Kon Plông: Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huyện Kon Plông đã triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng và Hre, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa hai DTTS trên địa bàn là Xơ Đăng và Hre giai đoạn 2021- 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kon Plông khóa XIX ban hành Nghị quyết số 02 -NQ/HU ngày 10/5/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Sau 3 năm triển khai đã đạt được những kết quả nhất định.

Thôn Kon Vơng Kia có 3 đội cồng chiêng, gồm 2 đội người lớn được thành lập các năm 2012, 2019 với 50 thành viên và 1 đội “nhí” (từ 9-16 tuổi) mới thành lập tháng 6/2023 với 33 thành viên.

Để hỗ trợ đội cồng chiêng "nhí" của thôn hoạt động, cuối năm 2023, huyện đã tặng một bộ cồng chiêng cho đội, kịp thời giải quyết được tình trạng thiếu nhạc cụ trong tập luyện.

Các nghệ nhân trong đội cồng chiêng người lớn của thôn cũng được hỗ trợ 30 bộ trang phục truyền thống của dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm). Các nghệ nhân được hỗ trợ kinh phí khi tham gia truyền dạy cồng chiêng, xoang cho đội “nhí”.

Nghệ nhân trẻ A Đruế- quản lý 3 đội cồng chiêng của thôn Kon Vơng Kia, vui mừng nói: Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của huyện đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm). Việc thành lập và duy trì các đội cồng chiêng, xoang đã thu hút ngày càng đông du khách tới tham quan, trải nghiệm tại thôn. Ngoài biểu diễn cho du khách, chúng tôi tham gia biểu diễn tại các địa điểm du lịch, homestay, khách sạn hay các sự kiện của địa phương, từ đó tăng thêm thu nhập.

Kon Plông.jpg
Nghệ nhân thôn Kon Vơng Kia biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: D.N

Theo UBND huyện Kon Plông, hiện 9/9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập được các đội cồng chiêng để bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại chỗ và phục vụ các hoạt động văn nghệ nhân các ngày lễ, các sự kiện tại địa phương.

Đến nay, 63/72 thôn có từ 1-3 đội cồng chiêng. Tiêu biểu như các xã Măng Cành, Pờ Ê, Đăk Tăng, Đăk Nên 100% thôn (làng) có đội cồng chiêng; xã Ngọc Tem 7/10 thôn, xã Hiếu 5/9 thôn, xã Măng Bút 7/10 thôn, xã Đăk Ring có 7/8 thôn, thị trấn Măng Đen có 4/6 thôn có đội cồng chiêng.

Qua rà soát, huyện có 513 bộ cồng chiêng tại 72/72 thôn làng; trong đó, cồng 71 bộ, cồng chiêng 179 bộ, chiêng 263 bộ (chủ yếu của hộ gia đình lưu giữ). Việc duy trì và sinh hoạt cồng chiêng tại các thôn (làng) được đảm bảo và phát huy hiệu quả. Đặc biệt vào các ngày lễ, tết hoặc các sự kiện của gia đình hoặc của địa phương, sinh hoạt cồng chiêng không thể thiếu và hiện hữu như linh hồn của các sự kiện.

Để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc, việc truyền dạy về kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Sau 3 năm, đã mở được 41 lớp cồng chiêng, xoang với 1.340 người tham gia.

2kt.jpg
Bản sắc văn hóa các dân tộc được huyện Kon Plông bảo tồn và phát triển. Ảnh: DN

Ngoài quan tâm phát triển các đội cồng chiêng ở thôn (làng), đến nay, đã có 10/11 trường THCS được trang bị 10 bộ cồng chiêng, thành lập câu lạc bộ cồng chiêng. Các trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chi bộ thôn và các già làng mở 10 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang (mỗi lớp từ 50 thành viên trở lên).

Công tác quản lý, tổ chức và phục dựng lễ hội dân gian truyền thống được quan tâm triển khai. Hàng năm, tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức các lễ hội tiêu biểu của 2 nhóm dân tộc Xơ Đăng và Hre, như Lễ nước giọt, Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng nhà rông mới, Lễ trỉa lúa.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thống kê, rà soát toàn bộ các di tích lịch sử, các điểm di tích, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tu bổ, đầu tư. Trước mắt ưu tiên các di tích lịch sử, thắng cảnh gắn với du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, như Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen, Di tích lịch sử căn cứ Huyện ủy H29 và Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Măng Bút. Dự kiến hết năm 2025, hoàn thành công trình nhà trưng bày các hiện vật với diện tích khoảng 250 m2, tổng mức đầu tư 5,34 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình MTQG.

Có thể thấy, nhờ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Theo Dương Nương (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm