Khơi gợi niềm đam mê đọc sách trong thiếu niên, nhi đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Để hình thành thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong thiếu niên, nhi đồng, các tổ chức Đoàn-Đội, nhóm tình nguyện ở tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động: xây dựng không gian đọc sách, phát động phong trào Đọc và làm theo báo Đội, thực hiện video clip giới thiệu sách...

Tạo không gian đọc sách

Thư viện Tuệ Nhân (đặt tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku) chiều cuối tuần thu hút hàng chục thiếu niên, nhi đồng đến đọc sách. Các em chăm chú đọc và tìm kiếm những cuốn sách mình yêu thích.

Các em học sinh đọc sách tại thư viện Tuệ Nhân. Ảnh: M.N
Các em học sinh đọc sách tại thư viện Tuệ Nhân. Ảnh: M.N

Không gian thư viện rộng rãi, đầy đủ bàn ghế, cây xanh, cách trang trí đẹp mắt, ấn tượng phù hợp với các bạn đọc nhí. Hơn 2.000 cuốn sách gồm các thể loại như: truyện tranh, sách giáo dục kỹ năng sống, sách tham khảo… được sắp xếp ngăn nắp, khoa học đã làm các bạn đọc nhí thích thú, say mê đọc sách. Em Võ Minh Khuê (lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thư viện có nhiều cuốn sách hay, không gian thoáng đãng nên em rất thích đến đây đọc sách. Em còn có cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn mới để cùng trao đổi về những cuốn sách hay”.

Thư viện Tuệ Nhân có tổng diện tích hơn 150m2, hoạt động từ 13-1-2024. Thư viện mở cửa phục vụ miễn phí từ 16 giờ đến 19 giờ tất cả các ngày trong tuần. Ngoài đọc sách, thư viện còn có không gian để các em học sinh vẽ tranh, sáng tạo sản phẩm thủ công. Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku cho hay: “Thư viện được xây dựng với mong muốn tạo không gian đọc sách hiện đại, sạch sẽ để thu hút bạn đọc. Sắp tới, Thành Đoàn tiếp tục bổ sung thêm nhiều đầu sách để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc”.

Cũng với mục đích tạo không gian thân thiện, hấp dẫn, khơi gợi hứng thú đọc sách của các em học sinh, ngày 7-1, Nhóm từ thiện Fly To Sky đã phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh, Tiệm cà phê Ngày Bình Yên trao tặng công trình “Thư viện Bồ câu trắng” cho Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh).

Các bức tường của thư viện được nhóm từ thiện vẽ trang trí hình bầu trời, khinh khí cầu… tạo sự gần gũi, hấp dẫn học sinh đến đọc sách. Ngoài trang trí, nhóm từ thiện còn tặng 650 cuốn sách cho thư viện trường. Những cuốn sách được sắp xếp ngăn nắp, theo từng thể loại, các em học sinh thỏa sức lựa chọn cho mình cuốn sách phù hợp để đọc.

Nhóm từ thiện Fly To Sky tặng sách cho Trường THCS Nguyễn Huệ với mong muốn lan tỏa phong trào đọc sách. Ảnh: M.N
Nhóm từ thiện Fly To Sky tặng sách cho Trường THCS Nguyễn Huệ với mong muốn lan tỏa phong trào đọc sách. Ảnh: M.N

Anh Tạ Trần Phong-Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Huệ thông tin: Năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Huệ có 419 học sinh, trong đó có 255 học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhóm từ thiện Fly To Sky đã giúp thư viện trường có thêm nhiều cuốn sách mới, tạo không gian gần gũi để học sinh đến đọc sách nhiều hơn. Để tạo phong trào đọc sách cho thiếu nhi, Liên đội thường xuyên phối hợp với thư viện tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu sách. Các hoạt động đã góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong học sinh.

Anh Lê Văn Phúc-Tổng chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky cho biết: “Tủ sách Bồ câu trắng” là dự án thuộc lĩnh vực hỗ trợ giáo dục và phát triển văn hóa đọc cộng đồng do Nhóm từ thiện Fly To Sky triển khai từ năm 2019. Đến nay, Nhóm từ thiện Fly To Sky đã trao tặng 36 “Tủ sách Bồ câu trắng” cho các trường học, cơ sở bảo trợ xã hội trên cả nước, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách cho học sinh”.

Lan tỏa văn hóa đọc

Thời gian qua, tổ chức Đoàn-Hội-Đội các cấp, các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện đã chung tay tạo những không gian đọc sách mở để kết nối tình yêu sách và hình thành kỹ năng đọc cho thiếu niên, nhi đồng.

Các đơn vị tặng sách cho đơn vị Thành Đoàn Pleiku. Ảnh: M.N
Các đơn vị tặng sách cho đơn vị Thành Đoàn Pleiku. Ảnh: M.N

Bên cạnh đó, Hội đồng Đội các cấp đã phát động quyên góp sách, truyện, tạp chí để gửi tặng các trường học khó khăn trên địa bàn tỉnh; tổ chức ngày hội đọc sách; triển khai phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”; sinh hoạt chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; thực hiện các video clip giới thiệu sách và cuộc thi thiết kế bìa sách…Ngoài ra, tổ chức Đoàn-Đội cũng vận động nguồn lực xã hội hóa trao tặng tủ sách, bàn ghế, ti vi…cho các phòng đọc sách, thư viện. Những việc làm, hoạt động ý nghĩa trên đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong thiếu niên, nhi đồng.

Ngày 15-1-2024, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TWĐTN-CTTN về việc tiếp tục nâng cao văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, Chỉ thị đề cập đến việc hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ “Phóng viên nhỏ” tại các địa phương; tăng cường hoạt động xã hội, hoạt động giao lưu giữa bạn đọc với các tác giả, tác phẩm và các đơn vị báo chí, xuất bản. Hàng năm, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức các giải thưởng, hoạt động sáng tác dành cho thiếu nhi; tập trung xây dựng các kế hoạch, dự án hỗ trợ ấn phẩm sách, báo Đội dành cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thiếu nhi là con thanh niên công nhân…

Tích cực đọc sách giúp các em học sinh có thêm những kiến thức bổ ích. Ảnh: M.N
Tích cực đọc sách giúp các em học sinh có thêm những kiến thức bổ ích. Ảnh: M.N

Ban Bí thư Trung ương Đoàn yêu cầu Ban Thường vụ các Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan định kỳ tổ chức các chương trình, hoạt động hình thành và phát triển thói quen đọc sách, báo trong thiếu nhi, tiếp tục đẩy mạnh triển khai và thực hiện hiệu quả phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, các gương thiếu nhi tiêu biểu có thành tích xuất sắc và tích cực tham gia phong trào. Ban Thường vụ các Tỉnh đoàn, Thành Đoàn cần hướng dẫn các cấp bộ Đoàn, Đội hỗ trợ Liên Đội xây dựng kế hoạch, huy động kinh phí trang bị tủ sách, xây dựng không gian đọc sách, tương tác sinh hoạt Đội.

Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Việc xây dựng không gian đọc sách hiện đại, thân thiện đã thu hút thiếu niên, nhi đồng đến tham gia trải nghiệm và kết nối tình yêu với sách. Để nâng cao văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng, các tổ chức Đoàn-Đội cần tăng cường công tác tuyên truyền trong thiếu niên, nhi đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, báo. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị hiện đại, bổ sung nguồn sách cho các thư viện trường học, nhất là ở vùng sâu vùng xa, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc cho thiếu niên, nhi đồng.

Có thể bạn quan tâm

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

(GLO)- Những con số của sử liệu thường khô cứng, vì thế không gì dễ đi vào lòng người bằng bài học lịch sử trực quan, sinh động, bằng “mắt thấy, tai nghe”. Một khi tình yêu quê hương đất nước được bồi đắp, trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc cũng được nhân lên.