Hiện toàn tỉnh có 141 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 10 khách sạn 2 sao, 31 khách sạn 1 sao, 95 nhà nghỉ, nhà khách. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 25 homestay, farmstay có đăng ký dịch vụ kinh doanh (thực tế con số này còn lớn hơn). Về hoạt động lữ hành, có 3 công ty lữ hành quốc tế và 7 công ty lữ hành nội địa với khoảng 20 hướng dẫn viên (HDV) du lịch.
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn sau thời điểm dịch Covid-19, lực lượng lao động trong ngành này giảm khoảng 30%. Trong khi đó, việc tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đang gặp nhiều khó khăn.
Công ty TNHH một thành viên Ngon Avatar chuyên kinh doanh chuỗi nhà hàng, khách sạn, quán cà phê ở TP. Pleiku. Đây là chuỗi dịch vụ thu hút khá đông khách du lịch. Hiện nay, Công ty rất khó tuyển dụng nhân lực có chuyên môn. Anh Văn Quốc Việt-Giám đốc Công ty-cho hay: “Các cơ sở kinh doanh của chúng tôi hiện có trên 100 người, trong đó khoảng 50% là “bộ khung” cứng. Đó là những người có trình độ từ trung cấp đến đại học, được chúng tôi đào tạo và có chế độ đãi ngộ để giữ chân họ lâu dài. 50% còn lại phải thường xuyên tuyển dụng mới, nhưng rất khó khăn. Số này thường là lao động phổ thông. Nhưng chỉ cần có thái độ tốt với công việc, trình độ nào chúng tôi cũng tuyển”.
Lao động phổ thông sau khi được tuyển dụng có ít nhất 20 giờ được đơn vị đào tạo theo bộ tiêu chí của doanh nghiệp. Ngoài đào tạo kỹ năng cơ bản, Ngon Avatar rất coi trọng yếu tố văn hóa phục vụ. Cả 5 cơ sở kinh doanh của đơn vị này đều phải theo một tiêu chuẩn rõ ràng, nhất quán.
Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đều có nhu cầu tuyển dụng nhân lực lớn nhưng đều rơi vào cái khó chung. Đề cập vấn đề này, anh Cao Huyền Tuấn Anh-Chủ homestay Tiên Sơn Pleiku và đồng sở hữu một chuỗi cơ sở dịch vụ khác như spa, nhà hàng, quán cà phê, quảng cáo sự kiện-khẳng định: “Khó. Rất khó tuyển dụng. Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, tôi thấy phần lớn nhân lực không mấy người giỏi nghề. Họ không xác định phục vụ là một nghề. Mà không có nghề thì khi tuyển dụng, chúng tôi phải đào tạo từ đầu. Chưa kể, bỏ công sức, tiền của đào tạo được lao động có chuyên môn xong họ đi mất. Người lao động thường phá vỡ hợp đồng trước. Nếu doanh nghiệp xử lý thì sẽ bị “bóc phốt” lên mạng xã hội. Dù mình đúng nhưng một khi đã bị đưa lên mạng xã hội chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Đằng nào thì doanh nghiệp vẫn chịu thiệt”.
Còn anh Nguyễn Tấn Nhật Tân-Chủ Xom Organic Farmstay và Xom House Biển Hồ (TP. Pleiku) thì cho rằng: “Nếu chỉ kinh doanh homestay, farmstay đơn thuần thì việc phân nguồn nhân lực phục vụ rất dễ xoay xở. Nhưng khách du lịch ngày càng đòi hỏi dịch vụ ở mức độ cao hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Vì vậy, chúng tôi phải phát triển thêm một số loại hình như: chế biến thực phẩm organic, ăn uống thực dưỡng, trải nghiệm yoga, dưỡng sinh… Nhưng vấn đề ở đây là đội ngũ phục vụ. Đây là cái khó của doanh nghiệp hàng chục năm nay chứ không phải bây giờ. Ai trong nghề cũng đều hiểu, làm dịch vụ rất nhiều áp lực, khó khăn để làm hài lòng khách hàng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố kiến thức, kỹ năng, tinh thần, thái độ làm việc”.
Lý giải về việc khó giữ chân lao động ngành dịch vụ, anh Cao Huyền Tuấn Anh cho biết, điều cốt lõi hiện nay là mức lương phải đáp ứng nhu cầu người lao động. “Giá sàn trên thị trường là 15 ngàn đồng/giờ đối với công việc bưng bê, thu ngân là 18 ngàn đồng/giờ. Còn nhân viên buồng, phòng, lương khởi điểm khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng. Người lao động làm ít nhất 1 năm mới được tăng lên mức 6-7 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp không thể trả cao hơn mặt bằng chung này dù biết mức thu nhập đó chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động”-anh Tuấn Anh chia sẻ.
Để giữ chân nguồn nhân lực có chuyên môn, mỗi đơn vị có cách làm khác nhau. Chủ homestay Tiên Sơn Pleiku cho biết: “3 vấn đề cốt lõi để giữ chân người lao động, thứ nhất là lương, thứ 2 là môi trường làm việc và thứ 3 là chính sách thưởng. Chúng tôi luôn có chính sách đãi ngộ, tăng lương cho người lao động khi họ cam kết gắn bó lâu dài. Ở homestay Tiên Sơn Pleiku hiện có người gắn bó lâu dài, mức lương khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng các dịp lễ, Tết, làm tốt vượt doanh số”.
Việc thiếu HDV có chuyên môn cũng là vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành lẫn các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Nhất là đối với các loại hình du lịch mới như: du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, khảo cổ, du lịch có yếu tố mạo hiểm… Chị Đinh Thị Mến-HDV Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) kể: Giữa năm 2023, đoàn khách trên 100 người tới tham quan, tìm hiểu tại làng. Số lượng khách đông, gặp gì cũng tò mò muốn tìm hiểu khiến chị vô cùng bối rối trước nhiều câu hỏi. Với lượng khách đông như vậy, chỉ có 1 HDV tại làng là không đủ. Chưa kể, khi khách muốn ở lại trải nghiệm ẩm thực, khu vực nhà rông của làng không đủ sức chứa, tổ ẩm thực cũng không đủ nhân lực để phục vụ nên đoàn tham quan xong thì rời đi.
Ở các điểm du lịch địa phương, HDV là cán bộ thuộc các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao. Tuy nhiên, phần lớn trong số này rất yếu về kỹ năng. Có người đứng thuyết minh trước đoàn khách còn khá run và mất bình tĩnh. Theo bà Phan Ngọc Diệp, hàng năm, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đều tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho đội ngũ này. Tuy nhiên, HDV hay thuyết minh viên muốn giỏi thì phải tự trau dồi. Khi vững vàng về kiến thức, cộng với sự tích lũy, học hỏi mới có thể tự tin đem câu chuyện vào di tích, mới làm cho điểm đến thêm hấp dẫn.
Nhà khảo cổ Phan Thanh Toàn-người tham gia các cuộc khai quật khảo cổ tại An Khê cho biết: Để khai thác loại hình du lịch khảo cổ, HDV phải có kiến thức về lĩnh vực này. Nhiều công trường khảo cổ ở các quốc gia luôn có mặt của đội ngũ HDV du lịch. Họ được đơn vị thuê làm việc cử đến để thu thập những câu chuyện, những điều hấp dẫn nhất của đất đá để truyền đạt lại cho du khách.
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn không những chỉ ra sự suy giảm về số lượng lao động ngành du lịch, dịch vụ, mà còn cho rằng các địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển lao động cho hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng chưa chú trọng công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho lao động trực tiếp nên chất lượng dịch vụ chưa cao.