Khi chánh án tòa tỉnh bị phạt tù...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 40 năm làm tòa án, trong đó có hơn 7 năm làm chánh án TAND tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Phước (và chắc hẳn nhiều người nữa) không nghĩ có ngày ông trở lại cơ quan mình trong thân phận của một bị cáo.
Ông Lê Văn Phước tại phiên tòa xử ông và 3 thuộc cấp phạm tội tham ô - Ảnh: DUY THANH
Ông Lê Văn Phước tại phiên tòa xử ông và 3 thuộc cấp phạm tội tham ô - Ảnh: DUY THANH

Tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước vì quản lý không chặt để xảy ra vụ án này. Giờ ngồi đây, tôi rất đau khổ, nhục nhã lắm.

Bị cáo LÊ VĂN PHƯỚC
Khi chiếc xe bít bùng của công an xịch đỗ trong sân TAND tỉnh Phú Yên hôm ấy, rất nhiều người - vợ con ông Phước, đồng nghiệp làm cùng tòa án, kể cả các bị cáo - đều là nhân viên thời ông làm chánh án, đều dõi ánh mắt nhìn về hướng đó.
Chánh án làm bị cáo
Cánh cửa sau xe bật mở, ông Phước với mái tóc bạc trắng, đôi tay bị còng, lưng đã khòm, người gầy xọp đi so với trước khi bị bắt, chầm chậm bước xuống xe. Ông ngước ánh mắt khát khao dõi tìm người thân, đôi môi chợt mỉm cười khi phát hiện ra gương mặt nào đó quen thuộc rồi nhanh chóng tắt. Đã có những tiếng khóc nghẹn, những bàn tay quệt vội dòng nước mắt xót xa trào ra của những người thân, đồng nghiệp, bạn bè ông.
TAND tỉnh Phú Yên là cơ quan làm việc mấy chục năm trời của ông Phước. Ông chuyển từ tòa án cấp huyện về làm phó chánh án, rồi từ năm 2010 làm chánh án cho đến khi xin nghỉ chế độ vào tháng 12-2017. Tuổi "giấy tờ" của ông là 62, nhưng tuổi thật của ông hiện 67 - cái tuổi lẽ ra phải nghỉ ngơi sum vầy cùng gia đình, con cháu sau gần cả cuộc đời làm việc, cống hiến, nhưng nay ông trở lại cơ quan cũ của mình trong thân phận bị cáo, bị xử tội "tham ô tài sản".
Ông Phước cùng 3 bị cáo trong cùng vụ án - trong đó có 2 kế toán, 1 thủ quỹ - đều là cấp dưới của ông trước đây. Cả bốn bị cáo buộc rằng từ năm 2010 đến tháng 8-2017 đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt hơn 2,8 tỉ đồng của Nhà nước tại cơ quan tòa án này. Cá nhân ông Phước phải chịu trách nhiệm đối với số tiền chiếm đoạt hơn 2,6 tỉ đồng.
Cả thẩm phán chủ tọa và thẩm phán thứ hai trong phiên tòa hôm ấy đều là "đàn em" mà ông Phước từng dìu dắt. Những vị hội thẩm nhân dân cũng từng được ông nhiều lần đứng lớp tập huấn xét xử. Hai công tố viên cũng là những "người quen" khi ông còn làm lãnh đạo tòa án. Giờ đây, họ là "quan tòa", là những người sẽ xét hỏi, luận tội, kết án ông.
Chiếc ghế chủ tọa kia ông đã hàng trăm lần ngồi để nhìn xuống bên dưới, nơi trước đây là vành móng ngựa, nay là bục khai báo của bị cáo, để phân xử những người phạm tội. Giờ đây, ông lại đứng trước bục khai báo của bị cáo để nhìn lên những chiếc ghế bên trên, phải thưa hội đồng xét xử, phải xưng mình là bị cáo...
Cáo trạng cho rằng ông đồng ý để cấp dưới "đục khoét" ngân sách, làm dối hồ sơ lương thẩm phán đã nghỉ hưu để chia chác nhau, riêng ông còn tham ô mấy triệu đồng tiền tiêu vặt sau chuyến tập huấn về công tác phòng chống tham nhũng ở Hàn Quốc về... 
Ba bị cáo cấp dưới của ông nhận tội cả, nhưng ông thì không nhận hoàn toàn. Ông nói chỉ sơ suất để người phụ trách kế toán kê khai khoản tiền tiêu vặt khi đi nước ngoài 9,2 triệu đồng và nhận không đúng quy định, còn các khoản khác được cho là ông chỉ đạo để chia chác thì ông nói không có chứng cứ nào để chứng minh ông phạm tội và thực tế cũng không có.
"Tôi đau khổ, nhục nhã lắm!"
Được cho ngồi trước bục khai báo, đôi mắt nhìn xuống, ông Phước bần thần nói: "Trước hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát, trước anh em và những người dự phiên tòa, tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước vì quản lý không chặt để xảy ra vụ án tại cơ quan TAND tỉnh. Cá nhân tôi khai báo trung thực chứ tôi không đổ cho ai bao giờ. Giờ ngồi đây, tôi rất đau khổ, nhục nhã lắm!".
Thế nhưng, những người tiến hành tố tụng phiên tòa hôm ấy đã bằng các lý lẽ và chứng cứ đã chứng minh rằng ông Phước là người phạm tội. Có công tố viên còn nói vì ông Phước là người lãnh đạo tòa án từ cấp huyện đến cấp tỉnh hàng chục năm, từng xử nhiều vụ án tham ô nên ông biết cách che giấu hành vi phạm tội của mình.
Ông Phước bị tuyên phạt 15 năm 6 tháng tù vì tội tham ô tài sản và phải khắc phục hơn 1 tỉ đồng. Vợ con ông khóc nghẹn vì thương ông đã già yếu, bệnh tật lại phải sống gần như cả quãng đời còn lại trong song sắt nhà tù. Ngôi nhà duy nhất của gia đình ông cũng được thông báo phải kê biên để đảm bảo thi hành án về sau.
Chiếc xe tù đóng sập cửa, rồ máy đưa ông Phước về trại giam. Bên hành lang tòa án, nơi ông từng công tác mấy chục năm, những tiếng sụt sịt, những cái chép miệng vẫn còn...
Không ít người nói rằng mức án dành cho ông Phước là nặng, nhưng nhiều người cũng cho mức án đã thấp dưới khung liền kề là đã tính hết mọi tình tiết giảm nhẹ cho ông so với hành vi phạm tội. 
"Chúng tôi không bà con thân thích với ông Phước, nhưng dự phiên tòa cũng thấy rất đau cho ông ấy. Thủ trưởng tòa án phạm tội cũng phải lãnh án nghiêm khắc. Đây là bài học xót xa, đắt giá nhưng nghiêm cẩn, cho thấy luật pháp nghiêm minh, bình đẳng, bất vị thân" - một người dự phiên tòa bộc bạch.
Theo DUY THANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.