Nhiều địa phương đang đầu tư mạnh để phát triển vùng trồng dược liệu quý. Tuy nhiên, câu chuyện trồng và tìm đầu ra cho thảo dược là bài toán không dễ giải.
Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu (DL) quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Gần đây, tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập vấn đề này. PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), khẳng định: “Đây là một quyết sách mang tính chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển DL với sinh kế của người dân”.
|
Tây Bắc đua nhau trồng thảo dược. Ảnh: Quang Viên |
Cây trồng “mũi nhọn” xóa nghèo
Trong chuyến công tác các tỉnh miền núi phía bắc gần đây, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tỉnh ở vùng Tây Bắc đã và đang tỏ ra rất tâm huyết thực hiện chương trình trồng DL. Họ coi đó là chương trình xóa đói, giảm nghèo, đưa cây DL vào cơ cấu cây trồng “mũi nhọn”, thay thế lúa, ngô… để xóa nghèo nhanh và bền vững.
Tại Lào Cai, quy hoạch tổng thể phát triển DL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ xác định tỉnh này là một trong 8 vùng trồng DL có thế mạnh của VN. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 3.580 ha cây DL chính, trong đó có 140 ha với 11 loại cây được Bộ Y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái” (GACP - WHO) trong sản xuất DL. Năm 2022, Lào Cai lên kế hoạch trồng mới 535 ha cây DL. Cây DL trồng mới bao gồm bạch chỉ, độc hoạt, ngưu bàng, đương quy Nhật, cát cánh, đương quy, đẳng sâm và bạch truật. Diện tích trồng tập trung tại TX.Sa Pa, các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Bát Xát.
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La cũng phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây DL đến năm 2020, định hướng đến 2030. Giai đoạn 2020 - 2030, mục tiêu tỉnh khai thác 90.400 ha cây thuốc dưới tán rừng; bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây thuốc dưới tán rừng; diện tích trồng DL định hướng đến năm 2030 đạt 50.000 ha. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã dành 250 tỉ đồng tập trung phát triển 55 loài DL quy mô lớn, giá trị kinh tế cao và bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây DL dưới tán rừng.
Trong khi đó, nơi trồng DL chủ lực của tỉnh Điện Biên là H.Tuần Giáo. Theo số liệu năm 2022, địa phương này có đến 494,6 ha DL bao gồm thảo quả, sa nhân, sơn tra, ý dĩ, hoa hồi. Ngoài ra, đã có một số hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và một số cây DL có giá trị. Phương án phát triển vùng trồng cây DL quý trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030 có diện tích khoảng 3.980 ha.
|
Vườn ươm thất diệp nhất chi hoa ở Tây Bắc. |
Còn Lai Châu đã đầu tư trồng các loại thảo dược quý như lan kim tuyến, đẳng sâm, hà thủ ô…, đặc biệt là sâm Lai Châu. Hiện tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 200 hộ dân đang trồng sâm Lai Châu cùng một số DL quý khác dưới tán rừng. Chính quyền địa phương này cho biết, mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ trồng mới 900 ha cây DL.
Ngoài ra, Hà Giang (một trong những tỉnh miền núi vùng Đông Bắc) cũng không chịu “lép vế” về DL so với các tỉnh vùng Tây Bắc nói trên. Giai đoạn
2018 - 2020, vùng nguyên liệu cây DL ở Hà Giang phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong 3 năm này, toàn tỉnh đã trồng mới được 4.500 ha. Tính đến thời điểm cuối quý 1/2020, tổng diện tích các loài cây DL đã trồng của tỉnh đạt trên 9.400 ha, chủ yếu là các loại DL như atiso, đương quy, bạch chỉ, ý dĩ, thảo quả, ấu tẩu...
Nhiều bất cập cần xử lý
Việc trồng DL để xóa đói, giảm nghèo và có thể làm giàu là chủ trương đúng. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến chuyện trồng DL thành công và tìm được đầu ra là bài toán không dễ giải.
Chúng tôi đã tiếp xúc với chị Vũ Thị Nhung, một người từng được coi là điển hình trong việc trồng cây tam thất tại H.Si Ma Cai, Lào Cai. Chị Nhung cho biết hiện giờ chị không trồng tam thất nữa. Hỏi vì sao, chị thở dài: “Đó là câu chuyện rất nan giải. Ban đầu rất tốt từ khâu trồng đến đầu ra. Nhưng sau đó, thời tiết biến đổi, tam thất bị bệnh. Đầu tư cao, cố đâm đầu vào trồng tiếp thì tổn thất sẽ rất lớn”. Theo tiết lộ của chị Nhung, những vườn tam thất “nổi đình nổi đám” vùng này của một số hộ dân cũng biến mất vì lý do tương tự.
|
Các nhà khoa học đến hướng dẫn cách trồng và chăm sóc thảo dược quý tại Lai Châu. |
Tại Lào Cai, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến dự án tam thất đầy tham vọng ở thôn Cồ Dề Chải (xã Nậm Mòn, H.Bắc Hà) dường như bị phá sản hoàn toàn. Khoảng 2 ha trồng tam thất giờ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm; văn phòng, nhà kho, nhà đông lạnh, nhà sấy không hoạt động và xuống cấp nghiêm trọng.
Còn tại Điện Biên, Lai Châu và Sơn La, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiệu quả kinh tế từ nguồn thu DL tại 3 tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Việc trồng, chế biến DL trong các hộ dân vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Nhức nhối hơn, thảo dược hầu như xuất theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc, giá trị thương phẩm bị phụ thuộc, trong khi thị trường Trung Quốc thì “nắng mưa thất thường”. Ngoài ra, tại 3 tỉnh này cũng còn rất ít doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm DL, khiến đầu ra DL thêm phần khó khăn.
Riêng Điện Biên, trong một văn bản đề cập việc phát triển vùng trồng cây DL quý giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030 ban hành vào ngày 26.9.2022, tỉnh này đã nêu hàng loạt khó khăn. Theo đó, hiện nay sản phẩm cây DL sau thu hoạch chủ yếu được người dân bán tươi, sấy thủ công hoặc phơi khô trước khi tiêu thụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển cây DL như đường giao thông, hệ thống cấp điện, tưới tiêu, cơ sở nhân ươm giống, thu gom và chế biến sản phẩm còn hạn chế…
Theo Bộ NN-PTNT, muốn vùng Tây Bắc trở thành một trung tâm công nghiệp DL thì cần có những trung tâm nghiên cứu DL, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới. Các địa phương cần xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp DL liên kết với các hợp tác xã trong việc trồng, sản xuất, phát triển DL. |
Cái khó muôn thuở là thị trường tiêu thụ sản phẩm DL vẫn chưa ổn định. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, phát triển DL còn hạn chế. Ngoài ra, trình độ, khả năng tiếp thu kỹ thuật trồng cây DL của người dân không đồng đều; công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây DL của người dân đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm (chủ yếu bán các sản phẩm thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp). Công tác quản lý, khai thác DL ở một số địa phương thiếu khoa học, bền vững dẫn đến tình trạng nguồn DL ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, chưa có định hướng và nguồn lực đảm bảo cho công tác nghiên cứu giống, kỹ thuật, đất đai để phát triển trồng cây DL…
Những bất cập này, cũng là câu chuyện khá phổ biến tại các vùng trồng DL ở miền núi phía bắc.
Theo Quang Viên (TNO)