Không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 diễn ra ngày 6/8.
Nếu không có đột phá GD&ĐT, không có kỳ tích kinh tế
Thủ tướng hoan nghênh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự Hội nghị đông đủ, mà theo người đứng đầu Chính phủ, “chưa bao giờ thấy dự đông như vậy”, thể hiện sự quan tâm đến GD&ĐT. “Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục đào tạo”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, mặc dù có nhiều thách thức, điều đáng mừng là ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH,CĐ nề nếp hơn, chất lượng hơn năm ngoái, tạo được niềm tin cho toàn xã hội đối với ngành có hơn 1,4 triệu giáo viên, hơn 23 triệu HSSV.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VA
Về các điểm nhấn, thành công của ngành giáo dục, Thủ tướng nêu rõ, đã tạo ra hành lang pháp lý khá tốt, rõ ràng cho ngành GD&ĐT. Chúng ta đã phổ cập giáo dục đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,98% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em 5 tuổi đến trường. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều tăng.
Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Cơ sở vật chất của ngành được bổ sung với trên 5.000 phòng học, 38 công trình nước sạch, 60.000 nhà vệ sinh được xây dựng. Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới là một điểm nhấn trong năm nay. Một số “vùng trũng” về giáo dục nay đã vươn mình, chuyển biến tốt hơn.
Chỉ ra các yếu kém, tồn tại để khắc phục, Thủ tướng nêu rõ, công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường học còn kém như tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi xa nhà. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để làm thiết chế trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, không thể cứ có miếng đất nào đẹp là bán hết để xây nhà tầng.
Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở về tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế. “Người ta nói rằng việc dạy cơ bản được quốc tế đánh giá tốt, nhưng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”. Cho nên, một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống gây bức xúc xã hội.
Đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “việc đầu tiên liên quan tới địa phương đó là yêu cầu bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng”. Yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.
Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm như Sư phạm Hà Nội, TPHCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng. Nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu…
“Chúng ta không thể chấp nhận một tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục ĐH, trung học thấp mà người ta thường hay kêu ca. Học ra để làm việc chứ không phải học ra có cái bằng tượng trưng nào đó do một cái trường kém chất lượng cấp”- Thủ tướng nêu rõ.
 
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu ở Hà Nội. Ảnh: VA
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực”, hữu danh vô thực; đồng thời, yêu cầu đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài. Bộ trưởng GD&ĐT kiểm tra và dừng các ngành đào tạo mà có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nề nếp hơn. Việc đào tạo những cán bộ làm việc và hội nhập sâu rộng, chứ không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc.
Các địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học, tránh tình trạng quá nhiều nhân viên y tế, bảo vệ, kế toán…
Giáo dục đạo đức cho HSSV là trách nhiệm của toàn xã hội
Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết các vấn đề đạo đức trong và ngoài trường học trên địa bàn như bạo lực học đường, an toàn giao thông, bán hàng quán trước cổng trường, tệ nạn xã hội…
“Năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong dạy đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Giáo dục đạo đức cho HSSV là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm. Vai trò của gia đình, của nhà trường và xã hội đã nói nhiều nhưng thực hành chưa được bao nhiêu”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, cơ sở GD&ĐT, bảo đảm thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả, bảo đảm số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. Giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường mà đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh, sinh viên được tiếp xúc với truyền thống văn hóa như tổ chức đi viếng nghĩa trang, thăm đối tượng chính sách, thăm nơi có cuộc sống khó khăn của đồng bào để học sinh thấu hiểu cuộc sống.
Thủ tướng nhấn mạnh, thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Các tổ chức quần chúng có trách nhiệm cùng nhà trường và gia đình để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới này.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành giáo dục phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.
Mỹ Anh (ĐCSVN)

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.