Không để hàng không, du lịch lỡ nhịp phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ðại dịch Covid-19 đã lấy đi nhiều thành quả tăng trưởng của dịch vụ hàng không, du lịch khiến mức đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ còn khoảng 2,1% so với khoảng 10% của những năm trước. Khi hoạt động dịch vụ chưa quay lại được thì nền kinh tế khó lấy lại đà tăng trưởng bền vững.

Cầu Vàng - Sun World Ba Na Hills Ðà Nẵng.
Cầu Vàng - Sun World Ba Na Hills Ðà Nẵng.
Nỗi lo không hoàn thành kế hoạch đón 5 triệu lượt khách du lịch đã trở thành hiện thực khi năm 2022 đang dần khép lại với con số thống kê khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách. Thị trường quốc tế không phục hồi như kỳ vọng cũng có nghĩa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các hãng hàng không phải tiếp tục chật vật xoay xở để tồn tại, hàng trăm nghìn người lao động không có đủ thu nhập trang trải nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống hoặc thậm chí là không giữ được việc làm.
Nghịch lý "đi trước, về sau"
Ðáng tiếc là chúng ta đã có tầm nhìn, có định hướng đúng nhưng lại không có những hành động cụ thể và không đủ quyết tâm để theo đuổi mục tiêu đề ra. Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Với lợi thế mở cửa sớm hơn so với nhiều nước trong khu vực, các doanh nghiệp hàng không, du lịch kỳ vọng quyết định này có thể là cú huých để nhanh chóng phục hồi, trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao. Chỉ một tháng sau đó, Tổng cục Du lịch công bố thông tin rất tích cực: Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng cao thứ tư thế giới và xu hướng này tiếp tục duy trì trong nhiều tháng tiếp theo. Tuy nhiên, điều này đã không chuyển thành lượng khách thực tế. Trong kết quả khảo sát về việc phục hồi du lịch quốc tế do ForwardKeys - Công ty dự báo xu hướng của ngành du lịch có trụ sở tại Tây Ban Nha công bố tháng 11/2022, Việt Nam đứng cuối bảng trong số hơn 100 điểm đến được khảo sát. Còn theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, tính chung 11 tháng, Việt Nam đón hơn 2,9 triệu lượt khách quốc tế, gấp 21 lần so cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Nghĩa là tỷ lệ khách tăng trưởng cao trên nền so sánh rất thấp của năm 2021, cho nên thực tế số lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đáng kể.
Theo ước tính của Nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), cả năm 2022, Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu du khách nước ngoài, thấp hơn rất nhiều so mục tiêu đề ra và doanh thu liên quan đạt khoảng 4,5 tỷ USD. Thị trường khách nội địa bùng nổ, đạt hơn 100 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách so với trước đại dịch nhưng chưa đủ để phục hồi ngành hàng không, du lịch. Trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch, trung bình lượng khách quốc tế chỉ bằng một phần năm khách nội địa, nhưng đóng góp khoảng 85% tổng thu nhập từ khách du lịch. Nhìn ra khu vực, các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu thu hút khách quốc tế. "Thái Lan đã cán đích hơn 10 triệu khách quốc tế của năm 2022, mang lại 14 tỷ USD doanh thu ngoại tệ. Hai tháng cuối năm, một số thị trường trọng điểm ở châu Âu của Thái Lan đã quay trở lại mức gần như trước đại dịch trong khi Việt Nam chưa có thị trường trọng điểm nào phục hồi được 50%", Nhóm nghiên cứu của TAB chỉ ra.
Hành động ngay để đón cơ hội năm 2023
Trong các nguyên nhân chính khiến du lịch quốc tế phục hồi chậm, có nguyên nhân khách quan đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là lý do gây trở ngại nhất.
So với các nước trong khu vực, chính sách cấp thị thực nhập cảnh (visa) vào Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa cởi mở và chưa thật sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Lãnh đạo cấp cao một tập đoàn phản ánh ngày nào cũng nhận được các khiếu nại về quy trình xin visa khó khăn, có tuần nhận tới 20 email khiếu nại ngay cả trong thời điểm toàn ngành dốc sức phát động thị trường để thu hút khách quốc tế trở lại. Ðể bù đắp vào khoảng trống của các thị trường lớn chưa thể khơi thông được như Trung Quốc, Nga, các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành đang nỗ lực chuyển hướng khai phá thị trường còn nhiều tiềm năng là Trung Ðông, Ấn Ðộ nhưng cũng vấp ngay rào cản thị thực. Cụ thể, khách Việt Nam đi Ấn Ðộ chỉ mất 15 phút xin visa với giá khoảng 20 USD, thời gian từ 2-3 tháng nhưng ở chiều ngược lại, khách Ấn Ðộ phải qua Ðại sứ quán Việt Nam tại New Delhi. Với địa bàn rộng lớn như Ấn Ðộ, yêu cầu đó là một việc rất bất lợi, làm hạn chế rất nhiều nỗ lực đưa khách từ địa bàn này sang Việt Nam.
Ngành dịch vụ hàng không, du lịch có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy trước đại dịch Covid-19, doanh thu ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD vào năm 2019, đóng góp hơn 10% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 1,3 triệu lao động, chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước. Vai trò động lực cho tăng trưởng của ngành hàng không cũng được khẳng định với mức đóng góp hơn 20 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí mỗi năm, tương đương mức đóng góp vào ngân sách của một địa phương trong top 10 về nộp ngân sách lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã lấy đi nhiều thành quả tăng trưởng của dịch vụ hàng không, du lịch. Mức đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ còn khoảng 2,1%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi hoạt động dịch vụ chưa quay lại được thì nền kinh tế khó lấy lại đà tăng trưởng bền vững; hàng không, du lịch chưa phục hồi thì chưa kéo được khách sạn, nhà hàng quay trở lại và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại, đầu tư.
Theo thông lệ, vào tháng 10, khách quốc tế sẽ bắt đầu đăng ký các chuyến du lịch cuối năm và đầu năm mới, kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm kế tiếp. Nhưng quy luật này đã không diễn ra trong năm nay, đồng nghĩa với việc ngành hàng không, du lịch có thể tiếp tục thêm một năm "mất mùa". Tình thế đòi hỏi phải có sự chung tay của các bộ, ngành liên quan và hành động kịp thời của Chính phủ mới có thể đưa hai ngành kinh tế quan trọng này thoát ra khỏi khó khăn, trở lại vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế. Nhóm nghiên cứu của TAB tin tưởng du lịch sẽ là giải pháp cho Việt Nam trong năm 2023 để mang lại tăng trưởng, ngoại tệ, việc làm, thương mại và các khoản đầu tư.
Con đường phục hồi hoàn toàn của ngành để trở lại đóng góp hơn 10% vào GDP sẽ là quá trình không dễ dàng và Chính phủ cần có những hành động nhanh chóng, khẩn cấp để thúc đẩy.
Ngày 16-12, theo kế hoạch, Báo Nhân Dân và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp tổ chức hội nghị bàn tròn "Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp đột phá từ trụ cột dịch vụ hàng không, du lịch".
Ðây là lần đầu kể từ sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo của hơn 30 doanh nghiệp hàng không, du lịch hàng đầu Việt Nam và các chuyên gia kinh tế, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội cùng ngồi với nhau để thảo luận, đánh giá một cách thực chất hiện trạng khó khăn của ngành để kiến nghị Chính phủ giải pháp cấp bách tháo gỡ, đưa ngành kinh tế quan trọng này vượt qua khó khăn.
Theo TÔ HÀ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.