến vượt biển đầu tiên trên bến Lộc An có mặt khi đó cũng không giấu nổi sự nghẹn ngào.
Hoa giữa đời thường
Tiếp tục câu chuyện cuộc gặp từ 10 năm trước, khi tôi hỏi: “Có người tung tin chú bị khai trừ Đảng và chỉ điểm cho địch, không rõ thực hư thế nào?”. Lặng lẽ nhìn ra khoảng trống trước vườn na trĩu quả, đôi mắt đượm buồn, ông Lê Hà bảo: “Chú bị địch bắt giam trong Khám Chí Hòa Sài Gòn, rồi đem ra Phú Quốc trao trả, đó cũng là thời gian bị thất lạc hồ sơ đảng viên. Sau năm 1975, chú trở về miền Nam hoạt động ở Trung ương Cục miền Nam. Tại đây, Trung ương Cục “chưa chấp nhận” chú là đảng viên”. Có đảng viên ở địa phương đề nghị tổ chức kết nạp Đảng cho ông, ông bảo: “Tôi có bị khai trừ đâu mà phải kết nạp Đảng lại”... Câu chuyện phải dừng lại vì lúc đó người em trai của ông bị bệnh tâm thần lên cơn co giật.
Để chứng minh cho sự trong sạch của mình, ông đã làm “kiểm điểm tự thực” báo cáo toàn bộ quá trình chiến đấu, đặc biệt là sau khi bị địch bắt, trong suốt thời gian giam cầm ở Khám Chí Hòa và ngày trao trả ở đảo Phú Quốc. Đồng thời, ông trở ra đơn vị cũ (Lữ đoàn 125 đóng quân ở Hải Phòng thời đó-PV) để xin chứng nhận sinh hoạt Đảng tạm thời. Sau khi có giấy “sinh hoạt Đảng tạm thời” của đơn vị, ông được cử giữ chức Bí thư Chi bộ của các chiến sĩ đã từng bị địch bắt tù từ miền Bắc trở vào miền Nam hoạt động.
Các chiến sĩ Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Đoàn tàu không số
Các chiến sĩ Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Đoàn tàu không số. Ảnh: Mai Thắng
Ông Nguyễn Viết Chức-nguyên chiến sĩ Đoàn tàu không số đã từng công tác với ông Hà-khẳng định: “Khi bác Hà về địa phương, có nhiều tin đồn. Nhưng đó là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Chiến tranh loạn lạc, chuyện thất lạc giấy tờ là bình thường”.
Thời gian trôi nhanh. Cuộc sống của một ngư dân bận rộn mưu sinh không làm người cựu chiến binh vơi dịu ký ức về những ngày cùng đồng đội chiến đấu trong những chuyến vượt biển sinh tử. Một ngày tháng 10-1995, ông Lê Hà nhận được “quyết định phục hồi đảng viên” của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, sau hơn 20 năm mang tiếng “hàm oan bị khai trừ Đảng”.
Được phục hồi đảng viên, ông Lê Hà bước sang trang mới của cuộc đời “sau ngày binh ngũ”. Trong lấp lánh niềm vui, trái tim ông sống dậy những ngày cùng đồng đội chiến đấu trên tàu 645. Những cuộc “vượt biển bằng máu” ùa về khiến ông xúc động. Ông được nhiều trường học ở địa phương mời đi nói chuyện cho học sinh về “6 chiến sĩ đoàn tàu không số ở làng chài Phước Hải vượt biển ra Bắc năm 1962”; những câu chuyện chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng của thủy thủ hải quân trong chuyến vượt biển cuối cùng trên tàu 645...
82 tuổi đời, 58 tuổi Đảng, ông Lê Hà là người duy nhất còn sống trong 6 chiến sĩ Đoàn tàu không số bến Phước Hải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày ấy và bây giờ. Hiện ông vẫn tham gia nhiều hoạt động xã hội của khu phố Hải An. Thanh niên làng chài Phước Hải được ông truyền đạt lý sống đẹp của tuổi trẻ thời lặng im tiếng súng, từ đó càng thêm trân trọng, biết ơn và nối tiếp truyền thống của thế hệ cha anh. Hàng trăm câu chuyện chiến đấu, hàng chục buổi trò chuyện với học sinh, thanh niên, dân quân, chiến binh trong xã, là ngần ấy lần ông truyền đi hình ảnh về bản lĩnh cao đẹp, trí tuệ kiên cường, dũng khí kiên trung, tận trung với Đảng của thế hệ Bộ đội Cụ Hồ.
MAI THẮNG

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...