(GLO)- Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là những mặt hàng thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất các loại cây trồng. Không những vậy, đây còn là mặt hàng tác động không nhỏ đến chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng phân bón hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thị trường béo bở
Tỉnh Gia Lai có diện tích cây trồng hàng năm khá lớn với trên 480.000 ha. Trong đó, các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu… chiếm trên 200.000 ha, chưa kể các loại cây trồng ngắn ngày. Vì vậy, nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng là rất lớn.
Ảnh minh họa. |
Theo định mức của cơ quan chuyên môn, với diện tích cây trồng hiện có mỗi năm cần khoảng 350.000 tấn phân vô cơ; khoảng 3 triệu tấn phân hữu cơ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Phần lớn phân bón đều nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy thị trường luôn sôi động nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro phức tạp. Đặc biệt, trong những năm gần đây tình trạng phân bón giả; kém chất lượng hoặc hàm lượng dinh dưỡng thấp xuất hiện rải rác ở một số vùng sâu, vùng xa, gây ra hậu quả khó lường, trong khi việc xử lý bất cập từ mặt hàng phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện.
Thống kê của cơ quan chức năng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và hơn 300 cửa hàng, đại lý phân bón. Từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã kiểm tra 6 cơ sở thì có đến 3 cơ sở vi phạm với hành vi chủ yếu là ghi nhãn hàng hóa không đúng, không đầy đủ những nội dung bắt buộc, sản xuất gia công không đảm bảo chất lượng. Điển hình như ngày 30-7-2013, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra Nhà máy vi sinh-Chi nhánh Tổng Công ty 15.
Qua kiểm tra phát hiện cơ sở sản xuất, gia công phân bón không đảm bảo chất lượng (phân hữu cơ vi sinh 5-3-5 có hàm lượng Nitơ chỉ đạt 80,8% so với đăng ký áp dụng); kinh doanh hàng hóa có nhãn nhưng không ghi đầy đủ các nội dung phải thể hiện trên nhãn theo quy định. Chi cục Quản lý Thị trường đã lập biên bản vi phạm đồng thời ban hành quyết định xử phạt 80 triệu đồng (trong đó xử phạt 55 triệu đồng hành vi sản xuất, gia công phân bón không đảm bảo chất lượng, buộc tái xuất 40 tấn phân hữu cơ vi sinh Fito Hoomon 5-3-5).
Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra 179 cơ sở thì có 51 cơ sở vi phạm. Đoàn cũng đã lấy 9 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm trong 2 đợt, đợt I có 4 mẫu thì 2 mẫu không đảm bảo chất lượng gồm: Công ty dinh dưỡng cây trồng Eak Mat và Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ sinh học An Thái (TP. Buôn Ma Thuột-Đak Lak), 5 mẫu của đợt II hiện đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Khó trong công tác quản lý
So với các địa phương và khu vực trong cả nước, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát rất chặt chẽ; hạn chế được các loại phân bón kém chất lượng nhập từ Trung Quốc.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, các đơn vị chức năng gặp không ít khó khăn như: sản xuất và kinh doanh phân bón là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng theo quy định hiện hành thì không cần cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Chính vì sự đăng ký khá đơn giản này nên các cơ sở sản xuất nhỏ mọc lên nhiều, sản xuất hàng kém chất lượng để đưa vào vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Việc xác định hàng thật, hàng giả kém chất lượng bằng mắt thường rất khó. Phải dựa trên kết quả phân tích bằng máy và cần nhiều thời gian…
Ông Phan Minh Túc-Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh cho hay: Khó khăn lớn nhất hiện nay là đơn vị không thể tự lấy mẫu phân bón mà phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT. Bên cạnh đó, thời gian lấy mẫu kiểm tra chất lượng rất dài, gây tốn kém, trong khi nguồn kinh phí rất hạn chế. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón chưa có sự phối hợp với cơ quan chức năng trong việc cung cấp mẫu đối chứng. Công tác quản lý lô hàng đang lấy mẫu gặp nhiều khó khăn vì khi lấy mẫu chưa biết lô hàng có đạt chất lượng hay không. Nếu niêm phong mà sau đó kết quả không đạt thì xử lý đúng quy định, còn nếu đạt chất lượng thì thời gian niêm phong dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là những mặt hàng thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp. Ngăn chặn sự xuất hiện các loại phân bón giả, kém chất lượng sẽ góp phần quan trọng tạo nên những mùa vàng bội thu cho nông dân là việc làm cần thiết của các cơ quan chức năng hiện nay.
Nguyễn Diệp