(GLO)- Tích cực vận động người dân tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chăn nuôi có chuồng trại là những việc làm thiết thực được ông Ksor Hrênh (làng Tốt, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) thường xuyên thực hiện nhằm gìn giữ vệ sinh môi trường.
Vận động làm chuồng trại chăn nuôi
Chia sẻ về việc thay đổi nhận thức của dân làng trong chăn nuôi, ông Hrênh cho biết: Làng Tốt có 102 hộ thì có 80% hộ chăn nuôi bò với gần 200 con; 20% còn lại chăn nuôi heo và gà. Trước đây, người dân trong làng thường có thói quen nuôi thả rông dẫn đến gia súc phá hoại rau màu và phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, gần chục năm nay, ông thường xuyên vận động người dân làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. “Để dân làng nghe theo, gia đình tôi đã tự làm chuồng cho đàn bò trước rồi mới vận động bà con làm theo. Khi hiểu được chăn nuôi thả rông không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hoa màu mà còn phung phí nguồn phân bón, các hộ dân đều lần lượt bắt tay làm chuồng”-ông Hrênh vui vẻ nói.
Ông Ksor Hrênh (giữa) chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động với cán bộ thôn, làng khác. Ảnh: N.H |
Ông Rơ Châm Rít-một người dân làng Tốt-chia sẻ: Trước đây, gia đình ông cũng không làm chuồng mà cột bò xung quanh gốc cây. Sau khi được ông Hrênh vận động, ông Rít đã bán bớt 2 con trong số 12 con bò để có tiền làm chuồng. Tiếp đó, ông huy động anh em họ hàng góp công xây dựng chuồng bò chắc chắn gồm mái che bằng tôn, hàng rào chuồng làm bằng lưới B40, nền chuồng được tráng xi măng. “Từ khi làm chuồng tới nay, lượng phân bò được gom lại trong chuồng khá nhiều nên gia đình có dư phân để bón cho lúa, cà phê. Sân vườn cũng không còn bị ô nhiễm vì bò phóng uế bừa bãi nữa”-ông Rít cho biết.
Còn với ông Rơ Châm Nhút thì việc làm chuồng trại là rất cần thiết để bảo vệ đàn bò 20 con. Ông Nhút kể: “Gia đình mình có thâm niên chăn nuôi gần 20 năm nay. Trước đó, nhà mình không có chuồng nên đàn bò phải núp dưới gầm nhà hoặc các gốc cây rồi phóng uế bừa bãi. Cách đây khoảng 8 năm, mình làm chuồng nuôi nhốt kỹ càng hơn nên việc chăm sóc cũng thuận tiện và đàn bò ít bị đau ốm. Ngoài ra, việc nuôi nhốt không những giảm đi tình trạng ô nhiễm mà gia đình còn thu gom được số lượng phân bò đủ để chăm sóc vườn cây”.
Tích cực gìn giữ vệ sinh môi trường
Bên cạnh đó, ông Hrênh còn vận động người dân thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm góp phần gìn giữ vệ sinh môi trường. “Đối với những hộ được vay vốn theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, tôi vận động họ sử dụng nguồn vốn xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Đối với những hộ dân không được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tôi vận động họ tích góp tiền bán cà phê, heo, bò để làm nhà tiêu. Đến nay, 100% hộ dân đều đã có nhà tiêu hợp vệ sinh”-ông Hrênh cho hay.
Ông Rơ Châm Eng bày tỏ: Trước đây, vì kinh tế khó khăn nên gia đình ông không có điều kiện để xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Đầu năm nay, nhờ được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng, ông bỏ thêm 5 triệu đồng để xây dựng 2 công trình này. Đặc biệt, khi triển khai, gia đình ông được họ hàng và bà con lối xóm giúp đỡ ngày công xây dựng nên chi phí giảm đáng kể.
Ngoài ra, ông Hrênh còn tham gia hòa giải, động viên người dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục, không vi phạm trật tự an toàn giao thông, gìn giữ 2 bộ cồng chiêng quý của làng và chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế. Đến nay, làng Tốt chỉ còn 7 hộ nghèo, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Trần Văn Vượng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Sao-nhận xét: Ông Hrênh có hơn 20 năm làm Trưởng thôn và Trưởng ban Công tác Mặt trận nên rất có uy tín với người dân làng Tốt. Ông là người góp công không nhỏ trong việc vận động bà con chăm chỉ làm ăn, tích cực tham gia dọn vệ sinh, xây nhà tiêu hợp vệ sinh và làm chuồng trại trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để giữ gìn vệ sinh. Vì vậy, ông Hrênh đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
NHẬT HÀO