5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ quả, 4 triệu tấn trái cây các loại, hơn 120.000 tấn hải sản, heo, gà... ở các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội có giá trị hàng chục ngàn tỉ đồng đang chờ tiêu thụ.
Những con số trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu trong hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vừa được tổ chức cuối tuần qua. Sản lượng nông sản, thực phẩm khổng lồ được đưa ra nhưng không phải trong niềm vui được mùa như mọi năm mà trong sự lo lắng sẽ bị ách tắc với viễn cảnh nông dân đã khó càng thêm khó.
Trong khi hàng loạt tỉnh, thành đang giãn cách xã hội thì giải bài toán lưu thông hàng hóa quả là khó. Nhưng khó cũng phải làm bởi sẽ giải quyết được vấn đề căn cơ nhất của cuộc sống hiện tại là cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đô thị và duy trì sản xuất ở vùng nông thôn.
Nông sản là hàng hóa khá đặc thù. Ngoài một vài loại lương thực như lúa, bắp... có thể phơi khô dự trữ được thì hầu hết những loại còn lại phải tiêu thụ nhanh, nếu không sẽ phải đổ bỏ. Sản xuất nông nghiệp của ta vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu là hộ gia đình nên khi sản phẩm chậm tiêu thụ thì sẽ dễ hư hỏng, nông dân mất vốn, khó lòng tái tổ chức sản xuất. Điều này ẩn tàng một nguy cơ khác là họ sẽ giảm gieo trồng vụ mới và trong tương lai gần, các đô thị sẽ khan hiếm nhiều mặt hàng thiết yếu như rau củ, thực phẩm ngắn ngày.
Theo số liệu tổng điều tra dân số và đất đai toàn quốc năm 2019, nước ta có hơn 96,2 triệu người. Trong số này, có đến 63 triệu người sống ở nông thôn và hầu hết là sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất đai là hơn 31,1 triệu ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm đến 27,2 triệu ha.
Các đô thị phát triển quá nhanh chóng làm nhiều người quên rằng căn bản của chúng ta là quốc gia nông nghiệp. Cũng như các nước lân cận, nước ta phát triển công nghiệp - dịch vụ chưa lâu và nông thôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung ứng lao động, hạ tầng cơ sở, hàng hóa thiết yếu. Cho đến nay, hằng năm, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp hơn 40 tỉ USD từ xuất khẩu, với những mặt hàng chính là gạo, trái cây, rau củ...
Về mặt xã hội, phần lớn người dân ở đô thị đều có nguồn gốc gần, quan hệ trực tiếp từ nông thôn. Họ luôn xem nông thôn là nền tảng về văn hóa - kinh tế và là hậu phương vững chắc cho cuộc sống nhiều biến động ở thành thị. Trong các đợt giãn cách xã hội đang diễn ra ở các địa phương, vai trò hậu phương của nông thôn càng thể hiện rõ rệt: tổ chức cung ứng thực phẩm thiết yếu, thậm chí tiền bạc, động viên tinh thần, sẵn sàng đón nhận người từ các đô thị trở về.
Phải thừa nhận sự lo lắng về dịch bệnh vẫn được ưu tiên đặt trọng tâm ở thành thị - nơi mật độ dân số cao, sự tiếp xúc nhiều và dễ kiểm soát hơn. Phần lớn nông thôn hiện nay chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp qua việc ùn ứ nông sản. Song, không phải vì thế mà chúng ta thiếu dự phòng cho một hậu phương tối quan trọng như nông thôn. Thành thị bị dịch bệnh tấn công nhưng sẽ nhanh chóng hồi phục khi sản xuất trở lại. Còn nông thôn bị tổn thương thì sẽ ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, vết thương sẽ lâu lành và cơn đau sẽ ngấm dần đến thành thị.
Theo Phạm Hồ (NLĐO)