Kbang nên đổi tên đường Y Wừu thành đường Wừu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ở Gia Lai, nhiều người biết rõ hoặc từng nghe nhắc đến Anh hùng Wừu. Nhiều năm qua, tên ông đã thành tên đường phố, tên trường học. Tuy nhiên, tại thị trấn huyện Kbang hiện có một con đường mang tên Y Wừu. Vì sao lại có chuyện này?

Năm 1946, khi Pháp tái chiếm Gia Lai cũng là thời gian bok Wừu tham gia du kích tại quê hương mình-xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa ngày nay. Đến cuối năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng. Từ năm 1950 đến 1952, ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Nam Đak Đoa kiêm Xã đội trưởng. Thời gian này, ông bị địch bắt 3 lần. Hai lần đầu, ông trốn thoát. Lần thứ 3, ông bị chúng tra tấn hết sức dã man. Biết mình không còn có thể sống để tiếp tục hoạt động cách mạng, bok Wừu đã lừa địch vào khu bố phòng khiến một số tên bị sập hầm chông. Chúng đã khoét mắt rồi bắn chết ông bên bờ suối.

Tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua Liên khu 5 (1953), bok Wừu được tuyên dương toàn liên khu. Năm 1956, ông được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bảng tên đường Y Wừu và biển số nhà ở thị trấn Kbang. Ảnh: N.Q.T

Bảng tên đường Y Wừu và biển số nhà ở thị trấn Kbang. Ảnh: N.Q.T

Năm 1958, Nhà nước ta cho dựng 7 bia đá ghi công trạng của 7 anh hùng chống Pháp tiêu biểu, trong đó có Anh hùng Wừu tại bờ Bắc sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày 27-6-2018, UBND tỉnh xếp hạng Khu lưu niệm Anh hùng Wừu tại xã Đak Sơ Mei là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tất cả các bài báo, cuốn sách chính thống, đặc biệt là sách lịch sử Đảng bộ liên quan, trong đó có Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai đều nhắc đến chiến công, ý chí ngoan cường của bok Wừu và nhất quán không viết thành Y Wừu. Cùng với rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, tên Anh hùng Wừu đã trở thành tên đường ở các đơn vị cấp huyện: Ayun Pa, Đak Đoa, Đak Pơ, Chư Păh, Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang, Pleiku. Riêng huyện Kbang thay vì sử dụng danh từ Wừu lại thêm chữ Y thành Y Wừu.

Trao đổi với người viết bài này, một cán bộ lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang cho biết: Tên đường Y Wừu xuất hiện từ trước năm 2000 và có thể do bộ phận kinh tế-hạ tầng của UBND huyện đặt tạm rồi giữ nguyên từ đó đến nay. Con đường dài gần 2 km, là nơi cư trú của hơn 1.000 hộ dân thuộc các tổ dân phố 8, 9, 10 của thị trấn Kbang.

Ngày 8-12-2021, UBND tỉnh ban hành Cơ sở dữ liệu tên đường và công trình công cộng của địa phương theo Quyết định số 861/QĐ-UBND, với 374 mục từ liên quan. Trong “ngân hàng” này, danh từ Wừu nằm ở vị trí số 315 và được xác định là nhân vật lịch sử của địa phương. Như vậy, có thể khẳng định, tên đường Y Wừu ở thị trấn huyện Kbang là chưa chính xác. Nói một cách ngắn gọn, trên thực tế không có nhân vật Y Wừu trong lịch sử Gia Lai và toàn quốc. Huyện Kbang có thể đổi tên con đường hiện tại từ Y Wừu (sai) thành Wừu (đúng) được không? Theo chúng tôi, không có trở ngại pháp lý nào ngăn cản điều này.

Điều 5 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng yêu cầu: “Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử-văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của Nhân dân qua nhiều thế hệ”. Nhưng văn bản này cũng khẳng định: “Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử-văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng”.

Đổi tên đường như thế nào? Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 861/QĐ-UBND hướng dẫn: “Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được giao nhiệm vụ quản lý các tuyến đường, công trình công cộng có trách nhiệm nghiên cứu, lựa chọn dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tên đường và công trình công cộng đã được UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành đặt, đổi tên đường và công trình công cộng theo trình tự, thủ tục quy định”.

Khó khăn mà huyện Kbang vướng phải trong trường hợp này là đổi tên đường sẽ kéo theo sự điều chỉnh một chi tiết (Y Wừu thành Wừu) trên các giấy tờ liên quan, ít nhất là đối với các cư dân thuộc 3 tổ dân phố đã nêu. Theo chúng tôi, trở ngại này không quá lớn. Chưa kể, việc này nếu không làm sớm, càng để lâu, sự thay đổi, điều chỉnh sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi dân cư và các vấn đề liên quan tại khu vực này càng thêm phát triển.

Có thể bạn quan tâm