Người miền Tây giữ biển Đông Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Mình làm bộ đội thì phải bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân giữ thanh danh cho quân đội, gia đình. Nghe đâu, cả tỉnh Sóc Trăng này có mỗi mình nó làm thuyền trưởng tàu hải quân".
Căn nhà của đại úy Vẹn, nhìn từ quốc lộ 91C. ẢNH: MAI THANH HẢI
Một ngày cuối năm 2004, ông Nguyễn Hoàng Nuol ở ấp 1, TT.Long Phú, H.Long Phú (Sóc Trăng) chạy sang nhà hàng xóm mừng rỡ: “Thằng nhỏ thi đỗ Học viện Hải quân rồi”, khiến ai cũng trầm trồ: “Vừa đi lính vừa tự ôn thi, giỏi quá trời”. “Thằng nhỏ” ấy giờ là đại úy Nguyễn Hoàng Vẹn, thuyền trưởng tàu 204, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
Ước mơ bộ đội
Vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Nuol (65 tuổi) và bà Trần Thị Bé (64 tuổi) sinh được 5 người con. Từ nhỏ vốn không biết chữ, nên ông bà dồn sức làm ruộng nuôi 5 đứa con học hết THPT. Tiếng là gia đình hiếu học nhất huyện, nhưng ông bà chỉ dám cho người con thứ 3 học Đại học Sư phạm TP.HCM, còn lại đi làm công nhân, bán vé số, chạy xe ôm tự kiếm sống và góp tiền nuôi người con đi học 4 năm.
Nguyễn Hoàng Vẹn sinh năm 1984, là con trai út. Từ bé cậu đã mơ vào bộ đội. Tốt nghiệp THPT năm 2003, dù học lực khá nhưng Vẹn đành gác ước mơ vào đại học, lên TP.HCM làm thuê kiếm sống... Cuối năm 2004, Vẹn về quê nộp đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Tháng 2.2005, cậu nhập ngũ ra Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đóng tít ngoài Phú Quốc. Gần 2 năm làm khẩu đội trưởng ĐKZ tại Tiểu đoàn Hải quân đánh bộ 563, giữa năm 2007 thấy Vẹn ham học hỏi và có chủ trương của Thủ tướng về việc phát triển con em miền Nam phục vụ lâu dài trong quân đội, hạ sĩ Nguyễn Hoàng Vẹn được tạo điều kiện đi thi Học viện Hải quân. Cuối năm 2007, Vẹn trúng tuyển hệ cao đẳng của học viện, chuyên ngành chỉ huy tàu mặt nước.
Ông Nuol kể: “Thằng nhỏ gọi điện báo thi đậu, tôi không tin. Hỏi ra mới biết trúng vào trường quân đội và nó bảo yên tâm vì nhà nước sẽ chu cấp hết” rồi trầm giọng: “Gần 5 năm thằng nhỏ đi lính và đi học, chưa lần nào được đến thăm con”.
3 năm (2007 - 2010) học tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), cứ dịp nghỉ tết, hè là cậu học viên Nguyễn Hoàng Vẹn ở lại tìm việc làm thêm. Hỏi, anh ngượng nghịu: “Đi về mấy chặng tàu xe, tốn cả triệu bạc”. Bà Bé thì kể lại: “Cứ mấy tháng, thằng nhỏ lại gửi bưu điện 1 - 2 triệu. Mãi sau gặng hỏi mới biết đó là tiết kiệm phụ cấp và tiền làm thêm những ngày nghỉ”.
Tháng 9.2010, thiếu úy Nguyễn Hoàng Vẹn tốt nghiệp, được phân công nhiệm vụ trưởng ngành hàng hải của tàu săn ngầm HQ-11 thuộc Lữ đoàn 171, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Năm 2013, Vùng 2 Hải quân thành lập một đơn vị tàu mới, Nguyễn Hoàng Vẹn được cử đi nhận và tham gia chỉ huy kíp tàu đầu tiên.
Thuyền trưởng Nguyễn Hoàng Vẹn và con trai Nguyễn Trọng Nhân trên tàu 204. ẢNH: MAI THANH HẢI
Người của biển

"Đơn vị khác trực chiến đấu ở Trường Sa, nhà giàn DK1 còn có đảo, nhà giàn gần bên. Thi thoảng ở đó còn có tàu vận tải, thay quân, tàu đi làm nhiệm vụ ngang qua để kéo còi chào nhau. Chỗ chúng em trực, mênh mông sóng nước và nhìn hải đồ, mới biết đâu là bên mình, đâu là phía bạn

Đại úy Nguyễn Hoàng Vẹn"


Hôm tôi xuống TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ghé qua đơn vị Nguyễn Hoàng Vẹn, ngạc nhiên khi thấy cậu con trai Nguyễn Trọng Nhân gần 3 tuổi đang tha thẩn chơi bên bố. Hỏi mới biết: mẹ Loan bán hàng thuê ở xa nhà cả chục cây số, nên dịp bố Vẹn không đi biển, cậu bé phải vào ăn ngủ sinh hoạt cùng bố và các chú bác trên tàu, đêm mẹ tan ca mới đón.
Cậu bé Nhân mặt mũi khôi ngô tuấn tú vậy nhưng chẳng may mắc bệnh u nang cơ quan sinh dục, năm trước phải điều trị ở bệnh viện mấy tháng trời và rút cục phải mổ, giờ vẫn chưa biết kết quả cuối cùng ra sao. Hồi Nhân mới 5 tháng tuổi, mẹ Loan đi làm xa, bố Vẹn đi trực bảo vệ chủ quyền ngoài biển cả tháng trời, không ai chăm sóc nên phải đưa về Sóc Trăng gửi bà nội và bác gái chăm sóc. Gần 1 năm trời, Nhân lúc lẵng nhẵng sau lưng bà đi làm thuê, lúc líu ríu trong vòng tay bác gái bán vé số khắp chợ Long Phú, ai nhìn cũng thương. Mãi lúc bập bẹ nói, cậu bé mới lên Vũng Tàu với bố mẹ.
Năm trước, biết cháu Nhân bị bệnh, bà Trần Thị Bé tất tưởi từ Sóc Trăng lên ở cùng chăm cháu. “Vợ chồng nó thuê cái phòng trọ 1,2 triệu đồng/tháng gần đơn vị, bé như cái chuồng gà dưới quê cậu à”, bà Bé kể và lẩn mẩn: “Hải quân vất vả lắm. Đi biển biền biệt cả tháng trời. Về thì mặt mũi đen sạm quắt queo. Chắc khổ cực lắm nhưng hỏi chỉ bảo: Bộ đội thế là chuyện thường”.
Đúng là đại úy Nguyễn Hoàng Vẹn không muốn cha mẹ phải lo lắng. Một trong những nhiệm vụ của đơn vị Vẹn là bảo vệ chủ quyền vùng biển VN ở phía bắc đường ranh giới thềm lục địa giữa VN và Indonesia. Khu vực này hoàn toàn không có sóng điện thoại di động. Mỗi chuyến ra trực của anh em kéo dài ít nhất 35 ngày.
“Đơn vị khác trực chiến đấu ở Trường Sa, nhà giàn DK1 còn có đảo, nhà giàn gần bên. Thi thoảng ở đó còn có tàu vận tải, thay quân, tàu đi làm nhiệm vụ ngang qua để kéo còi chào nhau. Chỗ chúng em trực, mênh mông sóng nước và nhìn hải đồ, mới biết đâu là bên mình, đâu là phía bạn”, đại úy Nguyễn Hoàng Vẹn kể. Những anh em trong đơn vị kể thêm: Trực trên biển vất vả nhất là mùa bão gió cuối năm. Các tàu phải cơ động vòng tránh sóng 24/24. Sóng to gió lớn nên các tàu ngư dân cũng ít ra đánh bắt.
Ông Nguyễn Hoàng Nuol và bà Trần Thị Bé trong căn nhà dột nát
Bờ sông vẫn gió
Ngày cuối tuần tôi từ TP.HCM xuống ấp 1, TT.Long Phú tìm về nhà Vẹn. Căn nhà vách tôn, mái lá dừa nước, nền đất thấp lè tè ngang mặt QL91C mới mở chạy dọc sông Hậu từ TP.Cần Thơ xuống cảng cá Trần Đề. Ông Nguyễn Hoàng Nuol lò dò đi lại trong căn nhà thông thống gió, gượng cười: “Tôi mổ tim, các con không cho làm việc nặng”. Bà Trần Thị Bé đang làm thuê cho quán cơm cổng bệnh viện tất tưởi chạy về nhà, mừng: “Bao năm mới có khách từ đơn vị về thăm”.
Căn nhà ông bà dựng từ năm 1997, sau cơn bão số 5 Linda. Hơn 20 năm nên kèo cột nhà, mối mọt ăn sạch trơn. Mái lá, cứ 2 năm phải lợp lại nhưng ngày mưa vẫn dột nước nên phải kéo thêm tấm ni lông che trên đỉnh giường. Trong nhà, đáng tiền nhất là chiếc tủ lạnh Sanyo 180 lít nên ông bà kê hẳn lên ghế, lót giẻ vào tay cầm cánh tủ. “Năm trước đi trực ngoài biển mấy tháng trời, em Vẹn dành dụm tiền biển về mua cho cha mẹ. Tiêu chuẩn sữa tươi dành cho bộ đội tàu, nó cũng không dám uống, gửi về quê”, ông bà khoe vậy với tôi, và cười hiền: “Cả nhà, từ giường tủ bàn ghế toàn đồ cụ nội để lại. Mình tuy nghèo nhưng con cái hiếu thảo, là quý rồi”.
Chia tay, cả ông Nuol, bà Bé cứ nắm tay tôi lắc: “Cậu gặp thằng nhỏ thì động viên nó và anh em. Mình làm bộ đội thì phải bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân giữ thanh danh cho quân đội, gia đình. Nghe đâu, cả tỉnh Sóc Trăng này có mỗi mình nó làm thuyền trưởng tàu hải quân”. Chắc chắn, tôi sẽ nói với Vẹn và những người lính biển lời nhắn nhủ ấy, dù họ đang ngoài thăm thẳm khơi xa và tôi tin là những người ở hậu phương sẽ dành những điều tốt đẹp nhất cho gia đình họ. Đơn giản như dựng một căn nhà mới, bên bờ sông Hậu thông thống gió cho bố mẹ người thuyền trưởng hải quân hiếm hoi của tỉnh Sóc Trăng...
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.