(GLO)- Đã hơn 9 tháng nay, gia đình ông Phùng Văn Huyện, trú tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, gửi đơn nhiều nơi kiến nghị việc thi hành án cưỡng chế mảnh vườn của ông có dấu hiệu khuất tất, đồng thời UBND xã Ia Pếch ra Quyết định số 33 trái với quy định của Nhà nước nhưng chưa cơ quan nào giải quyết thỏa đáng.
Năm 2010, vợ chồng ông Phùng Văn Huyện và bà Nguyễn Thị Hiển có mua một mảnh vườn, diện tích 14.300 m2 của ông Mai Văn Kỳ và bà Nguyễn Thị Hoa (trú thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai), trên đất có 1.400 cây cà phê (trồng năm 2010) và 300 cây điều (trồng năm 2005) với giá 200 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận làm giấy sang nhượng, có chữ ký của người làm chứng.
Sau khi nhận đủ tiền, ngày 20-3-2011, ông bà Kỳ-Hoa tạm thời giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) số AP 020463 mang tên Mai Văn Kỳ, Nguyễn Thị Hoa do UBND huyện Ia Grai cấp ngày 31-8-2009 cho vợ chồng ông Huyện quản lý để làm thủ tục sang nhượng theo quy định. Ngày 5-5-2011, trong lúc ông Huyện đang làm vườn thì có 2 xe ô tô chở một đoàn cán bộ đến đo đếm cây, khi ông hỏi thì mới hay đây là đoàn liên ngành đi kê biên tài sản của ông bà Kỳ-Hoa.
Ông Huyện trình bày đất này ông đã mua từ năm 2010 nhưng họ vẫn cứ tiến hành công việc. Sau đó, các cơ quan chức năng của huyện Ia Grai hoàn tất các thủ tục kê biên, đấu giá và ông Nguyễn Duy Long-cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã mua mảnh vườn trên với giá chỉ hơn 100 triệu đồng.
Phát hiện có dấu hiệu khuất tất và quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại nên ông Huyện đã gửi đơn đến các cấp yêu cầu giải quyết. Ngày 22-5-2012, ông Nguyễn Văn Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch đã chủ trì cuộc họp và thống nhất đề nghị các bên gửi đơn đến Tòa án Nhân dân huyện Ia Grai. Trong lúc sự việc còn chưa rõ ràng, thì ngày 16-7-2012, dưới danh nghĩa thành lập “Tổ tuyên truyền và hỗ trợ công dân sản xuất, canh tác tại đồi 20”, ông Siu Thunh-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch đã ký Quyết định số 33/QĐ-UBND, gồm các ông Nguyễn Cảnh Thắng-cán bộ Địa chính xã, Hoàng Vũ Tuân-Phó Trưởng Công an xã, Puih Runh-Xã đội phó cùng 2 công an viên, 2 dân quân và một số người làm công cho ông Long chặt phá không thương tiếc cây cối, hoa màu trên diện tích đất này.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến việc cưỡng chế này là do bà Hoa phải thi hành theo một bản án với số tiền hơn 30 triệu đồng nhưng vì đương sự không tự nguyện nên Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Ia Grai thông qua các Quyết định số: 163/QĐ-THA ngày 14-10-2008; 165/QĐ-THA ngày 14-10-2008; 04/QĐ-THA ngày 1-10-2010 và ngày 5-5-2011, kê biên tài sản chung của bà Hoa, ông Kỳ là mảnh đất với giấy chứng nhận QSDĐ số AP 020463 (đã bán cho ông Huyện) và cây trồng trên đất gồm 1.260 cây cà phê robusta trồng năm thứ hai, 278 cây điều đang cho quả bói.
Theo đánh giá thì các loại cây này không được chăm sóc, phát triển chậm. Sau đó, cơ quan Thi hành án (THA) hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ Đấu giá và Tư vấn miền Nam-Chi nhánh Gia Lai thông báo bán đấu giá tài sản trên với giá khởi điểm là 106.875.191 đồng.
Về việc này, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Ia Grai cho rằng, việc kê biên tài sản trên là có căn cứ bởi việc chuyển nhượng chưa được chính quyền địa phương xác nhận. Do đó, tài sản trên vẫn thuộc của ông bà Kỳ-Hoa. Chúng tôi không thể nào chứng minh được nguồn gốc các tài sản khác như xe máy, xe ô tô, nhà, đất ở thị trấn Ia Kha là sở hữu của bà Hoa.
Quyết định của Tòa án có hiệu lực, việc THA là cần thiết nhưng quá trình thực thi có dấu hiệu bất thường ở chỗ: Mặc dù các thủ tục thành lập đoàn kê biên tài sản, niêm yết công khai... được lập bài bản nhưng tài sản phải THA lại không được xác minh cụ thể, thậm chí không cần biết tài sản đó hiện nay ai đang sử dụng... và đối tượng phải THA có bao nhiêu tài sản, đó là những tài sản gì(?).
Trong khi đó, tại thời điểm kê biên, người phải THA là một gia đình khá giả, nhà cửa, đất đai, vườn tược, ô tô đều có và mang tên chính chủ. Vậy mà cơ quan THA không hề biết, lại còn cho rằng ngoài tài sản trên không có tài sản nào khác chính chủ để bán đấu giá là trái pháp luật. Thậm chí khi cưỡng chế kê biên, bán đấu giá, chấp hành viên không xem xét quyền ưu tiên mua lại mảnh đất này cho ông Huyện hoặc bà Hoa nên đã đẩy họ lâm vào cảnh dở khóc dở cười như hiện nay.
Phần tài sản, Công ty TNHH Dịch vụ Đấu giá và Tư vấn miền Nam-Chi nhánh Gia Lai cho rằng vườn điều và cà phê không được chăm sóc, phát triển chậm là không đúng với thực tế. Tại hiện trường, cây cà phê, điều phát triển rất tốt, nhiều cây đang cho quả bói. Hiện nay, 1 cây cà phê thời kỳ bói quả đã có giá rất cao cộng với tiền cây điều thì cũng xấp xỉ trăm triệu đồng. Đó là chưa kể tiền đất, theo giá thị trường, hiện đất tại khu vực Ia Pếch khoảng vài trăm triệu đồng/ha.
Trước kiến nghị của người dân, một lãnh đạo của huyện Ia Grai cho biết: Ông đã chỉ đạo UBND xã Ia Pếch làm việc với 2 gia đình này để xác minh sự việc hoặc hướng dẫn họ gửi đơn đến Tòa án giải quyết và sẽ trực tiếp kiểm tra việc Chủ tịch UBND xã Ia Pếch ra quyết định thành lập đoàn tuyên truyền, hỗ trợ công dân sản xuất và có hướng xử lý.
Tuy nhiên đến nay đã hơn 9 tháng nhưng việc xác minh và kiểm tra đối với sự việc trên vẫn chưa được các ngành chức năng của huyện làm đến nơi đến chốn. Ngày 18-1-2013, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 229/UBND-NL đề nghị UBND huyện xem xét đơn khiếu nại của công dân và tổng hợp báo cáo kết quả làm việc, xử lý… về UBND tỉnh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, ngày 19-3-2013, UBND huyện Ia Grai đã có Công văn số 107/UBND-VP do quyền Chủ tịch Huỳnh Quang Thái ký, nội dung trả lời cũng chỉ chung chung là đã yêu cầu xã ra quyết định hủy bỏ Quyết định số 33, còn các nội dung khác thì chỉ theo báo cáo của Chủ tịch UBND xã Ia Pếch chứ không căn cứ vào một cơ sở nào.
Lệ Hằng