Khởi tố Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An cùng 8 bị can

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong số các bị can, có 6 bị can là cán bộ và nguyên cán bộ của Chi cục Đăng kiểm Long An, Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và 3 đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 9.
Công an đọc lệnh khởi tố Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An. (Ảnh: Công an cung cấp)

Công an đọc lệnh khởi tố Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An. (Ảnh: Công an cung cấp)

Mở rộng điều tra vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngày 24/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố 9 bị can liên quan về các tội "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ," "Môi giới hối lộ," "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Các quyết định đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Trong số các bị can, có 6 bị can là cán bộ và nguyên cán bộ của Chi cục Đăng kiểm Long An, Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm:

1. Phạm Hoài Hà - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An;

2. Nguyễn Xuân Hào - đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An;

3. Đỗ Trung Học - nguyên Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã nghỉ hưu;

4. Lê Ngọc Tú - đăng kiểm viên Phòng Tàu sông;

5. Nguyễn Thành Lê - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thiết kế Công nghiệp Tàu thủy Vietship;

6. Vũ Tiến Thuật - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Tàu thủy sông Hồng;

và 3 đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 9 là Kiều Tuấn Anh, Nguyễn Công Khanh, Lưu Văn Khương.

Theo điều tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam có chức năng cấp đánh giá năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa (QCVN 89: 2015/BGTVT) ban hành theo Thông tư số 45/2015/TT-BGTVT ngày 3/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải và Thông tư số 15/2022/TT-BGTVT ngày 30/6/2022 ban hành sửa đổi 1: 2022 QCVN 89: 2015/BGTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa.

Quá trình kiểm tra, đánh giá năng lực xưởng, một số cá nhân có thẩm quyền đã có hành vi tiêu cực, nhận tiền để bỏ qua các lỗi, tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để đánh giá năng lực xưởng như mặt bằng nhà xưởng, khả năng khả cung ứng vật liệu trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất, quy trình công nghệ, về năng lực thi công, nhân lực không đảm bảo...

Kiểm tra thực tế tại nhiều xưởng trên địa bàn cả nước ở các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp... và kiểm tra hồ sơ cấp đánh giá năng lực cơ sở tại Cục Đăng kiểm, Cơ quan Điều tra xác định hồ sơ cấp đánh giá năng lực xưởng không phù hợp thực tế hiện trường của các xưởng đóng tàu đã kiểm tra, nhiều xưởng không đủ điều kiện để được cấp đủ năng lực.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra làm rõ toàn bộ sai phạm liên quan cấp đánh giá năng lực xưởng để xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó vào tháng 2/2023, Cơ quan điều tra đã khởi tố 14 đối tượng gồm: Hoàng Văn Duy (Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9), Lê Hải Hòa, Vũ Phương Huy, Nguyễn Văn Hiển (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 9); Phạm Việt Dũng, Phạm Tiến Bình, Phạm Văn Dương, Nguyễn Văn Duẩn, Mai Ngọc Cường, Nguyễn Văn Đồng (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6) bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ;" các bị can Thái Việt Anh, Bùi Long Khương, Phạm Mạnh Hùng, Dương Xuân Chế bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ."

Tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh (Phó trưởng Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Phạm Đình Thắm (đăng kiểm viên Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Lương Đức Thái (Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng, tỉnh Hải Dương) và Vũ Đức Nhất (Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng, hiện đang làm việc tại Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam) để điều tra về tội “Nhận hối lộ.”

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đối với vụ án về các hành vi tiêu cực liên quan tới hoạt động đăng kiểm trên cả nước, đến nay các đơn vị thuộc Công an Thành phố đã khởi tố 7 vụ và 229 bị can về các tội "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ," "Môi giới hối lộ," "Giả mạo trong công tác," "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật," "Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác," "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm dịp Tết Giáp Thìn, đồng thời quyết liệt đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tập trung mở rộng điều tra để xử lý nghiêm, triệt để các vụ án.

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Sáng 30/10, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1193 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

(GLO)- Ngày 30-10, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh và UBND xã Nghĩa Hòa tổ chức tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây trên địa bàn xã với sự tham gia của các hợp tác xã và 25 hộ trồng chanh dây trên địa bàn.