Kiên trung giữ biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cầm sợi dây thừng vào tay, khảo sát vị trí thuận lợi, Trung tá Nguyễn Văn Lâm nhảy ùm xuống biển. Mất vài giây, anh chồm lên con sóng, từ từ bơi tiến về phía nhà giàn DK1/20 trong tiếng vỗ tay tán thưởng của anh em, đồng đội…
 
Đại biểu nhà báo, phóng viên leo thang dây lên Nhà giàn DK1/16. Ảnh: Trường Phong
Từ Trường Sa đến DK1
Đi cùng đoàn công tác trên tàu KN261 có 3 cán bộ ra nhận nhiệm vụ ở nhà giàn DK1. Do sóng to, gió lớn, nên các cán bộ trong hải trình phải đi cùng tàu suốt cả hành trình. Trong số này, Trung tá Nguyễn Văn Lâm ra nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/20. Phải tranh thủ lúc thời tiết dịu nhất, chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện với anh Lâm, vì nếu gặp đúng hôm biển động, thì cả người viết lẫn anh Lâm chắc sẽ không ngồi được chục phút. Anh Lâm, dù là lính biển nhiều năm, đợt này, do sóng to, gió lớn cũng cảm thấy nôn nao trong người. 
Trò chuyện mới biết, anh Lâm từng công tác vài “tăng” ở Trường Sa, từng qua 4 - 5 đảo ở Trường Sa… rồi chuyển công tác vào Vùng 2, đi công tác ở nhà giàn đến nay cũng đã 5 - 6 “tăng”. Anh bảo, ở Trường Sa đỡ vất vả hơn, có đất, có cây cối để khuây khỏa, chứ ở nhà giàn, chỉ có anh em, đồng đội và sóng gió nên cũng hơi buồn.
“Nhưng anh em sống chan hòa như một gia đình ấy. Mình là lãnh đạo, chỉ huy trưởng, coi anh em trên đó như anh em trong nhà”, anh Lâm nói. Anh kể, nhiều khi cũng không giận nhau được, vì đi đâu cũng giáp mặt nhau, lại 5 cùng nữa, tình thân, yêu mến còn không hết, nói gì đến giận nhau. 
 Trong suốt cuộc trò chuyện, anh Lâm cứ hỏi “xong chưa em” để ra ngoài boong câu cá. Có lẽ, đó là thú tiêu khiển duy nhất, mang lại tính cách điềm đạm cho anh em công tác ngoài nhà giàn. Dịp tháng 5/2019, trong lần công tác tại nhà giàn, phóng viên cũng được dịp nếm thử nước mắm do chính anh em Nhà giàn DK1 câu và tự ướp ủ.
Rồi, chính những người lính nhà giàn tăng gia trồng những giàn bí đao lúc lỉu những quả nặng vài kg, những cây chuối xanh mát, những giàn mùng tơi lá to như cái quạt, hay những chậu phong lan do Hiệp hội Hoa Đà Lạt tặng đang khoe sắc trên đảo. “Bây giờ đời sống anh em trên nhà giàn cũng khác xưa nhiều rồi, đỡ vất vả hơn”, anh Lâm nói. 
Từng kinh qua nhiều nhà giàn, đến nay, anh Lâm không thể quên được thời điểm khi công tác tại Nhà giàn DK1/7 ở bãi Huyền Trân, khi cơn bão Tembin quét qua. “Sóng cao bao trùm nhà giàn nhỏ. Nhà giàn to sóng chớm mép dưới. Bây giờ anh em ở nhà giàn khang trang rồi nên không sợ nữa, chứ trước đây cũng căng thẳng mỗi khi bão về”, anh Lâm nói.
Nói về việc đón Tết, anh Lâm bảo, bây giờ trên nhà giàn cũng đầy đủ, không khác gì ở đất liền. Thứ thiếu duy nhất có lẽ là quây quần bên người thân. Dịp Tết, đi công tác ngoài biển, anh Lâm cũng như các anh em khác nói chung đều nặng tâm sự, nỗi buồn khó giấu. Cuộc trò chuyện, anh Lâm ít nói đến chuyện gia đình. Chỉ biết, anh lập gia đình từ năm 2003, cưới xong 15 ngày anh lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Anh đi biền biệt, lúc về, con gái đã 2 tuổi. Nhưng anh bảo “nhiệm vụ là thực hiện, không khác được”.
“Chúng tôi xin hứa với nhân dân cả nước sẽ đón một Tết bình yên, tăng cường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn biển đảo quê hương, đảm bảo bình yên cho bà con ở đất liền ăn Tết, không để Tổ quốc bị bất ngờ”, anh nói. 
Tiếng hát át tiếng sóng
“Chị dạt sang bên này đi, bọn em đón”, tiếng cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/2 nói qua bộ đàm “trêu” nữ phóng viên báo Nhân dân đi cùng đoàn công tác. Do điều kiện sóng to, gió lớn, đoàn công tác chủ yếu phải chúc Tết anh em  trên nhà giàn qua bộ đàm.
Đại tá Đinh Văn Thắng, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đứng chúc Tết cũng phải vịn vào thành cabin để tránh những cơn sóng dữ. Anh em phóng viên, người ngồi, người dựa vào thành tàu cho khỏi lắc. Tiếng nói qua bộ đàm pha lẫn tiếng sóng.
 
Gói bánh chưng đón Tết trên nhà giàn DK1/16. Ảnh: Hữu Trà
Đoàn trên tàu KN261 đi chúc Tết 12 điểm, chỉ may mắn lên được một nhà giàn DK1/16, còn lại, đều chỉ chúc Tết qua giọng nói. Đại tá Thắng, lúc nào trong phần mở đầu chúc Tết cũng phải “giải thích” do sóng to, gió lớn, đoàn không lên được. Quả thật, cũng không ai ngờ được chuyến đi cuối năm lại vất vả đến thế. Đoàn công tác đã cố gắng hết sức, nhưng cũng chỉ lên được 1 nhà giàn.
Hôm về tổng kết, anh Thắng chia sẻ thật, nhiều đêm phải mất ăn, mất ngủ lo tính các phương án đưa người lên nhà giàn. Nói như Trung tá Nguyễn Văn Lâm, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/20, anh em trên nhà giàn có mấy người, đi ra đi vào chạm mặt nhau suốt, bao nhiêu câu chuyện ở nhà, ở quê, gia đình… kể vài ngày cũng hết, có còn điều gì mới lạ đâu. Thành ra, được nhìn thấy người từ đất liền ra thăm, thấy anh em, đồng đội, thấy chị em phóng viên ai cũng mừng, cũng muốn nhận những cái ôm, những cái bắt tay mang hơi ấm từ đất liền…
 Cũng bởi thấu hiểu mong muốn đó, từ Trưởng đoàn công tác, các phó đoàn, thuyền trưởng, thuyền phó tàu KN261 đều cố gắng hết sức đưa người lên nhà giàn. Có hôm, tàu vào sát nhà giàn DK1/20, đã chằng được dây chão vào cột khu đón hàng để thử khoảng cách và độ sóng, mà một lúc sau chão đứt. Sáng hôm sau cũng không thành công.
Có hôm, tàu hạ xuồng, vào khảo sát hướng tiếp cận nhà giàn DK1/7, nhưng anh Hợp bảo, nếu vào, cứ 10 người sẽ có 7 - 9 người bị hà cứa đứt tay đứt chân, đó là chưa kể đến nguy cơ lật xuồng vì sóng ngược hướng. Lãnh đạo đoàn, dù rất muốn đưa người lên, nhưng đành phải chấp nhận, vì nguyên tắc đảm bảo an toàn là số một. “Lãnh đạo Bộ Tư lệnh gọi điện ra ngoài này suốt. Ở trong nhà cũng sốt ruột vì chưa chuyến nào sóng gió to như đợt này”, Đại tá Đinh Văn Thắng chia sẻ. 
Trong khi 3 người khác thấm mệt vì sóng, có người không dậy nổi thì phóng viên Lưu Mai của Báo Nhân dân lại khá tỉnh táo và giọng hát rất hay. Lúc nào, chúc Tết xong, Đại tá Đinh Văn Thắng cũng giới thiệu có “món quà của phóng viên nữ” gửi anh em cán bộ, chiến sĩ. Lúc chị Mai hát xong bài dân ca “Bèo dạt mây trôi”, mấy cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/2 còn tếu táo “Chị cứ dạt sang đây, bọn em vớt”. Nhiều người cười, nhưng mắt đỏ lên vì xúc động.

Phía đầu dây bên kia, các cán bộ, chiến sĩ cũng tỏ rõ quyết tâm đón Tết vui tươi, phấn khởi, sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ chủ quyền đất nước. Chính trị viên Nhà giàn DK1/20 còn bắt nhịp anh em hát tặng lại đoàn công tác bài Lính nhà giàn đón Xuân: Giữa biển trời bao la/ Vượt trên ngọn phong ba/ Giữ biển đảo quê ta/ Cùng vang lên bài ca/ Giữ mùa xuân quê nhà”…

Trường Phong (TP)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null