(GLO)- Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang vừa phối hợp với Công ty Cao su Hoàng Anh Mang Yang- K tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Oyadav-Campuchia vào ngày 23-12-2014, sau hơn 2 năm xây dựng.
Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng khôi phục và Phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia Yim Chhau ly; đại diện Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp, Bộ Môi trường, Bộ Công nghiệp-Thủ công nghiệp nước sở tại, lãnh đạo tỉnh Rattanakiri; phía Việt Nam có sự hiện diện của đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Huỳnh Trung Trực cùng nhiều đại biểu với hàng trăm công nhân.
Lễ cắt băng khánh thành nhà máy. Ảnh: Minh Ngữ |
Xuất phát từ nhu cầu đến kỳ khai thác, chế biến mủ cao su trên diện tích gần 7 ngàn ha của Công ty Cao su Hoàng Anh Mang Yang- K, cũng như góp phần thu mua, chế biến mủ cao su đại điền và tiểu điền trên địa bàn và khu vực lân cận.
Được sự cho phép của bộ, ngành, chính quyền địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Hoàng Anh Mang Yang- K đã đầu tư 6 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su Oyadav công suất 5.000 tấn/năm với 2 dây chuyền sản xuất RSS (2.000 tấn/năm) và SVL 10-20 (3.000 tấn/năm).
Đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy theo công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường. Công ty đang tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ISO 9001-2008 và hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001-2004.
Ảnh: Minh Ngữ |
Thực hiện nội dung ký kết giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam-Campuchia, từ năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam triển khai trồng cao su tại Campuchia và đến nay 15 công ty thành viên của Tập đoàn đã trồng trên 90 ngàn ha với tổng giá trị 600 triệu USD và phấn đấu đến năm 2015 trồng đạt 100 ngàn ha theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã triển khai xây dựng các nhà máy chế biến mủ cao su (sau nhà máy tại Oyadav, đầu năm 2015, một nhà máy khác cũng sẽ khánh thành đưa vào hoạt động tại tỉnh Kampong Thom), tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong chương trình đầu tư, Tập đoàn dành khoản kinh phí tương đương 30 triệu USD để đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội vùng dự án, đóng góp vào các chương trình phúc lợi xã hội với tổng kinh phí trên 2 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 ngàn lao động người địa phương.
Dây chuyền sản xuất của nhà máy. Ảnh: Minh Ngữ |
Minh Ngữ